Việt Nam và Hoa Kỳ hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững

07:50' - 22/09/2023
BNEWS Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC).

Trong khuôn khổ chương trình công tác tại Hoa Kỳ, tham dự Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc và các hoạt động song phương vào chiều 19/9, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC).

 

Hai Bộ trưởng nhất trí việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện ngày 10/9 vừa qua là cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương, trong đó trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại sẽ tiếp tục là động lực quan trọng, đóng vai trò tiên phong thúc đẩy sự thịnh vượng chung giữa hai quốc gia; đồng thời nhấn mạnh các cơ quan quản lý của hai nước nói chung, và giữa Bộ Công Thương Việt Nam và DOC nói riêng cần có nhiều hoạt động hợp tác sâu rộng hơn nữa để triển khai và hiện thực hoá tầm nhìn của Lãnh đạo cấp cao, xác lập những mục tiêu phát triển tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho chặng đường sắp tới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và DOC, đồng thời ghi nhận sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong suốt chặng đường gần 30 năm qua.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục nhắc lại tầm quan trọng của vấn đề công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, đề nghị DOC sẽ có chỉ đạo mạnh mẽ để đẩy nhanh và sớm hoàn tất tiến trình rà soát thay đổi hoàn cảnh trong năm 2023 theo tinh thần Tuyên bố chung ngày 11/9 và Kế hoạch hành động đã thống nhất giữa Lãnh đạo hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định mong muốn của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với phía Hoa Kỳ một cách toàn diện và bền vững. Bộ Công Thương, với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA) cam kết sẽ tiếp tục chủ động điều phối, hợp tác với các Cơ quan quản lý của Hoa Kỳ để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của cả hai nước, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.

Trao đổi về tình hình thảo luận Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh kết quả mà các nước thành viên IPEF đạt được trong việc kết thúc cơ bản các nội dung đàm phán thuộc Trụ cột II về Chuỗi cung ứng; khẳng định Việt Nam đã rất tích cực tham gia các phiên đàm phán, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể và phối hợp chặt chẽ với các nước trong quá trình đàm phán Khuôn khổ IPEF.

Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác đa phương và khu vực, Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng trao đổi với các nước thành viên để góp phần xây dựng các nội dung thiết thực, phù hợp với điều kiện phát triển của từng thành viên.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tần suất ngày càng gia tăng của các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, nhất là các vụ việc nhắm vào các sản phẩm công nghiệp.

Bộ trưởng đề nghị DOC xem xét kỹ lưỡng các ý kiến của Việt Nam trong từng vụ việc cụ thể nhằm đảm bảo tự do hóa thương mại, tính công bằng, khách quan, minh bạch cho hoạt động giao thương của doanh nghiệp hai nước.

Trong phần trao đổi của mình, bà Gina Raimondo ghi nhận việc Việt Nam đã chính thức đề nghị DOC khởi xướng rà soát hoàn cảnh (CCR) để xem xét công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam trong khuôn khổ vụ việc cụ thể và cho biết sẽ có những chỉ đạo trực tiếp để đẩy nhanh tiến trình xem xét, sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Bộ trưởng Gina Raimondo thể hiện sự quan tâm cao đến tiến trình thảo luận Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), nhấn mạnh mong muốn nhanh chóng hoàn tất đàm phán các trụ cột còn lại trước thời điểm cuối năm 2023.

Kết thúc cuộc làm việc, hai Bộ trưởng nhất trí hai cơ quan cần không ngừng vun đắp lòng tin chiến lược, tăng cường thảo luận, hợp tác sâu hơn trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi trong tương lai như năng lượng, hàng không, đất hiếm và khoáng sản tối quan trọng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, sản xuất xanh; đồng thời tìm ra những phương hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa cam kết của Lãnh đạo hai nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục