​Xét xử cựu lãnh đạo Bình Dương: Làm rõ trách nhiệm trong sai phạm quản lý 2 khu “đất vàng”

19:37' - 17/08/2022
BNEWS Ngày 17/8, Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư đã đặt nhiều câu hỏi về các sai phạm liên quan hai khu "đất vàng" 43 ha và 145 ha tại Bình Dương.
Ngày 17/8, trong ngày thứ ba xét xử vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương, Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư đã đặt nhiều câu hỏi về các sai phạm liên quan hai khu "đất vàng" 43 ha và 145 ha.

* Cựu Bí thư Tỉnh ủy thừa nhận thiếu trách nhiệm

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, năm 2006, bị cáo Trần Văn Nam (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) đã ký các quyết định giao hai khu đất 43 ha và 145 ha cho Tổng Công ty Bình Dương. Tuy nhiên, khi giao đất lại áp dụng bảng giá của năm 2006, khiến Nhà nước thiệt hại hơn 760 tỷ đồng.

Trong giai đoạn cổ phần hóa của Tổng Công ty Bình Dương, bị cáo Nam lúc này là Bí thư Tỉnh ủy, người có quyền cao nhất với doanh nghiệp này. Bị cáo Nam biết rõ việc Tổng Công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú, không bàn giao về cho Nhà nước là trái chủ trương của Tỉnh ủy. Song bị cáo Nam không yêu cầu Tổng Công ty Bình Dương hủy bỏ Hợp đồng, chuyển giao khu đất về cho Công ty Impco để quản lý, bảo toàn vốn của Chủ sở hữu mà chỉ đạo và quyết định cho Tổng Công ty Bình Dương tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, dẫn đến hậu quả toàn bộ quyền quản lý của Nhà nước tại Dự án khu Đô thị - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43 ha đã bị chuyển sang Công ty tư nhân.

Để che giấu sai phạm của Tổng Công ty Bình Dương và trách nhiệm quản lý tài sản của Chủ sở hữu, bị cáo Trần Văn Nam tiếp tục chỉ đạo hợp thức hóa Công văn số 974-CV/TU đề ngày 19/5/2017 (thực tế được lập vào tháng 10/2018) đính chính Thông báo số 287/TB-TU ngày 20/4/2017 và Công văn số 477-CV/TU đề ngày 29/8/2016 (thực tế được lập vào tháng 3/2019) điều chỉnh Công văn số 407-CV/TU ngày 29/7/2016, làm sai lệch bản chất nội dung phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của chủ sở hữu (Tỉnh ủy Bình Dương) tại Công văn 407-CV/TU ngày 29/7/2016. Hành vi của bị cáo Trần Văn Nam cùng các đồng phạm đã dẫn đến hậu quả gây thất thoát cho Nhà nước gần 985 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Trần Văn Nam khai: Khi Công ty Kim Oanh (doanh nghiệp mua lại khu “đất vàng” 43 ha) làm hàng rào bao quanh khu đất 43 ha bị cáo mới biết đất nhà nước bị bán cho tư nhân. Sau đó, bị cáo đã tổ chức cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy để thanh tra và cuối cùng là khởi tố vụ án để điều tra.

Bị cáo Nam khẳng định, trước đó chưa từng được Kế toán trưởng Tổng Công ty Bình Dương trao đổi về vấn đề đất đai. Nếu bị cáo biết trước, sẽ không bao giờ có việc Tổng Công ty Bình Dương bán đất cho doanh nghiệp.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định, bị cáo Trần Văn Nam đã ký văn bản lùi ngày chuyển đất về doanh nghiệp của Tỉnh ủy, tạo điều kiện cho Tổng Công ty Bình Dương bán đất cho tư nhân. Giải trình về việc này, bị cáo Nam khai bị cáo không có lý do gì để ký văn bản lùi ngày. Hàng ngày, bị cáo thường phải ký rất nhiều giấy tờ nên ký rất nhanh. Sau khi Ủy ban kiểm tra phát hiện ra sai phạm, bị cáo Nam mới biết các văn bản thu hồi đất về Tỉnh ủy bị ký lùi ngày.

Bị cáo Nam thừa nhận, bị cáo "đã thiếu trách nhiệm", song cho rằng bị cáo không chỉ đạo cấp dưới duyệt các văn bản liên quan khu đất 43 ha hay hợp thức hóa các công văn, giấy tờ liên quan khu đất vàng, làm sai lệch bản chất nội dung các văn bản.

* Thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước

Liên quan tới 2 khu đất này, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương có mặt tại phiên tòa cho biết: Hai khu đất 43 ha và 145 ha trên nằm ở vị trí cửa ngõ, là nơi khẳng định hình ảnh, thương hiệu của tỉnh Bình Dương. Hiện Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đang "quyết liệt giải quyết các tồn tại" theo quy định của pháp luật, đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Riêng đối với khu đất 43 ha, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng, vào thời điểm Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng cho tư nhân, Thường trực Tỉnh ủy không biết. Trong trường hợp nếu Tòa tuyên hủy các hợp đồng để trả lại khu đất cho tỉnh Bình Dương, Tỉnh ủy sẽ cho đấu giá khu đất đó để không gây thất thoát tài sản nhà nước.

Trong vụ án này, Võ Hồng Cường là thành viên Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bình Dương, Tổng Giám đốc công ty Hưng Vượng, bị Viện Kiểm sát cáo buộc đã thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng Công ty Bình Dương) trong hành vi tham ô hơn 815 tỷ đồng của Tổng Công ty Bình Dương.

Cụ thể, với mục đích tạo nguồn tiền để hoàn ứng khoản tiền lớn do đã sử dụng trước đó trái nguyên tắc tài chính và tạo điều kiện để Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển là 2 Công ty “sân sau” có quyền lợi của cá nhân và người thân trong gia đình, bị cáo Minh đã ban hành chủ trương, quyết định và chỉ đạo bị cáo Võ Hồng Cường cùng các bị cáo khác thực hiện việc chi 964 tỷ đồng để mua 9.120.000 cổ phần với giá 105.737 đồng/cổ phần, gây thiệt hại cho Tổng Công ty Bình Dương hơn 815 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn của luật sư tại tòa, bị cáo Võ Hồng Cường trình bày, năm 2019, khi dư luận nổi lên thông tin về việc mua bán cổ phần không minh bạch 19% cổ phần của Tổng Công ty Bình Dương, lúc này bị cáo và gia đình xác định cần phải vay mượn để dứt điểm hoàn trả lại 19% cổ phần này. Trong vòng 6 tháng, bị cáo chuyển trả hơn 700 tỷ đồng cho Tổng Công ty Bình Dương.

Bị cáo Cường khai, việc hoàn trả lại cổ phần không phải để che giấu hành vi vi phạm mà chỉ nhằm khắc phục sai phạm càng sớm càng tốt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục