Việt Nam thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Thụy Sỹ

21:38' - 10/07/2020
BNEWS Việt Nam tin tưởng với năng lực và kinh nghiệm của mình, các nhà đầu tư Thụy Sỹ sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn.

Ngày 9/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ đã phối hợp cùng Phòng Thương mại Thụy Sỹ-châu Á (SACC) và Becamex Bình Dương tổ chức Hội thảo trực tuyến (Webinar) với chủ đề "Việt Nam, đất nước của cơ hội đầu tư: Chế tạo thông minh, Đầu tư thông minh, Thành phố thông minh Bình Dương".

Hội thảo có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan, Giám đốc điều hành SACC Barbara Möckli Schneider, ông Marc Townsend - Chủ tịch Tiểu ban Việt Nam của SACC. Về phía Becamex Bình Dương có bà Maily Anna Maria Nguyen, Trưởng Đại diện Becamex Bình Dương tại khu vực châu Âu.
Hội thảo Webinar còn có sự tham dự trực tuyến của gần 30 doanh nghiệp Thụy Sỹ, Đức, Singapore và một số doanh nghiệp trong nước thuộc các lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, chế biến thực phẩm, điện tử, năng lượng tái tạo, bao bì…

Các đại biểu khẳng định đại dịch COVID-19 đang đem đến những thay đổi sâu sắc cho nền kinh tế thế giới, đẩy nhanh sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Việt Nam ngày càng chứng tỏ là một điểm đến đầy tiềm năng cho sự dịch chuyển này với một thị trường gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng, kinh tế tăng trưởng ổn định, môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn; và có quan hệ tốt đẹp với các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sỹ.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan chia sẻ cập nhật tình hình kiểm soát đại dịch COVID-19 tại Việt Nam với những kết quả hết sức ấn tượng, đã gần 3 tháng không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, chỉ có 369 ca nhiễm với đa số đã hồi phục và đặc biệt không có ca tử vong. Nhờ có quyết tâm cao và những biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ của Chính phủ và sự đồng lòng đoàn kết toàn dân, đến nay về cơ bản Việt Nam đã khống chế được đại dịch COVID-19.

Hơn nữa, không chỉ là một trong những nền kinh tế sớm ra khỏi đại dịch, Việt Nam cũng sẽ là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh kinh tế thế giới đi vào suy thoái nặng nề. Các thiết chế tài chính, kinh tế lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự báo Việt Nam tăng trưởng khả quan từ trong năm 2020 và hồi phục mạnh trong năm 2021.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang đặt ra “mục tiêu kép”, đó là đẩy lùi đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tăng trưởng. Nỗ lực phục hồi kinh tế tập trung vào 5 lĩnh vực chính: Thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước; Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; Đẩy mạnh xuất khẩu; Tăng cường đầu tư công và Khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam tiếp tục có tiến triển quan trọng Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU đã được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Trong đó EVFTA sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 1/8/2020 sắp tới (Hiệp định EVIPA cần được Quốc hội tất cả các quốc gia thành viên EU phê chuẩn trước khi có hiệu lực). Hiệp định FTA thế hệ mới với EU sẽ mở ra những cơ hội to lớn thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Âu.
Đại sứ Lê Linh Lan khẳng định quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Sỹ đã phát triển rất tích cực trong những năm qua, nhưng cơ hội và tiềm năng hợp tác còn rất lớn đặc biệt khi đàm phán FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA trong đó có Thụy Sỹ (bắt đầu từ năm 2012) được hoàn tất và ký kết.

Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước duy trì sự tăng trưởng nhanh và ổn định, đạt 3,61 tỷ CHF năm 2019. Về đầu tư, hiện có hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó có những tập đoàn lớn như Nestle, ABB, Novartis, Roche, Holcim, Schindler… Với tổng số vốn đầu tư 2 tỷ CHF, Thụy Sỹ đang là nhà đầu tư lớn thứ 6 của châu Âu tại Việt Nam.

Việt Nam tin tưởng với năng lực và kinh nghiệm của mình, các nhà đầu tư Thụy Sỹ trong các lĩnh vực có thế mạnh như tài chính, dược phẩm, chế biến thực phẩm... sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn để đầu tư trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Trưởng Đại diện Becamex Bình Dương tại khu vực châu Âu đã có bài giới thiệu về lợi thế thu hút đầu tư của Bình Dương với hạ tầng khu công nghiệp hiện đại, cơ bản hoàn chỉnh, Bình Dương đã trở thành điểm đến được ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tính đến thời điểm này, có 64 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương với 3.714 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực. Lũy kế tính đến nay, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Tp. Hồ Chí Minh về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 34,92 tỷ USD.

Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp mới.

Đặc biệt chú trọng đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Bình Dương cũng chú trọng đổi mới mô hình phát triển, với việc hợp tác, triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh.

Đại diện Tetra Pak Vietnam trình bày kinh nghiệm thành công khi đầu tư tại Bình Dương. Tetra Pak là Tập đoàn đến từ Thụy Điển, có 65 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói dạng lỏng hàng đầu thế giới.
Tham dự Hội thảo về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ còn có Tham tán thương mại Nguyễn Đức Thương. Webinar tại Thụy Sỹ là một nỗ lực thành công trong bối cảnh đại dịch COVID-19, góp phần tăng cường quảng bá môi trường đầu tư, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Thụy Sỹ, châu Âu vào Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục