Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Luật sư và các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt

20:56' - 06/05/2021
BNEWS Chiều 6/5, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Công ty Nhật Cường, nhiều luật sư và bị cáo đã đề nghị Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát cân nhắc, xem xét thêm một số tình tiết nhằm giảm nhẹ hình phạt.

Chiều 6/5, phần tranh luận tại Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), nhiều luật sư và bị cáo đã đề nghị Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát cân nhắc, xem xét thêm một số tình tiết nhằm giảm nhẹ hình phạt.

Tự bào chữa tại Tòa, các bị cáo đều cho rằng mức án theo đề nghị của Viện Kiểm sát là quá nặng và xin được giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) cho rằng, bị cáo “sốc” khi thấy mình bị đề nghị mức phạt cao nhất bởi không phải bị cáo biết Công ty Nhật Cường buôn lậu nhưng vẫn thực hiện.

Ánh lấy dẫn chứng, Công ty Nhật Cường đã nhiều lần bị xử phạt hành chính và tịch thu sản phẩm do hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ. Khi đó, Ánh thắc mắc thì được Bùi Quang Huy giải thích là "không sao", "ai sợ thì nghỉ việc".

Tháng 9/2018, khi lô hàng điện thoại di động của Công ty Nhật Cường bị bắt ở Sân bay Nội Bài, Ánh mới biết việc công ty đang làm là buôn lậu.

Bị cáo Ánh khai mình định xin nghỉ việc nhưng “được níu lại để giúp công ty rút dần khỏi mảng kinh doanh này, hỗ trợ hơn 500 nhân sự không bị mất việc làm".

Vì vậy, Ánh cho rằng bị cáo không cố tình phạm tội và mong được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) cũng lập luận, mình chỉ là người làm công ăn lương, không hưởng lợi gì từ hoạt động buôn lậu của Công ty Nhật Cường, nên mức án đề nghị từ 14-16 năm tù đối với 2 tội danh cho bị cáo là quá cao vì bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi và đã tích cực hỗ trợ giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ các nội dung trong vụ án.

Bị cáo Ngọc cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại cho bị cáo về tội danh “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” do cho rằng bị cáo không phải người thực hành, không quản lý sổ sách kế toán theo phần mềm MISA.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple, Công ty Nhật Cường) nêu quan điểm, cần xác định cụ thể vai trò đồng phạm của bị cáo Phong trong vụ án.

Bị cáo giao dịch với nhà cung cấp, nhập lậu hàng hóa về Việt Nam… là theo sự chỉ đạo của bị cáo Ánh, bị cáo Ánh lại nhận sự chỉ đạo từ Bùi Quang Huy.

Bị cáo Phong thừa nhận việc bị Viện Kiểm sát truy tố về số lượng, chủng loại hàng hóa nhập lậu, tuy nhiên bản thân bị cáo không được hưởng lợi, không có động cơ, mục đích từ việc này.

Luật sư đồng tình với đại diện Viện Kiểm sát đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Phong nhưng vẫn đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo về việc đã tích cực giúp cơ quan điều tra làm rõ vụ án.

Cùng quan điểm này, các luật sư bào chữa cho các bị cáo: Nông Văn Lư (lái xe tại Công ty Nhật Cường), Bùi Quốc Việt (nhân viên Công ty Nhật Cường), Ngô Đức Tùng, Phạm Văn Hiệp (vận chuyển hàng cho Công ty Nhật Cường)... đã đề nghị Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát xem xét việc các bị cáo trong vụ án có nhận thức pháp luật hạn chế, có thái độ khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, ăn năn hối cải, hợp tác giúp đỡ các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, hoàn cảnh gia đình khó khăn... để cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo ở mức thấp nhất của khung hình phạt, tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội phấn đấu quay trở lại cuộc sống bình thường, làm người có ích cho xã hội.

Sáng 7/5, Phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát đối với các luật sư, các bị cáo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục