Xoay trục từ cơ cấu lại nông nghiệp

09:14' - 19/01/2018
BNEWS Ngay tháng đầu năm 2018, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo toàn ngành mạnh mẽ cơ cấu lại, sản xuất theo chuỗi giá trị theo quy mô lớn hơn phù hợp lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Hoàng Nhị - TTXVN.

Triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, ngay từ tháng đầu năm 2018, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, việc đạt và vượt các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra trong năm 2017 đã bước đầu khẳng định ngành đang đi đúng hướng trong quá trình cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.

Những chuyển đổi như vậy trong thời gian qua đã đánh dấu một bước ngoặt rất lớn trong việc xoay trục phát triển đối với việc phát triển các mặt hàng chủ lực. Bởi, trước đây chúng ta coi trọng mặt hàng lúa gạo là hàng đầu nhưng hiện đã chuyển sang thủy sản, trái cây, rồi đến lúa gạo.

Điểm lại sản xuất nông nghiệp năm 2017 cho thấy, cả nước đã có 185.700 ha được chuyển đổi, chủ yếu sang cây ăn quả với trên 52.000 ha. Bởi vậy, các sản phẩm trong nông nghiệp có điều kiện phát triển theo hướng thị trường. Cũng chính nhờ chuyển đổi như vậy nên sản lượng lúa tuy có giảm so với năm 2016 nhưng giá trị chung toàn ngành lại tăng cao, vượt mục tiêu đề ra.

Cùng đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản đều tăng khá. Đặc biệt, sản lượng tôm nước lợ cả năm 2017 đạt 701.000 tấn, tăng gần 10% so với năm 2016. Tổng sản lượng ngành thủy sản tăng 4% nhưng giá trị tăng tới 6,1% (vượt mục tiêu đề ra 5%). Điều này cho thấy, sự tăng trưởng trong lĩnh vực thủy sản đã thực sự đi vào tăng giá trị.

Sản lượng lợn chiếm từ 60 - 70% sản lượng ngành chăn nuôi. Năm 2017, lần đầu tiên cả hệ thống chính trị phải vào cuộc “giải cứu” thịt lợn bởi sự phát triển quá nóng không kịp thích ứng với thị trường. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, điều đó cũng tạo cơ hội để để chiều chỉnh sản xuất theo hướng an toàn, phát triển quy mô lớn. Đặc biệt, đòi hỏi người chăn nuôi phải điều chỉnh khâu chăn nuôi và có bước tiến vượt bậc về giảm giá thành. Cùng với đó là sự hình thành sản xuất theo chuỗi và lần đầu tiên đã có lô thịt gà xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và đang xây chuỗi thịt lợn hướng đến xuất khẩu với những bước đi rất rõ ràng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, giải cứu thịt lợn để lại cho ngành nông nghiệp nhiều bài học, đặc biệt là thông tin và quan hệ cung cầu. Do đó phải tiếp tục tái cơ cấu ngành chăn nuôi gắn với đổi mới an toàn thực phẩm, tiếp cận theo chuỗi giá trị sản phẩm, tiếp tục rà soát chiến lược và điều chỉnh quy mô đàn vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường hơn; tập trung vào kiến tạo và hỗ trợ doanh nghiệp để hình thành các cơ sơ chăn nuôi gắn với chuỗi thực phẩm trong nước và xuất khẩu.

Tiếp tục con đường đó, ngay từ đầu năm 2018, ngành nông nghiệp triển khai ngay Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; trong đó thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy trình chăn nuôi khép kín của công ty Ba Huân từ con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, tiêm phòng đến cơ sở xử lý, đóng gói…cung ứng ra thị trường. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đánh giá tái cơ cấu nông nghiệp phải theo 2 nguyên tắc. Một là phải xác định theo nguyên tắc thị trường, kể cả là thị trường trong nước và quan trọng hơn là thị trường thế giới với sức mua lớn. Thứ hai là nguyên tắc thích ứng với biến đổi khí hậu, lựa chọn những đối tượng phù hợp, có dư địa từng vùng, từng miền, lựa chọn những đối tượng phù hợp, những đối tượng tiềm năng từ mặt trái của biến đổi khí hậu để tìm ra dư địa mới, lợi thế mới để tập trung vào phát triển. Đó là những nguyên tắc trụ cột.

Cùng với đó là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và theo một nguyên tắc chung là chuỗi giá trị tất cả các nhóm sản phẩm chủ lực. Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn và đặc biệt chú ý những nút thắt chưa được làm tốt là: phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu và mở rộng thị trường.

Theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, các doanh nghiệp đều nhận thấy nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội với nhiều loại trái cây đứng trong những top đầu thế giới như: đứng đầu về thanh long, thứ ba về chanh leo, thứ 11 về chuối… Để phát huy tiềm năng đó cần tập trung để tạo ra các công nghệ chế biến sâu hơn nữa.

Cùng với đó là phát triển liên kết vùng. Bởi theo ông Khuê, rau quả cần tiêu thụ ở nhiều tỉnh, nhà máy cũng không chỉ chế biến một loại rau quả. Trên cơ sở tận dụng thế mạnh từng tỉnh, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục cơ cấu lại và đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh/thành phố và nhóm đặc sản làng/xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể, đồng thời, chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản.

Ngành trồng trọt tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, rà soát diện tích lúa kém hiệu quả chuyển sang các cây trồng khác có lợi thế hơn hoặc nuôi trồng thủy sản, phát triển mạnh cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018, ngành sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu và sản xuất các sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Đồng thời đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi; chỉ đạo mùa vụ, quy trình nuôi trồng phù hợp với thời tiết, thị trường; phổ biến các mô hình nuôi thâm canh, công nghệ cao; triển khai tích cực Kế hoạch phát triển ngành tôm, cá tra và phát triển các đối tượng nuôi khác theo lợi thế.

Trong năm, ngành sẽ khởi công xây dựng nhanh 5 nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu quy mô lớn, công nghệ hiện đại công suất gần 1 triệu tấn thúc đẩy xuất khẩu rau quả. Đi từ những tiền đề các nhà máy quy mô, công suất lớn và công nghệ hiện đại này để định dạng vùng nguyên liệu, đảm bảo hình thành mối liên kết chặt chẽ với nông dân thông qua các các trang trại, hợp tác xã…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục