Vinatex đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 6-8%

17:14' - 26/04/2019
BNEWS Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, năm 2019, dự báo ngành dệt may sẽ khó khăn về cầu khi các dự báo cho thấy, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu tăng trưởng đều thấp hơn.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH may Tinh Lợi, Khu Công nghiệp Nam Sách (Hải Dương). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) mới đây, ông Lê Tiến Trường, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, năm 2019, dự báo ngành dệt may sẽ khó khăn về cầu khi các dự báo cho thấy, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu tăng trưởng đều thấp hơn.

Mặt khác, ngành dệt may còn đối diện với những tác động của chiến tranh thương mại phức tạp Mỹ – Trung.

Vinatex kỳ vọng năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành tăng 5% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu tăng 6-8%; doanh thu theo đó ước tăng 5-7% ; lợi nhuận tăng 12% và mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.

Vinatex phấn đấu đạt tổng doanh thu Công ty Mẹ 1.356,517 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 380,592 tỷ đồng; kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 22.185 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 839 tỷ đồng.

Năm 2018, Vinatex đạt gần 1.490 tỷ đồng doanh thu và thu nhập của Công ty mẹ, lợi nhuận trước thuế đạt trên 345 tỷ đồng, vượt 128,5% so với kế hoạch của Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2018. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2018 đạt gần 20.247 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 761,40 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả trên, theo ông Lê Tiến Trường là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của HĐQT và nỗ lực thực hiện của cơ quan điều hành.

Với 8 phiên họp và 19 Nghị quyết được Ban hành, năm 2018 Vinatex đã có bước tăng trưởng “ấn tượng” cả về chất và lượng, áp dụng những biện pháp đầu tư theo chiều sâu từ khoa học công nghệ cho tới đội ngũ nhân lực mà Vinatex đã thực hiện trong 2 năm trở lại đây.

Tập đoàn đã chi trả cổ tức 6% trên mệnh giá cổ phiếu, tương ứng 300 tỷ đồng, bằng 86,86% lợi nhuận sau thuế; trích Quỹ khen thưởng phúc lợi 10 tỷ đồng, bằng 2,89% lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận còn lại cho năm 2019 là 35,377 tỷ đồng, bằng 10,25% lợi nhuận sau thuế.

Ông Lê Tiến Trường cho biết thêm, năm 2018 là một năm biến động đối với dệt may toàn cầu do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt, chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng… Trước bối cảnh này, năm 2018 là năm tăng trưởng "đột biến" của ngành dệt may trong nước.

Bởi lẽ, những năm "hoàng kim" như 2007-2008, mức tăng của ngành này đạt 34% nhưng thực tế về giá trị tuyệt đối cũng chỉ đạt hơn 2 tỷ USD, trong khi những năm gần đây, mức tăng 10% thì trung bình cũng chỉ tăng từ 2,5-3 tỷ USD về kim ngạch.

Do đó, con số 5 tỷ USD tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của năm 2018 được coi là con số đặc biệt, bằng 100% kim ngạch xuất khẩu của năm 2007./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục