Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm virus Corona

16:32' - 23/01/2020
BNEWS Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm virus Corona nhưng thuốc điều trị, trang thiết bị đang chuẩn bị theo tình huống có bệnh nhân và bảo đảm hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong.
Kiểm tra hệ thống kiểm dịch y tế quốc tế khu cách ly khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm viêm phổi cấp do chủng vi rút mới nCoV. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 23/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế; kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng cách ly, điều trị người bị viêm hô hấp cấp do virus Corona (nCoV), tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Sẵn sàng ứng phó với mức cao nhất

Theo các chuyên gia Y tế, tại Trung Quốc đã ghi nhận 4 địa phương có ca nhiễm, chủ yếu là ở Vũ Hán (Hồ Bắc), ngoài ra còn có Thượng Hải, Thâm Quyến (Quảng Đông), Bắc Kinh; một số nước ghi nhận ca nhiễm như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Đến ngày 22/1, tại Trung Quốc đã ghi nhận 541 trường hợp nhiễm virus Corona, 17 người đã tử vong.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế Dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết: Trong các mức độ lây của virus cúm là không lây từ người sang người, lây từ người sang người, hạn chế lây từ người sang người và lây lan diện rộng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định virus Corona có khả năng lây từ người sang người ở mức độ hạn chế. Hiện, chưa có khuyến cáo đặc biệt của WHO về sàng lọc thực phẩm, hạn chế đi lại.

Dù vậy, hệ thống giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam đã được "kích hoạt", rà soát, tăng cường, kiểm tra chặt chẽ với các biện pháp ứng phó đặt ra cao hơn mức độ lây hạn chế từ người sang người.

Hiện, ngành Y tế mới kiểm tra thân nhiệt, theo dõi, khuyến cáo người nhập cảnh; sẵn sàng tiến hành khai báo y tế ngay khi có khuyến nghị của WHO.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định: Một người có thể nhiễm virus Corona thông qua tiếp xúc với người bệnh.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của WHO, virus Corona lây qua tiếp xúc với dịch nước bọt của người nhiễm, chưa có biểu hiện lây qua không khí như dịch SARS trước đây. Biện pháp phòng dịch đầu tiên khi tiếp xúc với người có biểu hiện sốt là phải đeo khẩu trang.

Thời gian ủ bệnh viêm hô hấp cấp do virus Corona khoảng từ 7-14 ngày, với các triệu chứng như sốt nhẹ, ho, khó thở giống các loại cúm thông thường.

Sau khi phát bệnh, biểu hiện của người nhiễm virus Corona được đánh giá nhẹ hơn so với SARS, MERS-CoV.

Đến nay tỷ lệ tử vong của dịch viêm phổi cấp do virus Corona hiện khoảng 3% so với mức 16% của dịch SARS, 30-36% của dịch MERS-CoV.

Tuy nhiên tỷ lệ tử vong còn phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng và kinh nghiệm điều trị của hệ thống y tế. Hiện không có thuốc đặc trị đối với virus Corona, các biện pháp điều trị chủ yếu là hỗ trợ hệ miễn dịch, điều trị triệu chứng, cách ly tránh lây nhiễm cho người tiếp xúc.

Tăng cường công tác kiểm dịch y tế

Ngành Y tế Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm phòng, chống các dịch bệnh mới, như: dịch hô hấp cấp-SARS (2003), Cúm A/H1N1 (2009), cúm A/H5N1 (2014), các dịch bệnh như Ebola, Hội chứng hô hấp trung Đồng - MERS-CoV, Zika…

Mới đây nhất là dịch cúm A/H7N9 bùng phát tại Trung Quốc từ năm 2012 đến nay, làm hơn 600 trường hợp tử vong nhưng Việt Nam không có ca nhiễm, hay trường hợp tử vong.

Tương tự như trong phòng, chống các dịch trước đây, hệ thống giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, bệnh viện đã được "kích hoạt" để phát hiện sớm nhất những trường hợp nghi nhiễm.

Các viện vệ sinh dịch tễ ở Việt Nam đều đã đủ năng lực để xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm virus Corona, vì vậy,các đơn vị này tăng cường giám sát dịch tại cộng đồng; phát các tờ rơi; theo dõi mọi trường hợp có biểu hiện sốt, cúm.

Bộ Y tế đã có các văn bản hướng dẫn chuyên môn, giám sát, phòng, chống dịch viêm hô hấp cấp do virus Corona về địa phương, đặc biệt tại những tỉnh có biên giới với Trung Quốc; tổ chức kiểm tra công tác giám sát, phòng chống dịch ở Hà Nội, Đà Nẵng, Lạng Sơn.

Báo cáo với Phó Thủ tướng về việc bố trí các khoa, phòng, khu cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm virus Corona, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh cho biết: Với tinh thần "Điều trị tại chỗ, hạn chế tối đa việc di chuyển bệnh nhân", những ca bệnh nặng, các đội cơ động, ứng phó khẩn cấp với đầy đủ chuyên gia, thiết bị y tế sẽ được điều động về địa phương. Đây là kinh nghiệm đã được ngành Y tế đúc rút từ những đợt phòng, chống dịch trước đây.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm trakiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng cách ly, điều trị người bị viêm hô hấp cấp do virus Corona (nCoV), tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Đình Nam-TTXVN phát

Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê khẳng định: Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm virus Corona nhưng thuốc điều trị, trang thiết bị đang chuẩn bị theo tình huống có bệnh nhân và bảo đảm hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong.

Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị sơ bộ và tiếp tục cập nhật, các hướng dẫn, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo trên cơ sở kinh nghiệm phòng chống các dịch bệnh trước đây.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là cơ sở đầu ngành có nhiều kinh nghiệm phòng, chống nhiều dịch bệnh như dịch hô hấp cấp-SARS (2003), Cúm A/H1N1 (2009), cúm A/H5N1 (2014).

Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết: Ngoài 6 phòng cách ly áp lực âm được trang bị từ đợt phòng chống dịch Ebola, bệnh viện đã giải tỏa một phần bệnh nhân đang điều trị sang các bệnh viện khác để dành khoa cấp cứu, chuẩn bị cho công tác chống dịch.

Tùy theo mức độ của dịch Corona, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)…, bệnh viện sẽ sử dụng một phần hoặc toàn bộ cơ sở để cách ly, điều trị các bệnh nhân nghi nhiễm, nhiễm virus Corona.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng chống dịch viêm hô hấp cấp do virus Corona; đồng thời yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, cũng như các đơn vị chức năng cần quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển không để dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào nước ta.

Các bệnh viện cần đôn đốc, thực hiện nghiêm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi phát hiện người nghi nhiễm, nhiễm virus Corona phải tiến hành cách ly, xét nghiệm, điều trị kịp thời; nếu có dấu hiệu nặng cần kịp thời chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Đặc biệt, Bộ Y tế cần chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh do virus Corona ở Việt Nam và thế giới; truyền tải đầy đủ khuyến cáo của WHO; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát và phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị cho các bệnh viện; hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các địa phương.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ luôn theo dõi, chỉ đạo sát với các cấp độ cụ thể của dịch và sẵn sàng ứng phó cao hơn mức bình thường - Phó Thủ tướng lưu ý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục