Vụ án Công ty Alibaba: Công an, Viện Kiểm sát tiếp tục ghi nhận lời khai của các bị hại mới

17:10' - 06/10/2022
BNEWS Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu hồ sơ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền” xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba.

Ngày 6/10, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu hồ sơ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền” xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba), sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần thứ 5 vào ngày 3/10 và chuyển Viện Kiểm sát.

Trước đó, ngày 25/8, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trả hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, vụ án đã được lên lịch xét xử sơ thẩm từ ngày 12/8 đến ngày 12/10. Ngày 9/8, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, yêu cầu điều tra bổ sung 12 nội dung. Trong đó đáng chú ý là, Tòa án đề nghị bổ sung danh sách những bị hại tới Tòa án trình báo và số tiền chiếm đoạt của từng bị hại. Đồng thời, Tòa đề nghị xác minh và có biện pháp thu hồi đối với nguồn tiền các bị can đã chi tiền phí môi giới cho một số đối tượng để thực hiện việc mua lại bất động sản.

 

Sau khi tiếp nhận yêu cầu điều tra bổ sung, đến nay sau 1 tháng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, tiếp tục đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty Alibaba) và 21 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015; trong đó hai bị can Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện, giữ 49,5% cổ phần công ty) và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) bị truy tố thêm tội “Rửa tiền” theo Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015. Riêng bị can Huỳnh Thị Kim Thắng bị truy tố về tội “Rửa tiền”. Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng của 4.361 khách hàng.

 

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm người đại diện theo pháp luật của các công ty, sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.

 

Để có tiền mua đất, Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng.

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện sử dụng các thủ đoạn như cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Thực tế, toàn bộ các dự án đều do Công ty Alibaba tự “vẽ” trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp, chưa được phép phân lô tách thửa, không phải đất thổ cư như Công ty Alibaba quảng cáo và thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc đưa ra quyền chọn hoặc các phụ lục hợp đồng kèm theo chỉ nhằm mục đích thu hút nhiều nhà đầu tư vào các dự án.

Quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra đã hỏi cung Nguyễn Thái Luyện, Võ Thị Thanh Mai và Bùi Minh Đức. Các bị can đều khai nhận Công ty Alibaba không có chủ trương chi trả tiền hoa hồng cho bên môi giới đối với các thửa đất nhận chuyển nhượng từ chủ đất. Việc chi tiền, hạch toán trên sổ sách kế toán hoàn toàn không ghi nhận nội dung này. Cơ quan điều tra cũng không thu giữ được chứng cứ, tài liệu nào khác thể hiện việc chi tiền hoa hồng cho bên môi giới. Từ đó, Cơ quan điều tra xác định không có chứng cứ về việc Công ty Alibaba chi tiền hoa hồng cho bên môi giới từ nguồn tiền chiếm đoạt của khách hàng để có căn cứ thu hồi.

Về vấn đề xác định bị hại, Cơ quan điều tra tiếp tục phối hợp với Viện Kiểm sát tổ chức ghi lời khai trong thời gian truy tố đối với 362 trường hợp bị hại không đến làm việc và 229 trường hợp bị hại gửi đơn từ ngày 20/1/2022 đến nay. Ngoài ra, Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đôn đốc, bổ sung kết quả xác minh tại địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận để phục vụ công tác truy tố, xét xử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục