Vụ vỡ đập tại Brazil: Bùn thải​ gây ô nhiễm nguồn nước sạch

13:15' - 29/01/2019
BNEWS Bùn thải sau vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt ở Brazil đã tràn đến một cộng đồng dân cư bản địa trong vùng, gây ô nhiễm nguồn nước sạch tại đây.
Bùn đất từ hồ chứa tràn xuống, nhấn chìm khu vực dân cư ở Brumadinho, bang Minas Gerais, Brazil sau vụ vỡ đập, ngày 25/1/2019

Lượng bùn thải sau vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao, thuộc sở hữu của tập đoàn khai thác khoáng sản Vale ở bang Minas Gerais, Đông Nam Brazil, hôm 25/1 đến nay đã tràn đến một cộng đồng dân cư bản địa trong vùng, gây ô nhiễm nguồn nước sạch tại đây.

Một thủ lĩnh cộng đồng bản địa Nao Xoha, ông Hayo Pataxo Ha-ha-hae ngày 28/1 thông báo: "Sông Paraopeba đã bị nhiễm bẩn và đã xuất hiện cá chết". Ông cho biết đã gặp một đại diện của cơ quan bảo vệ người bản địa (Funai), trực thuộc Chính phủ Brazil, để thảo luận vấn đề ô nhiễm này.

Cộng đồng Nao Xoha gồm hàng chục hộ gia đình, sống trong một làng chài bên bờ sông Paraopeba. Cơ quan Funai ngày 28/1 đã cung cấp viện trợ cho người dân bản địa. Ông Hayo cho biết tình hình hiện "rất nghiêm trọng" vì người dân nơi đây sống phụ thuộc vào dòng sông mà sông thì "đang chết dần".

Cùng ngày, người phát ngôn của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), nhà địa chất học Marcelo Laterman  cho biết tình trạng ô nhiễm hiện "đáng lo ngại", cây cối gần sông "đã chết hoàn toàn". Theo ông, Greenpeace đang theo dõi tốc độ lan của bùn độc hại, như thể lượng bùn có thể tràn dài 220km để đến một con đập khác, nơi chất thải có thể bị chặn lại.

Theo thông tin mới nhất, vụ vỡ đập trên đã làm 65 người thiệt mạng và hiện còn 279 người mất tích, hơn một nửa là nhân viên của tập đoàn Vale.

Ngày 28/1, hơn 18 tỷ USD của tập đoàn Vale trên thị trường vốn hóa đã "bốc hơi" sau khi các nhà đầu tư biết tin vụ việc. Cổ phiếu của tập đoàn sắt và nickel lớn nhất thế giới này đã mất 24,5% giá trị trong ngày 28/1 trên thị trường Sao Paulo, sau khi mất 8% trên thị trường New York ngày 25/1. Cách đây 3 năm, tập đoàn này cũng đã để xảy ra sự cố vỡ đập tương tự trong vùng.

Trước đó, chính quyền Brazil đã ra lệnh phong tỏa hơn 3 tỷ USD tài sản của tập đoàn Vale để dùng vào việc đền bù cho những người bị ảnh hưởng và phạt tập đoàn này. Chính phủ Brazil cũng đang cân nhắc khả năng giành quyền quản lý toàn bộ tập đoàn Vale.

Phát biểu với báo giới ngày 28/1, Quyền Tổng thống Brazil Hamilton Mourao cho biết một lực lượng phản ứng nhanh của chính phủ sẽ xem xét liệu có thay đổi ban lãnh đạo cấp cao của Vale hay không. Hiện chính phủ đang nắm "cổ phần vàng" trong tập đoàn này.

Trong khi đó, Vale cũng phải đối mặt với các hành động pháp lý khi một công ty luật của Mỹ đại diện cho các cổ đông đứng ra khiếu kiện tập đoàn này ở New York, nhằm đòi đền bù về các thiệt hại trong đầu tư. Trong khi đó, Trưởng công tố Brazil, bà Raquel Dodge cho biết tập đoàn Vale có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Một quan chức điều hành cấp cao của Vale đã lên tiếng chia buồn về thảm họa vỡ đập trên, song không thừa nhận trách nhiệm, vì cho rằng việc xây dựng con đập này đã đạt tiêu chuẩn công nghiệp cao nhất. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, CEO của Vale, ông Fabio Schvartsman cho biết: "Tôi không phải là một chuyên gia kỹ thuật về khai mỏ, tôi làm theo lời khuyên của các chuyên gia. Chúng tôi tuân thủ 100% mọi tiêu chuẩn"./.

>>Tập đoàn khai thác khoáng sản Vale bị phong tỏa tài sản sau vụ vỡ đập

>>Vụ vỡ đập tại Brazil: Chạy đua với thời gian tìm kiếm nạn nhân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục