Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý sức khỏe đất

15:53' - 18/10/2024
BNEWS Tập quán thâm canh, chuyên canh, sử dụng không cân đối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ô nhiễm đất do sự phát triển của các khu công nghiệp, làng nghề... làm sức khỏe đất bị suy giảm nghiêm trọng.

 

Ngày 18/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, là ngôi nhà của các hệ sinh thái. Vì vậy, sức khỏe đất đang là vấn đề được cả Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.

Hiện nay, bình quân diện tích đất đai trên đầu người thấp; cộng với tập quán thâm canh, chuyên canh, sử dụng không cân đối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ô nhiễm đất do sự phát triển của các khu công nghiệp, làng nghề; tác động của biến đổi khí hậu dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn, phèn hóa... làm sức khỏe đất bị suy giảm nghiêm trọng.

Thứ trưởng Hoàng Trung giao Cục Bảo vệ thực vật xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện đề án. Cục Trồng trọt phối hợp Cục Bảo vệ thực vật đánh giá kỹ từng loạt đất ở từng địa phương. Từ đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá loại đất phù hợp với loại cây, qua đó sẽ góp phần thay đổi tập quán canh tác theo hướng tích cực. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền để đề án đi vào cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về chất lượng, sức khỏe đất, hiện Việt Nam chưa có nhiều dữ liệu. Từng đối tượng cây trồng, từng vùng đất đều phải có con số cụ thể và sử dụng được. Mặt khác, Việt Nam đang vững bước trên con đường nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, nên càng cần có dữ liệu đất.

Ông Nguyễn Quang Tin cho rằng, để có bộ cơ sở dữ liệu về đất trồng trọt cần hệ thống lại, nghiên cứu hoàn thiện với sự tham gia của các viện nghiên cứu.

Ông Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam, mục tiêu của Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là bảo vệ cây trồng và năng suất, giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, từ đó bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Vì vậy, đề án về nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng là cần thiết và phù hợp với mục tiêu toàn cầu.

Tuy nhiên, đề án cần lồng ghép giữa hoàn thiện quy trình canh tác gắn với sử dụng phân bón, quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng hiệu quả. Như vậy, mục tiêu này sẽ thống nhất thành một hệ thống, từ đó tránh lãng phí nguồn lực và triển khai một cách đồng đều, hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Văn Tuất đề xuất, cấp thiết hiện nay là xây dựng lộ trình riêng hỗ trợ phục hồi cho các nhóm cây trên đất cằn và xấu nhất. Ngoài ra, tiếp tục giữ dinh dưỡng đất trồng cho các loại cây có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Cục Trồng trọt cho biết, việc đẩy mạnh cải tạo đất, thâm canh thời gian qua đã đem lại nhiều thành tựu cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, với đặc thù 70% đất đai canh tác ở Việt Nam nằm trên địa hình dốc dẫn tới hiện tượng rửa trôi, suy thoái, kiệt quệ dinh dưỡng ở những vùng thâm canh cao. Hay việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật cũng ảnh hưởng tới sức khỏe đất đai và cây trồng.

Ngày 11/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt “Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.

Đề án ra đời với mục tiêu và kỳ vọng giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục