Vốn đầu tư phát triển Hà Nội tăng 8,5%

20:21' - 01/04/2024
BNEWS Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội trong quý I/2024 ước tính đạt 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
UBND thành phố Hà Nội cho biết: vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quý I/2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023; vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 22,4%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 946,8 triệu USD.

Cụ thể, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố quý I/2024 ước tính đạt 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn Nhà nước 31,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,3% tổng vốn đầu tư và tăng 10%; vốn ngoài Nhà nước 48,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,2% và tăng 8,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,5% và tăng 4,4%.

Chia theo khoản mục đầu tư, vốn đầu tư xây dựng cơ bản quý I/2024 ước tính đạt 52,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2023. Các loại vốn mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản; bổ sung vốn lưu động và vốn đầu tư khác đều tăng so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trong 3 tháng đầu năm đạt 9,8 nghìn tỷ đồng, đạt 12,6% kế hoạch năm, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
 
Trong tháng 3, thành phố Hà Nội có 15 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 33,1 triệu USD.  Bên cạnh đó, có 14 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với 12,5 triệu USD; có 9 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với số vốn đạt 1,8 triệu USD.

Tính chung quý I/2024, thành phố thu hút 946,8 triệu USD vốn FDI; trong đó đăng ký cấp mới 42 dự án với số vốn đạt 902,6 triệu USD; 31 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 21,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 30 lượt, đạt 22,6 triệu USD.

Hoạt động xây dựng trong những tháng đầu năm được thành phố quan tâm. Cùng với việc xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu, đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiều công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. 

Năm 2024 thành phố Hà Nội có 226 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung; trong đó, 155 dự án chuyển tiếp với mức đầu tư 205,5 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn năm 2024 là 24,4 nghìn tỷ đồng); có 71 dự án mới được khởi công xây dựng trong năm với tổng mức đầu tư 7,2 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn trong năm là 1,1 nghìn tỷ đồng).

Lĩnh vực giao thông có 58 dự án, chiếm 19,5% kế hoạch vốn. Đến nay các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố đang khẩn trương thi công, nên hạng mục đang sớm hoàn thành theo kế hoạch đặt ra.   

Tuyến đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 8,6%. 

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1)với mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố đến nay dự án đã giải ngân 27,5% kế hoạch vốn.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ có vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố đến nay dự án đã giải ngân 6,9% kế hoạch vốn. Dự án án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình với tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng và đến nay dự án đã giải ngân 6,6% kế hoạch vốn.

Cùng đó, dự án xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long có tổng chiều dài 33 km, chiều rộng 60,5 m với 10 làn xe, kết nối từ đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ đến thị xã Sơn Tây với tổng mức đầu tư 1.298 tỷ đồng đã được thành phố phê duyệt chọn nhà thầu thực hiện, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Một số dự án, công trình giao thông trọng điểm khác cũng được Thành phố dự kiến khởi công xây dựng trong năm 2024 như: Cầu Thượng Cát đoạn bắc qua sông Hồng với chiều dài 820 m, rộng 33 m, thiết kế 8 làn xe nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh, tổng mức đầu tư 8.300 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2027; Cầu Vân Phúc có chiều dài 7,8 km với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, điểm đầu dự án tại vị trí giao cắt Quốc lộ 32 thuộc xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ và điểm cuối tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội với huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tuyến đường từ Mỹ Đình (Hà Nội) đến Bái Đính (Ninh Bình) dài 92 km với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố. Dự án đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 19 km, điểm đầu tuyến tại vị trí nút giao với Tỉnh lộ 427 thuộc xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, điểm cuối tại vị trí đầu cầu chui đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ... Bên cạnh đó, các công trình xây dựng khác cũng đang được đẩy nhanh như: Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng quý III/2024; Cung Thiếu nhi Hà Nội tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng dự kiến công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 5/2024.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, địa phương đang tiếp tục chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Thành phố cũng sẽ tổ chức gặp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và đầu tư, xây dựng vào tuần đầu tháng 4/2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục