VPBank đẩy mạnh tái cơ cấu, chia cổ tức tiền mặt và mở rộng hệ sinh thái tài chính

19:03' - 28/04/2025
BNEWS Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 chiều 28/4, Ngân hàng GPBank cho biết, sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu, chia cổ tức tiền mặt và mở rộng hệ sinh thái tài chính.

Nhiều thông tin quan trọng về chiến lược tái cơ cấu, kế hoạch tăng trưởng, chính sách cổ tức và định hướng mở rộng hệ sinh thái tài chính đã được Ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra chiều 28/4 tại Hà Nội.

Tin tưởng tái cơ cấu GPBank thành công

Liên quan đến ngân hàng yếu kém đã được chuyển giao bắt buộc, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết, trong đề án tái cơ cấu Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GPBank), ngân hàng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đề án nhân sự cử sang tiếp quản GPBank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, việc xây dựng chiến lược kinh doanh mới cũng sắp hoàn thành. Các chương trình hành động chi tiết về nhân sự, sản phẩm, dịch vụ đang được nghiên cứu và hoàn thiện.

Với kinh nghiệm tái cơ cấu trước đây, ông Dũng tin tưởng GPBank sẽ chuyển mình mạnh mẽ, mục tiêu lãi tối thiểu 500 tỷ đồng trong năm nay thay vì lỗ như các năm trước. Được biết trước khi được chuyển giao, GPBank ghi nhận lỗ hơn 1.000 tỷ đồng/năm.

Về chính sách cổ tức, Hội đồng quản trị VPBank đã trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5%, đúng theo cam kết được duy trì từ các kỳ đại hội trước.

Chủ tịch VPBank chia sẻ ngân hàng đã kiên trì không chia cổ tức trong suốt giai đoạn từ năm 2010-2022 để tập trung nguồn lực phát triển quy mô. Từ năm 2022, ngân hàng thực hiện chia cổ tức tiền mặt với tổng ngân sách 20.000 tỷ đồng trong ba năm liên tiếp và dự kiến tiếp tục duy trì chính sách này trong tương lai.

"Các năm tiếp theo, VPBank vẫn đủ vốn để chia cổ tức tiền mặt, tuy nhiên chia ở mức thế nào còn phụ thuộc vào tình hình vĩ mô, huy động vốn và tăng trưởng của ngân hàng", ông Dũng khẳng định.

Mục tiêu tăng trưởng cao

Theo báo cáo tại đại hội, VPBank đặt mục tiêu năm 2025 với tổng tài sản hợp nhất dự kiến tăng 23%, đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng 34%, dư nợ tín dụng hợp nhất tăng 25%, trong khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất phấn đấu tăng 26%.

Cụ thể, lợi nhuận ngân hàng mẹ dự kiến đạt 22.219 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. FE Credit đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 120% đạt 1.126 tỷ đồng, Chứng khoán VPBank (VPBankS) dự kiến tăng trưởng 64% với hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận và Công ty Bảo hiểm số OPES tăng 34%, đạt 636 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh khẳng định, ngoài mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 26% trong năm 2025, VPBank vẫn duy trì tham vọng tăng trưởng bình quân 30% cho những năm tiếp theo. Ban lãnh đạo cam kết bám sát diễn biến thị trường để linh hoạt điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết.

Mặc dù nền kinh tế còn đối mặt nhiều thách thức, VPBank vẫn đặt mục tiêu giữ vững biên lợi nhuận (NIM) ở mức cao, từ 4,7% đến 4,9%, thuộc nhóm dẫn đầu thị trường. Đồng thời, ngân hàng hướng đến việc nâng tổng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng vượt trội so với năm trước. Với nhận định thị trường bất động sản sẽ dần ổn định trong nửa cuối năm và khối doanh nghiệp tư nhân còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, VPBank dự kiến tăng nhẹ chi phí dự phòng rủi ro lên 17.000 tỷ đồng trong năm 2025.

Trong quý I/2025, VPBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng 5,3%; nếu tính cả phần hỗ trợ GPBank, mức tăng trưởng lên tới 8,4%. Lợi nhuận quý I đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Dự kiến trong quý II, lợi nhuận hợp nhất sẽ đạt từ 6.000-7.000 tỷ đồng, hoàn thành gần 50% kế hoạch cả năm chỉ sau 6 tháng.

Về nợ xấu, ông Vinh thừa nhận năm 2025 sẽ chứng kiến sự bộc lộ rõ hơn do các khoản nợ cấu trúc, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, VPBank tin rằng tình hình sẽ ổn định hơn từ nửa cuối năm. Ngân hàng vẫn ưu tiên hỗ trợ các dự án bất động sản nhà ở có nhu cầu thực, đồng thời kiểm soát chặt rủi ro với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, VPBank sẽ tập trung chọn lọc khách hàng uy tín nhằm thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh.

Đánh giá tác động từ chính sách thuế của Mỹ đến hoạt động ngân hàng, ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng chính sách thuế mới của Mỹ sẽ có ảnh hưởng nhất định tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khu vực xuất khẩu và nông nghiệp. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng tác động trực tiếp đến VPBank là không lớn, khi tỷ trọng doanh thu từ khách hàng xuất khẩu Mỹ chỉ chiếm khoảng 3% trong cơ cấu ngân hàng. Còn với các doanh nghiệp FDI, VPBank hiện phục vụ khoảng 500 công ty nước ngoài nhưng dư nợ và các hoạt động kinh tế mới trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp này chưa bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới.

Song, lãnh đạo VPBank cũng lưu ý lĩnh vực bất động sản công nghiệp cần có sự thận trọng trong đánh giá bởi khi chính sách thuế mới được áp dụng, lĩnh vực này sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai. VPBank đang chủ động theo dõi, phối hợp với các cơ quan quản lý để có giải pháp phù hợp.

Chưa dừng ở đó, mối lo ngại lớn nhất hiện tại mà VPBank nhận diện là tác động gián tiếp đến sức mua và thu nhập của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu và trả nợ của khách hàng. VPBank cho biết sẽ theo dõi sát tình hình và sẽ có cập nhật vào giữa năm để có những điều chỉnh kịp thời.

Mở rộng hệ sinh thái tài chính và số hóa

Về chiến lược dài hạn, ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank chia sẻ, ngân hàng đang tích cực chuẩn bị cho việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ và công ty quản lý quỹ riêng. Việc sở hữu các công ty thành viên trong hệ sinh thái tài chính sẽ giúp VPBank chủ động hơn trong thiết kế sản phẩm, chăm sóc và khai thác khách hàng, thay vì chỉ hợp tác với các đối tác bên ngoài.

Trước đó, Hội đồng quản trị VPBank đã trình cổ đông phương án thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, với vốn điều lệ dự kiến 2.000 tỷ đồng. Mức vốn cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định theo thỏa thuận. Công ty mới sẽ triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cơ bản, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết chung và các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định và được Bộ Tài chính chấp thuận.

VPBank và các bên liên quan sẽ tham gia góp vốn tối đa trong phạm vi pháp luật cho phép (tối đa 100%). Tỷ lệ cụ thể sẽ được xác định tùy theo thỏa thuận với đối tác, đảm bảo công ty bảo hiểm mới trở thành công ty con của ngân hàng.

Ngoài ra, VPBank cũng trình cổ đông thông qua phương án góp vốn, nhận chuyển nhượng cổ phần để sở hữu một công ty quản lý quỹ. Vốn điều lệ của công ty quản lý quỹ sẽ được xác định phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tế của doanh nghiệp mục tiêu. Giá trị giao dịch sẽ dựa trên thỏa thuận với các bên liên quan, hiện trạng doanh nghiệp và điều kiện thị trường.

Chia sẻ thêm về ngân hàng số Cake by VPBank - sản phẩm hợp tác với BeGroup, lãnh đạo VPBank cho biết Cake by VPBank cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ, với khoảng 5 triệu khách hàng, huy động gần 11.000 tỷ đồng và giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng/tháng. Cake by VPBank đang là công ty dẫn đầu trong việc ứng dụng AI vào chăm sóc khách hàng, chủ động cung cấp sản phẩm cho các tệp khách hàng nhỏ lẻ.

Cổ phiếu VPB kết thúc phiên giao dịch ngày 28/4 ở mức 16.550 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục