Vụ MobiFone mua AVG: VKS trình chiếu chứng cứ bị cáo Nguyễn Bắc Son thúc giục mua AVG

19:04' - 18/12/2019
BNEWS Trước sự phủ nhận của bị cáo Nguyễn Bắc Son, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình chiếu 2 văn bản có bút phê của bị cáo Nguyễn Bắc Son.
 Bị cáo Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Chiều 18/12, tại phần xét hỏi trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) thừa nhận bị cáo đã "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" như cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Bắc Son nhiều lần khẳng định toàn bộ quá trình khai báo tại cơ quan điều tra cũng như quá trình đối chất tại trại giam, bị cáo Son được đảm bảo quyền lợi, có thực hiện ghi âm, ghi hình theo quy định pháp luật. Thừa nhận vai trò chỉ đạo xuyên suốt của mình trong vụ án, tuy nhiên bị cáo Nguyễn Bắc Son phủ nhận mình đã thúc đẩy để dự án phải hoàn thành ngay trong năm 2015.
Trước sự phủ nhận của bị cáo Son, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình chiếu 2 văn bản có bút phê của bị cáo Nguyễn Bắc Son: Một là bút phê “...bảo đảm triển khai trong năm tài chính 2015 như đề nghị của Tổng Công ty trong đề án” tại Công văn 2678 ngày 14/12/2015 của Văn phòng Chính phủ; hai là bút phê “chuyển Vụ Quản lý doanh nghiệp để sớm đề xuất” tại Công văn 106 ngày 23/12/2015 của MobiFone. Thực tế, chỉ hai ngày sau (25/12/2015), bị cáo Nguyễn Bắc Son đã quyết liệt chỉ đạo MobiFone tiến hành ký Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG.
 Đại diện Viện kiểm sát đưa ra bằng chứng công văn đóng dấu "Mật" của Tổng Công ty Viễn thông MobiFone chuyển đến lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Nguyễn Bắc Son cho rằng, Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone là một dự án lớn. Để dẫn đến sai phạm có rất nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan. Trong đó, yếu tố chủ quan là dự án được triển khai trong lúc MobiFone đang trong giai đoạn cải tổ, vừa chuyển từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về Bộ Thông tin và Truyền thông. MobiFone đang trong quá trình ổn định bộ máy, không thể tránh khỏi những sai sót nhất định trong quá trình triển khai dự án này. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo trong lĩnh vực doanh nghiệp, các lãnh đạo Bộ không có kiến thức kinh doanh. Thêm vào đó là sự tin tưởng vào sự hướng dẫn của các bộ, ngành, cơ quan tham mưu.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son khai: Năm 2015, bản thân bị cáo bận rất nhiều việc do đảm nhận nhiều nhiệm vụ, vị trí khác nhau, không có thời gian đầu tư vào dự án này. Do đó, trong các văn bản liên quan đến dự án mang tính chất chuyên môn, bị cáo Nguyễn Bắc Son đều bút phê chuyển các bộ phận xử lý chứ không có định hướng cụ thể trực tiếp.
Về lý do khách quan, bị cáo Nguyễn Bắc Son cho rằng, đây là một dự án có nhiều bộ tham gia và các bộ đều có ý kiến đồng thuận để MobiFone thực hiện dự án này. Điều đó đã tạo niềm tin cho lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, cho các cơ quan tham mưu trong quá trình triển khai dự án. Mặt khác, dự án được triển khai trong lúc Luật số 67/2014/QH13, Luật số 69/2014/QH13 vừa ra đời, chưa có hướng dẫn thực hiện, nên các bộ còn lúng túng khi triển khai, trong đó có cả Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về tội danh “Nhận hối lộ”, bị cáo Nguyễn Bắc Son thêm lần nữa thừa nhận đã cầm 3 triệu USD của Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) và khai không đưa cho con gái số tiền này mà sử dụng để chi tiêu cá nhân. Bị cáo Son cũng từ chối sự bảo vệ của các luật sư bào chữa cho mình đối với tội danh này và bày tỏ mong muốn được gặp gia đình, luật sư để khắc phục hậu quả hành vi “nhận hối lộ”.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son khẳng định không ai chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này và mong Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát xem xét hoàn cảnh yếu tố xảy ra vụ án để các bị cáo trong vụ án được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
 Luật sư đặt câu hỏi đến bị cáo Cao Duy Hải (sinh năm 1961, cựu Tổng Giám đốc MobiFone) tại phiên xét xử. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Tương tự bị cáo Nguyễn Bắc Son, bị cáo Phạm Thị Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính, kế toán MobiFone) đã bày tỏ: Bản thân bị cáo cũng như các bị cáo khác trong vụ án này đều cố gắng khai báo thành khẩn, trung thực, cố gắng khắc phục hậu quả đã xảy ra… để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, mong muốn nhận được những tấm lòng bao dung của Hội đồng xét xử, của Viện Kiểm sát, để các bị cáo sớm có cơ hội sửa chữa, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Bị cáo Phương Anh từ chối trả lời nhiều câu hỏi của luật sư khi nói về vai trò phạm tội của những bị cáo khác. Bị cáo Phương Anh cho rằng, các bị cáo từng là những đồng nghiệp của nhau, là quan hệ cấp trên cấp dưới trong nhiều năm, ai cũng đau xót khi phải ra tòa như thế này.
Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, sáng 20/12, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát sẽ trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo./.
>>> Vụ MobiFone mua AVG : Xét hỏi làm rõ vai trò chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Bắc Son

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục