Xu hướng mới của thị trường lao động: * Bài 1: Bài toán chọn nghề - chọn trường

09:39' - 02/06/2023
BNEWS Phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết phản ánh thực trạng, công tác đào tạo, định hướng nghề nghiệp trước xu thế mới nhằm đảm bảo nguồn nhân lực tương xứng với sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 4,8 triệu người lao động làm việc các ngành nghề. Thời gian qua, tác động của COVID-19, thị trường quốc tế biến động và xu hướng phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động việc làm, công tác đào tạo nghề.

 

Bối cảnh đó đòi hỏi lực lượng lao động trẻ cần có sự lựa chọn phù hợp; đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu cho các cơ quan quản lý Nhà nước về xu hướng mới của thị trường lao động hiện nay. Qua đó, hoạch định các chính sách, mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết phản ánh thực trạng, công tác đào tạo, định hướng nghề nghiệp trước xu thế mới nhằm đảm bảo nguồn nhân lực tương xứng với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Bài 1: Bài toán chọn nghề - chọn trường

Thành phố Hồ Chí Minh có trên 320 trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở dạy nghề với rất nhiều loại hình đào tạo cũng như ngành nghề mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay.

So với các thế hệ trước đây, giới trẻ ngày nay có rất nhiều ngành nghề để chọn lựa, theo đuổi ước mơ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ các bạn trẻ chọn đúng nghề, đúng trường là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Chú trọng hướng nghiệp

Theo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có hàng trăm ngành nghề được các cơ sở đào tạo mở ra, từ các ngành truyền thống như: đào tạo giáo viên, khoa học xã hội nhân văn, nghệ thuật, mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng… đến nhóm ngành nghề kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, kỹ thuật hóa học, vật liệu, luyện kim, môi trường. Đặc biệt, nhiều nhóm ngành nghề mới, sát với xu thế phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại như: công nghệ thông tin, lập trình điều khiển tự động, kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, kỹ thuật hóa học, quản lý vận tải, dịch vụ logistics…

Gần 35 năm làm việc tại Phòng Đào tạo nghề thuộc Sở lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đặng Minh Sự nhìn nhận, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và những tác động của kinh tế, xã hội đang làm thay đổi xu hướng nghề nghiệp, việc làm. Các trường nghề, cơ sở giáo dục nghề đã nhanh chóng cập nhật, bổ sung, liên kết hình thành thêm nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới. Điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh lúng túng, không định hình được ngành nghề phù hợp để sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay hay việc làm ổn định, thu nhập cao…

"Do vậy, công tác tư vấn, định hướng và đào tạo nghề thật sự quan trọng để học sinh xác định, chọn lựa theo đuổi con đường nghề nghiệp cho riêng mình. Hơn nữa, khi tốt nghiệp ra trường, người học có nhiều cơ hội, lợi thế trong ứng tuyển tìm việc làm với mức lương lý tưởng. Nói cách khác, một quyết định đúng đắn sẽ định hướng con đường sự nghiệp tương lai nhiều triển vọng phát triển", ông Đặng Minh Sự nhấn mạnh.

Theo Thạc sĩ Hoàng Quốc Long, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, học sinh, sinh viên nên chọn ngành nghề học theo sở thích, bởi việc yêu thích luôn có xu hướng trở thành đam mê. Đó chính là tiền đề để phát triển, là động lực lâu dài cho mỗi người. Cùng với đó, học sinh nên chọn ngành, nghề theo khả năng, năng lực để có thể theo đuổi lâu dài trong tương lai. Đôi khi, xuất phát điểm của học sinh, sinh viên không cao nhưng nếu có mục tiêu rõ ràng cùng sự cố gắng, chăm chỉ vẫn có thể tiến bộ và đạt được thành công.

Thạc sĩ Hoàng Quốc Long cho rằng, việc chọn ngành nghề học để dễ kiếm việc làm, thu nhập phù hợp, đúng thực lực của mình thật sự không dễ dàng. Bởi vì khi xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp cũng càng cao nhằm đáp ứng trước những đổi mới về chính sách, công nghệ, quy trình, phương thức sản xuất…

Nhiều chuyên gia về đào tạo nghề cho rằng, hiện nay, việc chọn đúng ngành đã không dễ, song cần phải chọn đúng trường để có cơ hội tiếp nhận đào tạo và việc làm sau khi học xong. Ngoài ra, người học cần nhìn vào triển vọng của ngành để ra quyết định đúng đắn hơn.

Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, xu hướng nghề nghiệp là yếu tố quan trọng khi quyết định chọn nghề. "Do vậy, việc cơ quan quản lý nghiên cứu, đánh giá, dự báo xu hướng phát triển của thị trường lao động và nghề nghiệp là rất quan trọng. Các chỉ số này không chỉ giúp các cơ quan chức năng quản lý thị trường lao động việc làm tốt hơn mà còn là căn cứ để phụ huynh, học sinh hay thanh niên lựa chọn nghề nghiệp".

Theo ông Trần Anh Tuấn, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và phổ biến của trí tuệ nhân tạo khiến nhiều ngành nghề dần mất đi, nhất là những nghề yêu cầu độ chính xác cao, thao tác giản đơn, dễ dàng thực hiện theo hướng dẫn hoặc có thể tính toán dựa trên việc hệ thống hóa như: thu cước, bưu tá, tiếp thị qua điện thoại, trực tổng đài, công nhân dệt may, làm vườn, đánh máy, nhập dữ liệu... Ngược lại, nhiều công việc, ngành nghề mới sẽ xuất hiện, kéo theo nhu cầu nhân lực. Vì vậy, việc chọn học đúng ngành nghề có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai là đảm bảo một phần cho thành công khi gia nhập thị trường lao động.

Đào tạo gắn với thực tiễn

Những năm gần đây, mỗi cơ sở đào tạo nghề ở trình độ Cao đẳng hay Trung cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh thường có hàng ngàn sinh viên, học sinh theo học ở 10 hoặc 15 ngành nghề khác nhau. Nhiều bạn trẻ ngay từ khi học cấp 2, cấp 3 đã kiên định với đam mê của bản thân, có mục tiêu thi vào ngành học ưa thích đã chọn sẵn. Tuy nhiên, không ít học sinh, sinh viên phải cân nhắc và dựa trên nhiều tiêu chí tự đánh giá để chọn nghề học.

Theo Tiến sĩ Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh, nếu như trước đây, các trường chỉ quan tâm đầu vào (tuyển sinh) nay đã chú trọng cả đầu ra (tốt nghiệp). Sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay đồng nghĩa với việc khẳng định thương hiệu, chất lượng đào tạo và mối quan hệ của nhà trường đối với doanh nghiệp. Từ đó, tạo niềm tin để học sinh, phụ huynh gửi gắm con em mình vào học tại trường.

"Để làm được điều đó, các trường đặt trọng tâm vào công tác đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp; chú trọng chọn lựa bộ môn, ngành nghề học; phương pháp giảng dạy, nội dung học từ lý thuyết đến thực hành phải luôn bám sát với thực tiễn. Chương trình đào tạo phù hợp với xu hướng của thị trường lao động. Đặc biệt, nhiều trường đã chọn hình thức liên kết đào tạo; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hướng quốc tế hóa; chú trọng chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề nghiệp, tăng thời gian thực hành thay vì học lý thuyết, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận sát với môi trường thực tiễn", Tiến sĩ Trần Kim Tuyền nhấn mạnh.

Từ thực tiễn của mùa tuyển sinh năm 2023, Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist cho biết, nhà trường dự kiến sẽ mở thêm ngành Tổ chức sự kiện, Công nghệ thông tin, Kế toán. Riêng hai ngành Công nghệ thông tin và Kế toán, đơn vị sẽ thiết kế chương trình giảng dạy bám sát với các công việc hành chính, quản lý điều hành, xu hướng số hóa trong các khách sạn, khu du lịch, resort có nhu cầu cao hiện nay.

Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Vân chia sẻ, năm nay, trường đẩy mạnh các chương trình đào tạo nghề liên kết với các đối tác quốc tế; trong đó có các nghề Chế biến món ăn từ Đức và Pháp. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ khởi động thêm chương trình đưa học viên nghề bếp đi Australia. Cụ thể, học viên đã từng học chương trình tại trường có 2 năm kinh nghiệm làm việc kèm theo trình độ tiếng Anh Ielts 5.5 đều có thể tham gia… Chi phí học tại Úc là 6.000 USD/năm; thu nhập khi vừa học vừa làm được đối tác cam kết cho học viên là 52.000 USD/năm. Thời gian học 1 năm và ở lại làm việc sau tốt nghiệp tối thiểu được 2 năm.

Tương tự, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết, trong bối cảnh hiện nay, để tồn tại, trường nghề phải gắn kết với nhiều nguồn lực bên ngoài, trong đó không thể thiếu doanh nghiệp. Sự tham gia của giảng viên là lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn cùng nhà trường giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Hưng, thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng 3 trung tâm đào tạo, thực hành nghề chất lượng cao. Trong đó, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II sẽ là Trung tâm của phía Nam tập trung đào tạo nghề chất lượng cao. Do vậy, ngay từ bây giờ, trường hình thành mạng lưới giảng viên để phục vụ định hướng này. Ngược lại, các chuyên gia, giảng viên là lãnh đạo doanh nghiệp cam kết cùng nhà trường nâng cao kỹ năng thực hành, xây dựng chương trình bám sát thực tế doanh nghiệp để sinh viên ra trường làm được việc ngay. Họ sẵn sàng hỗ trợ trang thiết bị đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên có nhu cầu.

Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tuyển sinh đào tạo nghề cho 315.000 học sinh, sinh viên; trong đó, bậc Cao đẳng khoảng 40.000 sinh viên; Trung cấp khoảng 25.000 học viên; sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng khoảng 250.000 người. Bên cạnh đó, địa phương sẽ đào tạo nghề cho hơn 4.000 lao động nông thôn; giải quyết việc làm cho 300.000 lượt lao động, trong đó tạo việc làm mới 140.000 người./.

Xu hướng mới của thị trường lao động: *Bài 2: Lợi thế của lao động trẻ

Xu hướng mới của thị trường lao động: * Bài 3: Định vị thị trường lao động việc làm

Xu hướng mới của thị trường lao động: * Bài cuối: Xây dựng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục