Xoài Đồng Tháp tự tin khi có “giấy thông hành” sang Mỹ

14:41' - 05/03/2019
BNEWS Từ ngày 18/2, trái xoài của Việt Nam đã chính thức được cấp phép vào Mỹ, từ đây mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu ngành hàng xoài của Việt Nam.
Đóng gói xoài tươi chuẩn bị cho xuất khẩu. Ảnh: Đức Nhung/TTXVN

Xoài là một trong năm ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Một thông tin phấn khởi cho người trồng xoài tại vùng đất sen hồng nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, từ ngày 18/2, trái xoài của Việt Nam đã chính thức được cấp phép vào Mỹ, từ đây mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu ngành hàng xoài của Việt Nam.

“Giấy thông hành” để trái xoài mang thương hiệu Việt được đến Mỹ đã có, nhưng làm thế nào để nâng cao, ổn định chất lượng trái xoài đạt chất lượng xuất khẩu, mang lại giá trị cao và “tự tin sang Mỹ” là vấn đề Đồng Tháp rất quan tâm.

Xoài là một cây trồng chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê, cả nước có gần 85.000 ha xoài, sản lượng đạt gần 930.000 tấn/năm, tập trung nhiều nhất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 55% diện tích, hơn 60% về sản lượng); trong đó, Đồng Tháp hiện là địa phương dẫn đầu về diện tích (với khoảng 9.300 ha) và thứ hai về sản lượng (gần 100 nghìn tấn/năm).

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, xoài cũng được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và hướng tới tầm nhìn năm 2030.

Để phát triển bền vững ngành hàng xoài, tỉnh Đồng Tháp tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý để ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến việc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); công nghệ sau thu hoạch đã từng bước được áp dụng như xây dựng nhãn hiệu, mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain (lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian) vào việc truy xuất nguồn gốc xoài.

Canh tác hơn 2.000 m2 xoài cát chu tại xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh, ông Phan Ngọc Văn cho biết, trước đây người dân chủ yếu làm theo phương pháp truyền thống, chỉ quan tâm đến sản lượng mà chưa quan tâm tới yêu cầu thị trường, dẫn đến thực trạng dồn hàng dội chợ.

Thêm vào đó, vấn đề sử dụng quá liều thuốc bảo vệ thực vật khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà thu mua. Chính điều này khiến giá trị trái xoài luôn trong trái thái bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường.

Nhận thấy sản xuất xoài theo kiểu cũ đã không còn phù hợp, ông Văn cũng như nhiều nhà vườn tại cù lao Tân Thuận Đông mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, thực hiện bao trái để sản xuất xoài an toàn. Tính nên nay 100% diện tích trồng xoài nơi đây đều thực hiện bao trái để hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, giống chủ lực của địa phương hiện là xoài Cát Chu và xoài Cát Hòa Lộc, tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Đa phần người trồng xoài hiện đã thực hiện bao trái kết hợp xử lý ra hoa rải vụ để cung cấp cho thị trường quanh năm.

Hiện tỉnh Đồng Tháp nhân rộng mô hình bao trái xoài được thực hiện gần 90% diện tích. Bao trái giúp ngăn chặn côn trùng xâm nhập, hạn chế được số lần phun thuốc hóa học từ 5 – 7 lần/vụ, giúp vỏ trái bóng đẹp hơn, gia tăng lợi nhuận cho nhà vườn, tăng năng suất từ 20 - 30%. Đây là biện pháp góp phần nâng chất lượng trái xoài, giảm thất thoát sau thu hoạch, dễ tiêu thụ và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Phan Văn Thương – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh nói, với diện tích trồng xoài lớn của tỉnh với hơn 2.500 ha, thành phố Cao Lãnh vận động người dân cơ cấu lại mùa vụ và hợp tác liên kết để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, sản lượng lớn. Ngoài ra, địa phương đang xây dựng các vùng trồng xoài có liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại 70% diện tích trồng xoài đã có liên kết với doanh nghiệp.

Không chỉ quan tâm đến nguồn hàng được sản xuất, đầu ra của sản phẩm, Đồng Tháp còn chú trọng đến việc bảo quản nông sản sau thu hoạch. Vì đây là khâu quan trọng trong quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ xuất khẩu.

Với mong muốn, nâng cao giá trị quả xoài - sản phẩm chủ lực của địa phương, Đồng Tháp đã đưa vào hoạt động Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Nhung, thành phố Cao Lãnh. Đây là mô hình đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xử lý xoài áp dụng công nghệ tiên tiến, giúp xử lý triệt để và không còn dính da gây ra bệnh cháy da hay thối đầu cuống. Từ đó, xoài Cát Chu, xoài Đài Loan (hay xoài tượng da xanh) có thể bảo quản trên 30 ngày.

Bà Đinh Kim Nhung, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kim Nhung, thành phố Cao Lãnh cho biết, trước đây, công ty là cơ sở thu mua xoài nguyên liệu với số lượng từ 15 - 20 tấn, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình xuất bán, đơn vị đã từng có những lô xoài khi giao đến khách hàng chỉ 3-4 ngày sau đã bị hư hỏng.

Dưới sự hỗ trợ từ Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), phân viện cơ điện và công nghệ sau thu hoạch, doanh nghiệp đã đầu tư lại cơ sở vật chất trang thiết bị (hệ thống điện mặt trời, máy rửa xoài, thổi kho, hệ thống băng chuyền, kho lạnh,...).

Từ đây, xoài sau khi được phân loại sẽ được rửa trong bồn xử lý mủ. Sau đó cho vào dây chuyền hiện đại bao gồm các khâu rửa xoài bằng nước nóng, xử lý hóa lý, sấy khô và cuối cùng là dán nhãn, đóng gói. Toàn bộ dây chuyền đều được máy móc đảm nhận, giúp tiết kiệm nhân công và giảm đáng kể lượng nông sản hao hụt.

Bà Nhung chia sẻ, năng lực kinh doanh của công ty được nâng cao rõ rệt, năng suất thu mua tăng lên 40 - 45 tấn/ngày, cao điểm đạt 60 tấn/ngày. Không chỉ vậy, giúp quả xoài bước đầu thâm nhập vào thị trường khó tính như Australia, Nga, Hàn Quốc,.... Trước thông tin xoài đã vào thị trường Mỹ, bà Nhung tự tin rằng “không có gì là khó khăn”.

Ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, xoài là loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sau thanh long, chôm chôm, nhãn và vải, vú sữa. Việc chinh phục lòng tin của người tiêu dùng, tự tin nhập cuộc thị trường ngoài nước, đòi hỏi phải thay đổi trong tư duy canh tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ tiến tới cùng mua chung, bán chung.

Mặt khác, với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, người nông dân, doanh nghiệp không dừng lại khai thác xoài ở sản lượng trái mà cần tiếp tục hướng đến những giá trị cao hơn như: chế biến xoài sấy xuất khẩu, nước ép xoài, dưa xoài, rượu xoài, sản xuất xoài gắn với du lịch,… Đây là những cách Đồng Tháp đã và đang hướng đến để nâng giá trị ngành hàng chủ lực cũng như đưa trái xoài nhập cuộc tự tin khi có “giấy thông hành” sang Mỹ./.

Xem thêm:

>>Hợp tác xuất khẩu xoài sang thị trường Hoa Kỳ

>>“Giấy thông hành” và câu chuyện xuất khẩu trái cây

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục