"Vương quốc mía" miền Tây đối diện với vụ mía "đắng"

15:07' - 01/09/2021
BNEWS Trong niên vụ mía 2020 – 2021, khoảng 5.000 hộ dân của tỉnh Hậu Giang đang phải lo lắng cho vụ mía mới cận kề khi mía chín tới vụ và nước lũ thì đang về mà nhà máy đường lại lên kế hoạch đóng cửa.

Công ty không quan tâm đầu tư

Ông Trương Văn Hiền ở ấp Quyết Thắng (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết, đã từ lâu, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) không còn đầu tư cho người trồng mía. Câu lạc bộ trồng mía 200 tấn/ha cũng không còn sinh hoạt.

Hiện nay chỉ còn tấm bảng chưa gỡ xuống chứ thành viên câu lạc bộ, người thì bỏ mía sang trồng cây khác, người thì đi làm ăn xa. Bản thân ông Hiền cũng đã chuyển sang trồng mía nước, không còn trồng mía nguyên liệu cho nhà máy đường.
Theo ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, trước đây cứ tháng 5 hàng năm, CASUCO sẽ liên hệ chính quyền địa phương để trao đổi về kế hoạch sản xuất, cũng như những chính sách về giá bao tiêu sản phẩm.

Đồng thời, trước khi vào vụ ép, công ty tổ chức ký kết hợp đồng bao tiêu mía với người dân với sự chứng kiến của chính quyền. Tuy nhiên, trong hai vụ mía gần đây, CASUCO không liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương để phối hợp tiêu thụ mía trong dân.

Do đó, qua nắm bắt thông tin từ các ấp và khu vực, huyện mới biết CASUCO đã liên hệ trực tiếp với nông dân để bao tiêu khoảng 300ha mía nguyên liệu trong niên vụ 2020- 2021 này.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên cho biết, tỉnh không thể áp dụng biện pháp hành chính đối với CASUCO, vì hiện nay công ty không còn phần vốn nhà nước, nên chính quyền chỉ có thể đề nghị công ty thực hiện các giải pháp tiêu thụ mía cho người dân được phần nào hay phần đó.
Mới đây, ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CASUCO có tờ trình về việc thông qua phương án tạm dừng sản xuất vụ 2021 - 2022 tại Nhà máy đường Phụng Hiệp (thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, nhà máy đường duy nhất có thể trở lại hoạt động trên địa bàn tỉnh) và sắp xếp chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động tại công ty do thu hẹp sản xuất.
Theo dự kiến, hôm nay, ngày 1/9, Hội đồng quản trị CASUCO sẽ họp xem xét việc tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, bất kể tình hình dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay, nhằm xem xét quyết định tạm dừng sản xuất vụ 2021 - 2022 tại Nhà máy đường Phụng Hiệp.
Như vậy, việc CASUCO lên kế hoạch tạm dừng sản xuất vụ 2021 - 2022 tại nhà máy đường duy nhất trên địa bàn tỉnh đang đặt ra nhiều vấn đề cho cây mía Hậu Giang; trong đó, nếu cây mía tiếp tục không được doanh nghiệp nhìn nhận trong dài hạn, không quan tâm, đầu tư thích đáng cho người trồng mía như thời gian dài vừa qua, thì không lâu nữa ngành sản xuất mía đường Hậu Giang chắc chắn sẽ bị "xóa sổ".
Thực tế ở thành phố Vị Thanh (Hậu Giang), cách đây hai năm, CASUCO cũng đã đóng cửa Nhà máy đường Vị Thanh nên vùng mía nguyên liệu tại đây cũng teo tóp dần, đến này thì hầu như không còn.

Chưa bỏ được

Thực trạng của người trồng mía Hậu Giang cũng giống như đa phần nông dân trồng lúa. Cho dù có bị lỗ, nhưng không trồng theo thói quen thì chưa biết trồng cây gì, nên nhiều người dân tại huyện Phụng Hiệp vẫn tiếp tục trồng mía để phục vụ cho nhà máy đường hoạt động, cho dù họ gặp không ít khó khăn trong sản xuất như không được hỗ trợ giống, phân bón như trước đây và tiêu thụ mía nguyên liệu phải bán mía với giá thấp nên không có lợi nhuận, thậm chí chỉ hòa vốn và thua lỗ.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, cơ quan này đã đề nghị CASUCO vận hành Nhà máy đường Phụng Hiệp sản xuất để tiêu thụ mía niên vụ 2020 – 2021 của nông dân trên địa bàn. Về lâu dài ngành nông nghiệp tiếp tục khuyến khích người trồng mía chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Hậu Giang, niên vụ mía 2020 – 2021, nông dân trên địa bàn xuống giống được 5.040 ha, đạt 100,8 % so với kế hoạch (5.000 ha), giảm 14,7% (tương đương 869 ha) so với cùng kỳ (5.909 ha). Diện tích trồng tập trung ở huyện Phụng Hiệp, thành phố Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh.
Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh chỉ mới thu hoạch được 590 ha bán mía nước, ước năng suất trung bình 100 tấn/ha, giá bán 1.200-1.600 đồng/kg. Như vậy, nếu trừ đi diện tích bán mía nước với diện tích mía mà CASUCO đã bao tiêu khoảng 300ha, toàn tỉnh Hậu Giang đang còn hơn 4.000 ha mía chưa có đầu ra.

Trước đó, tại Hội nghị phát triển nông nghiệp năm 2022 và những năm tiếp theo, do UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức ngày 31/8, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên cho biết, đến nay tỉnh chưa công bố chính thức việc bỏ quy hoạch vùng trồng mía nguyên liêu tại huyện Phụng Hiệp vì còn doanh nghiệp mía đường hoạt động.

Tuy nhiên, dù chính quyền có bỏ hay không, thì người dân họ cũng sẽ bỏ cây mía khi không còn niềm tin và thấy được hiệu quả hơn khi chuyển đổi cây trồng khác.

Ông Cảnh Tuyên nhấn mạnh: “Do dịch bệnh giãn cách xã hội nên nông dân không bán mía nước được. Do đó diện tích mía vụ này của Hậu Giang còn khá lớn, vì với cây mía nếu không ép làm đường và bán mía nước thì không biết làm gì cho hết.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương khi được công nhận “vùng xanh”, một số hoạt động được phép trở lại trong trạng thái bình thường mới, thì phải tăng cường tiêu thụ mía trong làm mía nước, trong sản xuất lò đường thủ công để chủ động tiêu thụ cho vùng mía nguyên liệu tại huyện Phụng Hiệp”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục