WHO phân phối nhiều hơn vaccine phòng COVID-19 cho châu Phi

11:58' - 30/07/2021
BNEWS WHO đang tăng cường phân phối vaccine COVID-19 cho châu Phi, tạo động lực mới giúp châu lục này hạn chế số ca nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng.

Ngày 29/7, Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Matshidiso Moeti cho biết cơ quan này đã tăng cường hoạt động phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho châu Phi, tạo động lực mới giúp châu lục này hạn chế số ca nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng.

Theo bà Moeti, gần 4 triệu liều vaccine đã tới châu Phi vào tuần trước theo đúng kế hoạch trong bối cảnh các kế hoạch tăng cường phân phối vaccine và tiêm chủng cho 30% dân số châu lục này vào cuối năm nay được tăng tốc.

Trong một tuyên bố, bà Moeti nêu rõ: “Tôi kêu gọi tất cả những nước dư thừa vaccine hãy chia sẻ thêm (cho các nước khác) trên tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau và cũng là vì lợi ích của chính mình vì không một nước nào được an toàn cho đến khi tất cả các nước được an toàn”.

Bà Moeti cho biết, đến nay 79 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã tới châu Phi và 21 triệu dân (chiếm 1,6% dân số) của châu lục này đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Châu Phi cần  820 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho 30% dân số châu lục cho đến cuối năm 2021.

Trong khi đó, các kế hoạch sáng kiến đa phương bàn giao vaccine với số lượng lớn cho châu Phi sẽ diễn ra trong những tuần tới.

Theo sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, 520 triệu liều vaccine sẽ được chuyển giao cho châu Phi từ nay đến cuối năm trong khi Ủy ban mua lại vaccine châu Phi (AVAT), do Liên minh châu Phi (AU) thành lập, có kế hoạch giao 10 triệu liều vaccine/tháng bắt đầu từ tháng 9 tới nhằm đạt mục tiêu 45 triệu liều vào cuối năm nay.

Bà tiết lộ COVAX đã ký các thoả thuận mới với các hãng dược Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc để cung cấp nhanh 110 triệu liều vaccine bổ sung cho các nước có thu nhập thấp mà phần đông là ở châu Phi.

Trong khi đó, các tổ chức cho vay đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) dự định tăng nguồn cung vaccine cho các nước đang phát triển với chi phí được trợ giá mà châu Phi sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch này.

*Trong khi đó, Burundi, một trong số ít quốc gia cuối cùng trên thế giới chưa tiến hành chương trình tiêm chủng, mới đây thông báo sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Burundi Thaddee Ndikumana cho biết nước này sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sau cuộc họp của ủy ban quốc gia về phòng, chống COVID-19.

Quyết định của Bộ Y tế Burundi đưa ra 1 ngày sau khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đồng ý trên nguyên tắc một gói viện trợ 78 triệu USD để giúp nước này đối phó với hậu quả của đại dịch.

Theo ông Ndikumana, dịch bệnh COVID-19 ở Burundi đang trong tầm kiểm soát, song vẫn có các báo cáo về các ca bệnh mới từ khu y tế trung tâm đô thị Bujumbura, khu y tế Kiremba ở tỉnh Ngozi và khu y tế Kirundo ở tỉnh Kirundo. Quốc gia này hiếm khi cung cấp dữ liệu về các ca mắc COVID-19.

Theo số liệu mới nhất, được báo cáo ngày 13/7, Burundi ghi nhận tổng cộng 5.723 ca mắc COVID-19, trong đó có 8 ca tử vong.

Kể từ khi Tổng thống Burundian Evariste Ndayishimiye nhậm chức vào tháng 6/2020, Chính phủ Burundi đã tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19, bao gồm chiến dịch sàng lọc hàng loạt và giảm giá một số mặt hàng với trợ cấp của chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục