Vì sao tỷ lệ chậm chuyến bay lại tăng?

18:42' - 10/12/2018
BNEWS Tính đến 14/11/2018, tổng số chuyến bay chậm của các hãng hàng không Việt Nam tại sân bay quốc tế Nội Bài là 12.410 lượt chuyến, có tăng so với năm ngoái.
Theo Cảng vụ Hàng không miền Bắc, trong năm 2018, tại sân bay Nội Bài, tổng số chuyến bay chậm của các hãng hàng không Việt Nam là 12.410 lượt chuyến, chiếm 14,13% tổng số chuyến khai thác.  Ảnh minh họa: Vietnam Airlines

Theo số liệu của Cảng vụ Hàng không miền Bắc vừa được công bố, tính từ đầu năm đến ngày 14/11/2018, tổng số chuyến bay chậm của các hãng hàng không Việt Nam tại sân bay quốc tế Nội Bài là 12.410 lượt chuyến, chiếm 14,13% tổng số chuyến khai thác (tăng 1,84 điểm % so với cùng kỳ năm 2017). Tổng số chuyến bay bị hủy là 318 lượt chuyến, chiếm tỷ lệ 0,36% (giảm 0,07 điểm % so với cùng kỳ năm 2017).

So với năm 2017, số chuyến bay chậm chuyến tăng, nhưng số hủy chuyến lại giảm.

Cụ thể, Vietnam Airlines có 4.045 chuyến chậm và 89 chuyến hủy; Vietjet Air có 5.922 chuyến chậm và 51 chuyến hủy; Jetstar Pacific có 2.155 chuyến chậm và 15 chuyến hủy; Hải Âu có 3 chuyến chậm và 1 chuyến hủy; Vasco có 285 chuyến chậm và 162 chuyến hủy.

Đánh giá về nguyên nhân chậm, hủy chuyến, Cảng vụ Hàng không miền Bắc nhận định, các lý do dẫn đến chậm, hủy chủ yếu là do tàu về muộn (chậm dây chuyền), thời tiết không đảm bảo và bị trục trặc kỹ thuật. Tuy nhiên, tỷ lệ số chuyến bay khởi hành đúng giờ vẫn đạt 85,87%.

Đặc biệt, Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho hay, tính đến hết ngày 14/11/2018, toàn khu vực miền Bắc có 146 chuyến bay bị hủy, chậm kéo dài được các hãng hàng không thực hiện bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách.

Trong khi đó, Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết, tính đến cuối tháng 10 năm nay, có 20.145 chuyến chậm và 481 hủy chuyến ở sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Số chuyến bay chậm chuyến tại sân Sân bay Tân Sơn Nhất tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2017, tương đương với 4.688 chuyến bay.

Trong năm, Cảng vụ Hàng không miền Nam ra quyết định xử phạt 10 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về chất lượng dịch vụ và vận tải hàng không với số tiền 126 triệu đồng. Cụ thể, xử phạt hãng hàng không China Southern Airlines, Air Asia Berhad,... thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo quy định trường hợp hoãn, hủy chuyến bay. Đồng thời, xử phạt Công ty Đông Dương bố trí nhân viên tại các vị trí yêu cầu không có giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận theo quy định.

Đặc biệt, ngày 22/3/2018, đơn vị tổ chức bình giảng rút kinh nghiệm đối với các cá nhân, đơn vị liên quan đến vụ việc hành khách chuyến bay VN943 (SGN - Myanma) lên nhầm chuyến bay VN651 (SGN - Singapore) ngày 20/2/2018.

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam năm 2018 tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, theo đó, sản lượng hành khách thông qua ước đạt 106 triệu lượt hành khách tăng 12,9% và sản lượng hàng hóa ước đạt gần 1,5 triệu tấn hàng hóa, tăng 7,7% so với năm 2017.

Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt trên 50 triệu hành khách, tăng 14% và gần 400.000 tấn hàng hóa, tăng 26% so với năm 2017.

Về thị trường hàng không Việt Nam hiện có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ và 4 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines và Vasco.

Tại thị trường quốc tế, 68 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác gần 130 đường bay quốc tế giữa Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng và 28 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Đối với thị trường nội địa, 4 hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác 48 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh với 18 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục