“Vương quốc” tôm hùm Nam Trung bộ - Bài 2: Rủi ro… “thập diện mai phục”
Với tầm quan trọng một nghề mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội tích cực, góp phần chuyển biến lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, tôm hùm đã được xác định là một trong những đối tượng nuôi trong “Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định số 1167/QĐ-BNN-TCTS, ngày 28/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, trong hai năm (2014 – 2015), Tổng cục Thủy sản đã hoàn thiện xây dựng quy hoạch nuôi tôm hùm nhằm khai thác tối ưu các nguồn lực, các lợi thế, tiềm năng tự nhiên của các tỉnh ven biển miền Trung, qua đó hướng đến việc tạo dựng sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm hùm. Tiếp đó, tháng 4/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định phê duyệt "Quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu chung là phát triển nuôi tôm hùm vùng ven biển miền Trung thành ngành kinh tế trọng điểm của các tỉnh miền Trung theo hướng từng bước hiện đại hóa bằng công nghệ nuôi mới và thân thiện với môi trường.Qua đó phấn đấu đến năm 2020, thể tích nuôi tôm hùm đạt 1 triệu m3 lồng, sản lượng tôm nuôi đạt 1.940 tấn/năm, có giá trị hàng hóa 3.200 tỷ đồng; đến năm 2030, ngoài hơn 1 triệu m3 lồng, còn có 160 ha nuôi trên bờ theo công nghệ tuần hoàn, sản lượng 2.200 tấn, trị giá hàng hóa 4.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có đi vào thực tiễn mới thấy nghề nuôi tôm hùm còn khá truân chuyên, nhiều rủi ro rình rập, trình độ kỹ thuật của người nuôi vẫn còn hạn chế... mang cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Có đi qua những làng nuôi tôm hùm ở Phú Yên, Khánh Hòa mỗi khi gặp sự cố, mới thấy rõ “mặt trái” trong bức tranh toàn cảnh. Trước hết, đó là vấn đề môi trường và dịch bệnh. Việc phát triển nhanh chóng số lượng lồng nuôi tại Phú Yên và Khánh Hòa ở những thời điểm “tăng tốc”, đã dẫn đến sự xuất hiện ô nhiễm cục bộ, bùng phát dịch bệnh trên tôm hùm nuôi, gây thiệt hại lớn. Ví như năm 2015, có hơn 3.400 lồng nuôi tại Khánh Hòa, Quảng Ngãi bị thiệt hại; năm 2016 có trên 7.100 lồng tại các tỉnh Nam Trung bộ bị thiệt hại... Riêng tại tỉnh Phú Yên trong 6 tháng đầu năm 2017 có đến 15.700 lồng bị thiệt hại do bệnh tôm, hầu hết xảy ra tại các vùng nuôi của thị xã Sông Cầu. Trước đó, giới chuyên gia đã từng cảnh báo về quy hoạch và quan trắc môi trường ở đây, khi các vùng nuôi tôm ở thị xã Sông Cầu thường bố trí gần khu neo đậu tàu thuyền, gần các khu dân cư, do đó tiếp nhận nhiều nguồn ô nhiễm; mật độ lồng nuôi đặt quá dày, mật độ tôm thả nuôi quá lớn… Đơn cử như tại phường Xuân Yên theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích vùng nuôi là 124 ha, tương đương số lồng nuôi 6.500 lồng. Tuy nhiên, qua thống kê sau sự cố tôm chết hàng loạt vào cuối tháng 5 đầu tháng 6/2017, số lồng nuôi của phường này tăng lên hơn 15.500 lồng. Con số này gần bằng quy hoạch phát triển nuôi tôm của cả thị xã Sông Cầu (16.000 lồng). Việc tăng số lồng nuôi được những người nuôi tôm lý giải là vì lợi nhuận thu về từ tôm hùm khá cao, nên họ đã tự ý mở rộng. Càng mở rộng càng tích lũy nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Ông Huỳnh Thanh An, người nuôi tôm ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, phân trần: “Ở đây hầu hết các hộ nuôi đều tăng thêm lồng. Phần vì tôm có lãi, phần vì tôm nuôi hao quá (tỷ lệ hao hụt do tôm chết trong quá trình nuôi) nên phải tăng số lượng. Trước đây mỗi lồng nuôi chỉ khoảng 120 đến 150 con, nhưng hiện nay phải tăng lượng giống lên 200 con, thậm chí 250 con. Bắt buộc phải tăng số lượng lên, vì do ô nhiễm môi trường, tôm chết dần xuống còn khoảng 100 con là vừa”. Vấn đề này còn liên đới đến một hạn chế trong quá trình nuôi tôm, khi Việt Nam chưa thể nghiên cứu, sản xuất dạng thức ăn công nghiệp, trong khi thức ăn dành cho tôm đều sử dụng mồi là thịt tươi sống, như; cá, hàu, ốc bươu vàng…. Hiện đa số người nuôi chưa chú trọng trong vấn đề xử lý vệ sinh trong khâu cho tôm ăn, khiến khả năng phát sinh bệnh và lây nhiễm rất lớn. Một kết quả phân tích của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho thấy, tại vùng nuôi tôm hùm ở vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), nơi có khoảng 13.100 lồng nuôi vào năm 2017, đã có chiều hướng suy giảm về năng suất và doanh thu. Cụ thể, năng suất từ 40,8 kg/lồng (năm 2010) giảm xuống còn 22,9 kg/lồng (2017), doanh thu từ 390 triệu đồng/hộ, giảm xuống còn gần 291 triệu đồng/hộ. Nghiên cứu cho thấy các yếu tố tác động đến sự suy giảm có thể do những hạn chế từ con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc.Tại một hội nghị chuyên đề về nuôi tôm hùm ở Nam Trung bộ, khi nói với đại biểu các tỉnh về dự, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng: "Chúng ta cần phải tuân thủ đúng quy hoạch của vùng nuôi, số lượng lồng nuôi và số tôm trong lồng nuôi. Nếu số lượng lồng nuôi lớn, mật độ nuôi dày thì dẫn đến chất lượng môi trường nước bị suy thoái. Tôm thả xuống sẽ không thể phát triển mà kéo theo đó là rủi ro về dịch bệnh. Các hộ nuôi cứ tiếp tục kiểu thả nuôi như thế này thì thiệt hại sẽ nối tiếp thiệt hại".
Bên cạnh các vấn đề ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, hiện nay do biến đổi khí hậu, hiện tượng thiên tai bất khả kháng cũng là trở ngại lớn cho nghề nuôi tôm hùm. Cơn bão số 12 hồi cuối năm ngoái với sức gió cấp 12, giật cấp 15 đã tàn phá hầu hết các bè nuôi tôm hùm ở nhiều nơi, như vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) và vịnh Xuân Đài (Phú Yên), làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Riêng ở vịnh Vân Phong, hơn 10.000 lồng bị bão đánh tơi tả, thất thoát toàn bộ số tôm đang nuôi. Cơn bão này cũng đã “xóa sạch” toàn bộ số lồng nuôi ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây cũng là một trong những lý do khiến đến vụ nuôi năm 2018 này, không còn người Lý Sơn nào muốn trụ lại nghề nuôi tôm hùm, mà chuyển sang nuôi trồng các loại thủy sản khác, như: cá bớp, cá chim… Sự càn quét của cơn bão trên một địa bàn rộng lớn, khiến một số vùng nuôi tôm ở Nhơn Châu, Ghềnh Ráng… của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng trở thành nạn nhân với thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ tôm hùm cũng là thách thức lớn cho phát triển bền vững của nghề. Tôm hùm ở Việt Nam hầu hết được xuất khẩu tươi sống nguyên con, thị trường chủ yếu là Trung Quốc, Singapore, còn lại là tiêu thụ nội địa. Sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt trên 1.200 tấn (gồm cả tôm hùm khai thác ngoài tự nhiên), đạt kim ngạch xuất khẩu trên dưới 40 triệu USD.Hiện nay, dường như chưa có doanh nghiệp nào liên kết với người nuôi để tạo nên chuỗi đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm khép kín. Việc tiêu thụ chủ yếu dựa vào thương lái nên giá cả bấp bênh. Tuy chưa đến mức phải “giải cứu” như các loại nông sản hay sản phẩm chăn nuôi khác, nhưng đầu ra của tôm hùm cũng thường rơi vào tình cảnh “được mùa, rớt giá”.
Ông Nguyễn Văn Oanh, một người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu chia sẻ, tôm hùm ở Sông Cầu chủ yếu bán cho thương lái quen, có mối liên hệ làm ăn nhiều năm. Nhưng khi đưa ra để “ngã giá” họ cũng lắm chiêu để chèn ép chủ tôm. Có lúc “đỉnh” nhất giá lên 1,8 triệu đồng/kg, sau đó giảm dần còn 1,6 triệu đồng/kg rồi 1 triệu đồng/kg. Từ sau Tết Nguyên đán 2018 đến nay giá tôm hùm bông chỉ còn 700.000 đồng đến 800.000 đồng/kg. Giá thấp, trong khi chi phí nuôi lại cao, nên lợi nhuận rất ít. Nếu tôm chết thì có khi thua lỗ. Trong giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ có thể đề cập đến những nguyên nhân chính khiến nghề nuôi tôm hùm chưa thật sự là “lên ngôi”, vẫn còn trong vòng chìm nổi. Ví như những vấn đề về con giống khai thác trong tự nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy bị khai thác quá mức có thể dẫn đến kiệt quệ. Hoặc tôm giống nhập khẩu từ các nước nhiều lúc không được kiểm dịch nên ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh ở tôm… Nêu lên chừng đó, đã đủ thấy người nuôi tôm hùm ở Nam Trung bộ thường xuyên bị bủa vây trong cuộc mưu sinh và để trụ vững với nghề./. Bài cuối: Để nghề nuôi phát triển bền vữngTin liên quan
-
Kinh tế & Xã hội
“Vương quốc” tôm hùm Nam Trung bộ - Bài 1: Dựa vào “thiên thời, địa lợi”
08:43' - 23/05/2018
Nam Trung bộ trở thành “vương quốc” những loài tôm hùm nuôi; trong đó hai địa phương Phú Yên và Khánh Hòa giữ vai trò “kinh đô”.
-
Kinh tế & Xã hội
Phú Yên khó kiểm soát tôm hùm giống
11:30' - 24/04/2018
Phú Yên là một trong những địa phương phát triển mạnh nghề nuôi tôm hùm với sản lượng tôm hùm thương phẩm hàng năm chỉ đứng sau tỉnh Khánh Hòa.
-
Kinh tế Thế giới
Tôm hùm Mỹ nằm ngoài danh sách áp thuế của Trung Quốc
20:15' - 24/03/2018
“Cơn khát” tôm hùm Mỹ của Trung Quốc đang giúp "giữ" giá ở mức cao đối với người tiêu dùng Mỹ, song không có dấu hiệu của việc Trung Quốc sẽ áp thuế lên mặt hàng này của Mỹ.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế & Xã hội
XSTTH 24/11. Kết quả xổ số Thừa Thiên Huế hôm nay ngày 24/11/2024. SXTTH ngày 24/11. SXTTH hôm nay
18:00'
Xổ số hôm nay - KQXSTTH ngày 24/11 được quay thưởng bắt đầu từ giải tám cho đến giải nhất, cuối cùng là công bố kết quả giải đặc biệt.
-
Kinh tế & Xã hội
XSKH 24/11. Kết quả xổ số Khánh Hòa hôm nay ngày 24/11/2024. SXKH ngày 24/11. SXKH hôm nay
18:00'
XSKH 24/11. Kết quả xổ số hôm nay ngày 24/11. XSKH Thứ Tư. Trực tiếp KQXSKH ngày 24/11. Kết quả xổ số Khánh Hòa hôm nay ngày 24/11/2024. Kết quả xổ số Khánh Hòa Chủ nhật ngày 24/11/2024.
-
Kinh tế & Xã hội
Lũ trên sông Trà Câu (Quảng Ngãi) vượt mức báo động 3, cảnh báo ngập lụt nhiều vùng trong đêm
17:08'
Mực nước sông Trà Câu tại trạm Trà Câu (thị xã Đức Phổ) lúc 15 giờ ngày 24/11 hiện đã lên cao 5.58m, trên mức báo động 3 là 0.08m.
-
Kinh tế & Xã hội
Lịch thi đấu bóng đá hôm nay ngày 23/11/2024
16:27'
Bnews. Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 23/11, sáng mai 24/11, các trận đấu trong nước, quốc tế đêm nay và sáng mai được cập nhật mới nhất, chính xác nhất. Lịch thi đấu ngoại hạng Anh,La Liga, Bundesliga.
-
Kinh tế & Xã hội
XSHCM 23/11. Kết quả xổ số Hồ Chí Minh hôm nay ngày 23/11/2024. XSHCM ngày 23/11. XS Sài Gòn
16:27'
Bnews. XSHCM 23/11. Kết quả xổ số hôm nay ngày 23/11. XSHCM Thứ Bảy. Trực tiếp KQXSHCM.Kết quả xổ số Hồ Chí Minh hôm nay ngày 23/11/2024.Kết quả xổ số Hồ Chí Minh Thứ Bảy ngày 23/11/2024. XS Sài Gòn.
-
Kinh tế & Xã hội
Hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách có nơi ở an toàn, kiên cố
16:26'
Người dân miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lũ, khiến nhu cầu về một chỗ ở an toàn trở nên cấp thiết.
-
Kinh tế & Xã hội
Sản xuất nông nghiệp mới cho thu nhập hàng tỷ đồng
14:52'
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã giúp cho người nông dân ở Hà Nội có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
-
Kinh tế & Xã hội
Di dời bãi rác hơn 50 năm tuổi chắn ngang cao tốc Cần Thơ – Cà Mau
13:40'
Bãi rác rộng 4,3 ha với khoảng 162.000 tấn rác. Đây từng là nơi chứa rác cho cả thành phố Cần Thơ và cũng là bãi rác lâu đời ở có lịch sử hơn 50 năm trước khi dừng hoạt động cách đây hơn 20 năm.
-
Kinh tế & Xã hội
Vingroup và Bệnh viện Bạch Mai hợp tác toàn diện, thúc đẩy mô hình bệnh viện xanh
12:25'
Tập đoàn Vingroup và Bệnh viện Bạch Mai ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện về chuyển đổi xanh trong lĩnh vực y tế.