Vincom Retail trong thập kỷ dưới thời Vingroup

14:38' - 20/03/2024
BNEWS Trước khi Vingroup thoái vốn khỏi Vincom Retail, doanh nghiệp này đã làm ăn ra sao trong hai thập kỷ dưới trướng của ông lớn này?

HĐQT của Tập đoàn Vingroup mới đây đã ban hành nghị quyết về việc tập đoàn và các công ty con sẽ bán phần vốn góp lên tới 100% vốn điều lệ trong công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. Giao dịch dự kiến thực hiện từ tháng 3/2024 đến quý III/2024.

Hiện SDI sở hữu trên 99% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Kinh doanh thương mại Sado - cổ đông lớn nắm 40,5% vốn của Công ty cổ phần Vincom Retail. Sau khi giao dịch hoàn tất, SDI, Sado và Vincom Retail không còn là công ty con thuộc tập đoàn Vingroup.

Lý giải về lý do thoái vốn, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, đây là thời điểm cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ Vingroup và các thương hiệu trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao. Và để thực hiện bằng được sứ mệnh này, công ty sẽ dồn toàn lực, nhất là nguồn lực tài chính để tạo đà phát triển đột phá trong giai đoạn bước ngoặt tiếp theo.

Vậy trước sự kiện này, Vincom Retail làm ăn ra sao trong một thập kỷ dưới trướng của ông lớn Vingroup?

Vincom Retail được thành lập vào ngày 11/4/2012 dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn. Trước đó, Tập đoàn Vingroup bắt đầu phát triển các trung tâm thương mại (TTTM) thương hiệu “Vincom” từ năm 2004.

Các TTTM này góp phần quan trọng trong quy hoạch phát triển tổng thể các dự án phức hợp và khu căn hộ do Tập đoàn Vingroup phát triển.

Trước khi “chinh phục lòng đất”, tòa tháp 191 Bà Triệu với TTTM Vincom đầu tiên hoạt động theo mô hình “one-stop-shopping” có thể nói là nơi đặt nền móng và khởi đầu xu hướng bán lẻ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

Được xây dựng từ năm 2004, sự quy tụ của hàng loạt thương hiệu quốc tế và những thương hiệu nội địa cao cấp đã đưa Vincom Bà Triệu trở thành biểu tượng của chốn mua sắm, ẩm thực, giải trí sang trọng bậc nhất Hà Nội thời bấy giờ.

Đến năm 2013, doanh nghiệp này tạo ra sự bùng nổ từ năm 2013 khi nhận được khoản rót vốn lớn từ Warburg Pincus. Hai Trung tâm thương mại khổng lồ dưới lòng đất, đó là Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Mega Mall Times City, đều được sở hữu bởi Vincom Retail và phát triển trong các đại đô thị của Vinhomes.

 

Ít ai biết rằng, trong giai đoạn đầu “đào tạo” thị trường bán lẻ Việt Nam, Vincom Retail - với vai trò chủ đầu tư và vận hành, quản lý TTTM đã “chơi lớn” khi tổ chức một chuyến Study Tour tại Singapore. Họ đã tài trợ toàn bộ chi phí cho toàn bộ khách thuê lúc bấy giờ đi tham quan các TTTM ở Singapore để học hỏi và áp dụng những kiến thức mới, phong cách thiết kế mới.

Theo quan điểm của Vincom Retail, xây dựng TTTM chất lượng cao không chỉ là câu chuyện của chủ đầu tư mặt bằng. Nó còn phải đến từ khách thuê là các thương hiệu tốt, có sức hấp dẫn người tiêu dùng. Khi khách thuê được tiếp cận và học hỏi cách thiết kế không gian, xây dựng dịch vụ và vận hành gian hàng từ các nước phát triển, người hưởng lợi đầu tiên chính là người tiêu dùng, sau đó là thành công cộng hưởng của TTTM. Ngành bán lẻ Việt Nam được nâng cấp.

2 năm kể từ khi 2 tổ hợp tại Royal City và Times City khai trương, Vincom Retail liên tục có những bước nhảy vọt về quy mô. Trong đó, kỷ lục mở mới thuộc về năm 2018 với 20 TTTM được khai trương - thành tựu chưa từng có trong ngành bán lẻ Việt Nam.

Cùng lúc đó, Vincom Retail đã tiến hành đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) lớn nhất ở Việt Nam với trị giá 713 triệu USD và niêm yết cổ phiếu VRE lên sàn chứng khoán vào năm 2017. Đây là giai đoạn phát triển mạnh nhất khi có sự tăng trưởng mạnh cả về số lượng lẫn diện tích sàn, nhất là vào năm 2018 ghi nhận mở mới kỷ lục 19 trung tâm thương mại.

Đến năm 2022, đã có 83 TTTM mang thương hiệu Vincom được xây dựng tại các địa phương có nền kinh tế phát triển với 4 dòng sản phẩm Vincom Center, Vincom+, Vincom Plaza và Vincom Mega Mall. Tổng diện tích sàn lên tới 1,75 triệu m2, dẫn đầu toàn thị trường.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19 và kinh tế suy yếu, năm 2023 doanh nghiệp vẫn duy trì tổng số TTTM trên. Như vậy, trong giai đoạn 2004-2023, công ty bất động sản bán lẻ này đã phát triển thêm 82 trung tâm thương mại và mở rộng diện tích sàn gấp 42 lần trong gần hai thập kỷ thuộc về Vingroup.

Riêng giai đoạn đỉnh điểm 2014-2022 ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) đều đạt 17% về doanh thu và diện tích sàn.

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, doanh thu thuần của Vincom Retail đạt 9.791 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với năm 2022.

Công ty CP Vincom Retail (mã VRE) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023. Năm 2023, doanh thu thuần của Vincom Retail đạt 9.791 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.409 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 33% và 58,8% so với cùng kỳ và là mức kỷ lục ghi nhận trong một năm của VRE.

Tổng doanh thu thuần hợp nhất quý IV đạt 2.343 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ ghi nhận doanh thu bàn giao bất động sản và doanh thu khác, trong khi hoạt động kinh doanh TTTM duy trì sự ổn định.

Cụ thể, trong quý IV, Vincom Retail đã hoàn tất bàn giao 54 căn nhà phố thương mại tại dự án Quảng Trị và các dự án khác cho khách hàng với doanh thu 267 tỷ đồng, tăng 75,9% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu khác tăng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Vincom Retail ghi nhận 1.067 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý IV, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong gần một thập kỷ gần nhất, kể từ khi công khai tài chính 2014, Vincom Retail ghi nhận quy mô doanh thu cao gấp 5 lần và quy mô lợi nhuận mở rộng thêm 42 lần.

Quy mô tổng tài sản cũng được mở rộng thêm 60% trong cùng giai đoạn lên mức đỉnh điểm 47.654 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ tăng quy mô vốn chủ sở hữu lên con số kỷ lục 37.827 tỷ đồng (hơn 1,5 tỷ USD), tức gấp 3,2 lần trong gần một thập kỷ.

Trong khi đó, quy mô nợ phải trả của doanh nghiệp có sự biến thiên nhưng tỷ trọng thấp trong cơ cấu nguồn vốn, duy trì xung quanh mức 10.000 tỷ đồng trong các năm gần đây.

Mặc dù đã thoái lượng lớn cổ phần, lãnh đạo Vingroup vẫn khẳng định quyền lợi nhà đầu tư, khách hàng sẽ không có thay đổi trong mô hình tổ chức, quản lý, vận hành bởi Vingroup sẽ ký hợp đồng quản lý với Vincom Retail.

Theo đó, tập đoàn tư nhân này sẽ thay mặt Vincom Retail quản lý hoạt động của các trung tâm thương mại, quyền lợi của các khách thuê, chủ gian hàng tại vẫn được đảm bảo như đã cam kết theo các hợp đồng đã ký.

Theo kế hoạch đầu tư, Vincom Retail dự kiến khai trương thêm 6 trung tâm thương mại với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ khoảng 160.000 m2, duy trì vị thế nhà phát triển bất động sản bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam.

Cụ thể, ông lớn bất động sản bán lẻ có kế hoạch đưa vào vận hành 2 trung tâm thương mại Vincom Mega Mall (VMM) tại TP HCM và 4 trung tâm kinh doanh Vincom Plaza (VCP) ở khu vực miền Trung/miền Bắc.

Còn trong giai đoạn 2024-2026, công ty này đặt mục tiêu tổng diện tích mặt sàn đạt khoảng 3-3,7 triệu m2, chủ yếu đến từ đóng góp của Vincom Mega Mall.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục