Vì sao lợi nhuận sau thuế của PVS tăng mạnh?

08:36' - 06/02/2025
BNEWS Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS) vừa có công văn giải trình chênh lệch lợi nhuận Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 so với quý IV/2023.

Theo Phó Tổng Giám đốc PTSC Nguyễn Xuân Cường, lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 của doanh nghiệp đạt 704.886 triệu đồng, tăng 55,32% so với lợi nhuận sau thuế của quý IV/2023. Lợi nhuận của doanh nghiệp tăng mạnh như vậy chủ yếu do phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết hợp nhất về Báo cáo tài chính Tổng công ty PTSC trong quý IV/2024 lớn hơn so với quý IV/2023.

Bên cạnh đó, thu nhập khác phát sinh trong quý IV/2024 lớn hơn quý IV/2023 do trong quý IV/2024, PTSC thực hiện hoàn nhập dự phòng bảo hành của một số dự án đã hoàn thành nghĩa vụ bảo hành với khách hàng và hợp nhất thu nhập đối với khoản nợ phải trả của công ty con được nhà cung cấp giảm nợ.

 

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch hôm qua 5/2, cổ phiếu PVS tăng 1,82% và đóng cửa ở mức 33.500 đồng/cổ phiếu.

PTSC là thành viên của PetroVietnam hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí, công nghiệp tại Việt Nam và là thương hiệu lớn trên thị trường dịch vụ dầu khí, công nghiệp trong khu vực. PTSC cung cấp các loại hình dịch vụ kỹ thuật cho các ngành dầu khí, năng lượng, công nghiệp, trong đó có nhiều loại hình dịch vụ mang tính chiến lược, chất lượng cao, mũi nhọn, đã phát triển và được chuyên nghiệp hóa đạt trình độ quốc tế như: Tổng thầu EPCI (kỹ thuật, mua sắm, lắp đặt và vận hành) công trình biển; Tổng thầu EPC công trình công nghiệp; kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô FSO/FPS0; tàu dịch vụ dầu khí; khảo sát địa chấn, địa chất và công trình ngầm; lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình biển; cảng dịch vụ, dịch vụ cung ứng nhân lực kỹ thuật và các dịch vụ cho dự án năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, PTSC vừa đóng vai trò là nhà đầu tư, vừa là nhà thầu cung cấp dịch vụ các dự án tiêu biểu. Thời gian vừa qua, PTSC đã hạ thủy và bàn giao 33 chân đế điện gió ngoài khơi thuộc dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) cho khách hàng Orsted (Đan Mạch). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực rất mới là năng lượng tái tạo ngoài khơi, ghi danh Việt Nam trên bản đồ năng lượng tái tạo ngoài khơi thế giới. Tiếp theo thành công tại dự án điện gió ngoài khơi CHW2204, PTSC đã tiếp tục đấu thầu và trúng thầu cung cấp chân đế trụ điện gió cho dự án điện gió ngoài khơi (quy mô lớn hơn dự án CHW2204) của khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, PTSC cũng bắt đầu bước vào giai đoạn khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Baltica 02 tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu và xuất khẩu các trạm biến áp điện gió ngoài khơi sang châu Âu - thị trường hàng đầu thế giới về điện gió ngoài khơi, bên cạnh 5 trạm biến áp khác đã và đang xuất khẩu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục