Xu hướng mới của Đông Nam Á - du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường

06:30' - 13/12/2022
BNEWS Ngành du lịch đang bắt đầu hồi phục nhanh chóng, và khi các nước Đông Nam Á chuyển sang du lịch bền vững, tương lai có thể đối diện với những thách thức gì?

Cùng với việc mọi người dần thoát ra khỏi đại dịch COVID-19, ngành du lịch cũng bắt đầu hồi phục nhanh chóng. Khi các nước Đông Nam Á chuyển sang du lịch bền vững, tương lai có thể đối diện với những thách thức gì? Du khách có thể thông qua phương thức nào để thực hiện du lịch bền vững?   

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Đông Nam Á là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng du lịch quốc tế nhanh nhất toàn cầu.

Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2019 Đông Nam Á đã tiếp đón 137 triệu lượt khách quốc tế và gần 1 tỷ lượt khách nội địa. Ngành du lịch chiếm 12,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đông Nam Á, khoảng 42 triệu người hoạt động trong ngành du lịch. 

Tuy nhiên, tăng trưởng với tốc độ nhanh của ngành du lịch cũng gây nên các vấn đề môi trường. Chẳng hạn, giai đoạn 2011-2017, số lượng du khách đến địa điểm du lịch nổi tiếng đảo Boracay của Philippines tăng 160%. Hệ thống thoát nước và quản lý chất thải trên đảo quá tải khiến đảo Boracay phải đóng cửa nửa năm trong năm 2018, tạm ngừng tiếp đón du khách để giúp môi trường nghỉ ngơi.  

ASEAN nhận thức được việc quy hoạch và quản lý ngành du lịch không tốt sẽ gây nên những hệ lụy tiêu cực về sau đối với cộng đồng và môi trường địa phương, nên đã bắt đầu nỗ lực thúc đẩy rộng rãi sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Chẳng hạn, tầm nhìn của "Kế hoạch chiến lược du lịch ASEAN 2016-2025" là đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao. ASEAN cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy rộng rãi phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, bao trùm và cân bằng, đóng góp quan trọng vào phúc lợi kinh tế-xã hội của người dân Đông Nam Á.

Thúc đẩy du khách trải nghiệm các hoạt động ít carbon

Du lịch bền vững là gì? Các chuyên gia nhấn mạnh, nguyên tắc của ngành du lịch bền vững bao gồm tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và cân bằng lợi ích giữa các bên.

Bà Melinda Martinus, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore-ISEAS Yusof Ishak, nhấn mạnh du lịch bền vững là ưu tiên cân nhắc nhu cầu của cộng đồng địa phương, khuyến khích du khách trải nghiệm các hoạt động có ý thức xã hội và lượng phát thải khí nhà kính thấp.  

Ví dụ đơn giản, khuyến khích du khách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng trên đất liền như tàu hỏa thay vì máy bay để giảm phát thải carbon, lựa chọn đến các nhà hàng địa phương ăn uống thay vì các nhà hàng buffet, hoặc tránh sử dụng những dụng cụ vệ sinh cá nhân một lần do khách sạn cung cấp để giảm thiểu rác thải nhựa…   

Nền tảng tri thức và đổi mới giải pháp phát triển du lịch của ADB được nhấn mạnh trong bài viết có tiêu đề "Các nước Đông Nam Á nên chuyển hướng sang du lịch bền vững như thế nào". Mặc dù đại dịch COVID-19 khiến cho khách du lịch của khu vực này giảm 82% trong năm 2020, nhưng lại cung cấp cơ hội quý giá giúp ngành du lịch tái định hình mình tốt hơn, hướng đến du lịch bền vững.

Các nước lớn về du lịch của khu vực này đã lần lượt đưa ra chiến lược du lịch bền vững. Ngay từ năm 1996, Malaysia đã ban hành "Kế hoạch tổng thể du lịch sinh thái quốc gia", khởi động bước đầu tiên của du lịch bền vững. Tháng Sáu năm nay Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đưa ra chiến lược "SMILE", nhấn mạnh tính bền vững toàn diện, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế bao trùm, phát huy đặc sắc địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch Thái Lan.

Hệ thống tàu một ray không người lái Gold Line được vận hành thử ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Gần đây, Bộ trưởng Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno đã nhấn mạnh trong một cuộc thảo luận, Indonesia đang chuyển từ du lịch đại chúng sang du lịch sinh thái và du lịch thể thao, đồng thời nỗ lực tuyên truyền thiên nhiên và văn hóa cho du khách.  

Thách thức lớn nhất trong việc chuyển sang du lịch bền vững  

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù xu hướng chuyển sang du lịch bền vững của khu vực này là sự phát triển tích cực, nhưng sẽ đối diện với không ít thách thức.  

Ông Steven Schipani, chuyên gia du lịch cao cấp khu vực Đông Nam Á của ADB, cho rằng một trong những thách thức lớn nhất là làm cho các bên lợi ích liên quan đạt được sự đồng thuận về tầm nhìn chung của du lịch bền vững khi du lịch bắt đầu phục hồi.   

Theo ông Steven Schipani, chính phủ, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác phải kết nối lẫn nhau, xác định điểm chung về lợi ích bền vững của các bên, đồng thời hợp tác vì mục tiêu chung.

Bà Melinda Martinus thẳng thắn cho rằng, hiện nay vẫn chưa thấy các nước trong khu vực đưa ra quy hoạch tổng thể toàn diện, thúc đẩy phương hướng phát triển bền vững của ngành du lịch. Mọi người vẫn phổ biến cho rằng, cần thu hút càng nhiều du khách càng tốt, nhiều chỉ tiêu thành tích của ngành du lịch vẫn xoay quanh lượt khách du lịch hoặc thời gian lưu trú.

Nếu chúng ta có thể thay đổi quan niệm này, chuyển sang du lịch giá trị cao, số lượng du khách thu hút tương đối ít nhưng cung cấp nhiều trải nghiệm du lịch địa phương hấp dẫn hơn để thu được chi phí du lịch cao hơn, các nước vẫn có thể tạo ra nguồn thu du lịch lớn.        

Tuy nhiên, bà Melinda Martinus nhấn mạnh, muốn xây dựng kế hoạch như thế này tương đối thách thức, bởi vì các nước cần phải đảm bảo những điểm thăm quan trong nước có sự đặc sắc, độc đáo so với đối thủ, cũng như mang lại sự trải nghiệm phong phú cho du khách.    

Trong khi đó, ông Steven Schipani lại cho rằng các nước muốn chuyển sang ngành du lịch bền vững thì cần có cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường hơn, nguồn nhân lực và nhà quản lý các điểm tham quan lành nghề hơn, cũng như các quy định pháp luật và chính sách khuyến khích mọi người kinh doanh bền vững hơn. 

Theo bà Melinda Martinus, hiện nay Đông Nam Á vẫn chưa hoàn toàn kết nối đường bộ và đường sắt cao tốc, hy vọng trong tương lai có thể nhìn thấy những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng có liên quan nhiều hơn với tư cách là phương thức du lịch ít carbon.

Một bài viết có tiêu đề "Tiêu điểm Đông Nam Á" thảo luận cách thúc đẩy du lịch bền vững của ASEAN của Viện nghiên cứu Đông Nam Á vào tháng 3/2022 nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã cung cấp cơ hội để các nước thử nghiệm và cải thiện kế hoạch phát triển du lịch bền vững.

Các quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt như hạn chế rác thải nhựa, xử phạt các hành vi xâm hại môi trường, hình thành thói quen và hành vi mới đối với cư dân và du khách là điều cần thiết. 

"Làm tốt bài tập" trước khi lên đường, nắm chắc thông tin và tự mình trải nghiệm

Nhà văn du lịch Singapore Diệp Hiếu Trung cho rằng, khi du khách thực hành du lịch bền vững sẽ coi trọng việc theo đuổi quan niệm cá nhân. Đối với những người muốn ủng hộ du dịch bền vững, điều quan trọng nhất vẫn là phải "làm tốt bài tập" trước khi lên đường, có ý thức tìm hiểu thông tin và tự mình trải nghiệm. Du khách phải biết cách lựa chọn, có sẵn sàng nỗ lực hơn để tìm hiểu những lựa chọn du lịch bền vững hay không, thậm chí lựa chọn các nhà khai thác đắt tiền hơn chút ít nhưng hỗ trợ du lịch bền vững.     

Nhà văn Diệp Hiếu Trung nhấn mạnh, du khách có thể chủ động tìm hiểu địa phương có những hoạt động và điểm thăm quan nào áp dụng phương châm du lịch bền vững, cũng như những nhà hàng, khách sạn thực sự thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, chứ không phải chỉ đơn thuần gắn lên nhãn mác "bền vững", nhưng lại cung cấp dụng cụ sinh hoạt sử dụng một lần hoặc bồn tắm bên trong…   

Đối với việc nhiều quốc gia Đông Nam Á tìm cách chuyển hướng thu hút "du khách giá trị cao", nhà văn Diệp Hiếu Trung cho rằng các nước đi theo hướng này là chính xác, bởi vì du lịch giá trị cao đồng nghĩa với số lượng du khách tương đối ít, có lợi cho việc giảm nhẹ thiệt hại đối với môi trường.

Tuy nhiên, chiến lược này sẽ không làm hạn chế những điểm đến mà du khách có thể lựa chọn trong tương lai, bởi vì cho dù là nhà hàng, khách sạn hay địa điểm thăm quan, thì phần lớn các nước đều có những lựa chọn thay thế cho du khách có ngân sách thấp. 

Thành lập phòng nghiên cứu chất thải để phát triển sản phẩm bảo vệ môi trường

Chính phủ đóng vai trò quan trọng về phương diện xây dựng quy hoạch phát triển du lịch bền vững, nhưng không thể thiếu nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch. Khách sạn Desa Potato Head trên đảo Bali của Indonesia áp dụng phương châm kinh doanh ưu tiên bảo vệ môi trường, chủ động đưa ra khái niệm "thiết kế không chất thải".

Amanda Marcella, Giám đốc phát triển bền vững của khách sạn cho biết, năm 2017 khi lướt sóng ở đảo Bali, người sáng lập khách sạn và con trai phát hiện trên bãi biển đầy rác, nhận thức được rằng ngành khách sạn nên đóng góp một phần vào việc bảo vệ môi trường.

Từ năm 2017 đến nay, khách sạn cấm khách lưu trú và nhà cung ứng sử dụng sản phẩm nhựa một lần, ngoài ra còn thiết lập một nhóm chuyên trách nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo vệ môi trường, sử dụng chất dẻo hoặc xốp để tái chế thành các đồ dùng của khách sạn như nắp cốc, thùng rác, hộp khăn giấy, ghế…, giảm thiểu lãng phí tối đa.   

Bà Amanda Marcella nhấn mạnh, trong hơn một năm đóng cửa do dịch bệnh, khách sạn cũng phát triển mạnh quy trình bảo vệ môi trường. Năm 2020 đã thành lập "phòng nghiên cứu chất thải", phụ trách quản lý phân loại rác và phát triển sản phẩm bảo vệ môi trường. Nửa đầu năm nay khách sạn đã tái chế khoảng 500 kg nhựa. Nhóm chuyên trách cũng chế biến dầu ăn đã qua sử dụng thành nến.  

Tuy nhiên, việc thực hiện phương châm bảo vệ môi trường này cũng đối diện với thách thức: Thiếu vật liệu. Hiện nay mọi người đều rất quan tâm đến những vật liệu tái chế này, đôi khi các vật liệu do khách sạn thu thập không đủ, và khi có nhiều công việc phải hoàn thành, khách sạn phải chi thêm tiền để mua vật liệu.

Bà Amanda Marcella và nhóm cảm thấy được cổ vũ rất lớn khi thấy rằng đa số khách lưu trú có sự chấp nhận cao đối với khái niệm bảo vệ môi trường này và nhận được phản hồi tích cực rộng rãi. Khách sạn có kế hoạch đưa vào sử dụng năng lượng tái tạo trong nửa đầu năm tới, nguồn điện từ các tấm năng lượng Mặt Trời đủ để cung ứng cho phòng nghiên cứu chất thải vận hành.

Thiên tai ảnh hưởng đến ngành du lịch của khu vực

Những năm gần đây, các nước trong khu vực thường xảy ra thiên tai nghiêm trọng, tác động mạnh đến ngành du lịch bản địa.

Thái Lan là một trong những quốc gia thường xuyên được liệt vào danh sách dễ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhất trên thế giới. Tháng 10/2022, nhiều thành phố như thủ đô Bangkok xuất hiện lũ lụt, địa điểm du lịch nổi tiếng ở phía Bắc là Chiang Mai bị nhấn chìm, cản trở sự phục hồi của ngành du lịch. Theo ước tính của Ủy ban thường trực chung về thương mại, công nghiệp và ngân hàng, lũ lụt nghiêm trọng đã gây thiệt hại lên đến 10 tỷ baht (290 triệu USD).  

Gió mùa và mưa lớn ở đảo Bali, Indonesia, vào tháng Mười dẫn đến lũ lụt và sạt lở núi khiến 6 người tử vong. Trong cùng tháng, Philippines bị bão nhiệt đới Nalgae tấn công, cướp đi sinh mạng của 150 người, ngành nông nghiệp và cơ sở hạ tầng địa phương hứng chịu thiệt hại không hề nhỏ.

Theo chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2021 của tổ chức nghiên cứu German Watch, giai đoạn 2000-2019, Myanmar, Philippines và Thái Lan nằm trong nhóm 10 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu có liên quan mật thiết đến sức khỏe của con người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, giai đoạn 2030-2050, biến đổi khí hậu mỗi năm sẽ gây nên cái chết cho hơn 250.000 người do thiếu dinh dưỡng, sốt sét, tiêu chảy, ứng suất nhiệt…

Một mối đe dọa sức khỏe chủ yếu khác là thiếu thực phẩm. Theo Báo cáo đếm ngược Lancet công bố vào tháng Mười, so với giai đoạn 1981-2010, số người đối diện với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng thêm gần 100 triệu người vào năm 2020.   

Do đó, thúc đẩy thực hiện du lịch bền vững không chỉ vì biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến doanh thu du lịch, mà còn vì lợi ích lâu dài của nhân loại.  

Ban hành biện pháp kiểm soát số lượng du khách

Trong thời gian dịch bệnh, quốc gia nhỏ bé ở Nam Á là Bhutan đã đóng cửa đất nước hơn 2 năm, tháng 9/2022 mới mở cửa trở lại để đón du khách nước ngoài. Chính phủ Bhutan đã tăng mạnh phí phát triển bền vững, thuế du lịch tăng từ 65 USD/đêm lên 200 USD/đêm, đây là một trong những chiến lược du lịch thu hút "giá trị cao, số lượng thấp" của Chính phủ Bhutan.

Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Chủ tịch Ủy ban du lịch Bhutan nhấn mạnh trong một bản tuyên bố rằng, đại dịch COVID-19 khiến chúng ta phải xem xét lại cách tốt nhất để xây dựng và vận hành ngành du lịch…, đồng thời duy trì dấu chân carbon thấp.

Các quan chức địa phương cho biết, những khoản thu trên được sử dụng để tái tạo rừng, nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực của ngành du lịch, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển hướng sang sử dụng ô tô điện để triệt tiêu dấu chân carbon của khách du lịch.

Về phía Italy, "thành phố nước" Venice sinh ra từ nước và đẹp nhờ nước, nhưng biến đổi khí hậu khiến bài toán triều cường theo mùa ngày càng nan giải. Năm 2019, Venice xảy ra lũ lụt nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua. Lượng khách du lịch quá đông khiến nhiều tòa nhà địa phương bị lún hoặc hư hại do sóng gây nên từ taxi nước. Mực nước biển dâng có thể khiến Venice bị nước biển nhấn chìm vào năm 2100.

Năm 1992, Chính phủ Italy lần đầu tiên đề xuất hệ thống đập chắn lũ MOSE, hy vọng có thể cứu Venice. Mặc dù hệ thống đập chắn lũ MOSE đến năm 2023 mới hoàn công nhưng đã bắt đầu phát huy tác dụng sau khi đưa vào sử dụng năm 2020, giúp Venice thoát khỏi một trận lụt lớn.    

Ngoài ra, Chính phủ Italy cũng thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát các vấn đề do khách du lịch quá nhiều gây nên, bao gồm cấm các thuyền du lịch lớn đến gần các kênh đào và quảng trường của Venice từ năm 2021, khuyến khích sử dụng thuyền điện làm taxi nước, hạn chế tốc độ tàu cao tốc, bắt đầu từ năm 2023 thu phí vào thành phố đối với du khách…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục