Xử lý cán bộ nếu để vi phạm đất bãi bồi ven sông Hồng

17:25' - 02/03/2023
BNEWS Tại Hà Nội, có một số quận như: Tây Hồ, Long Biên, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.., có một số diện tích bãi bồi ven sông Hồng.

Tại một số khu vực đất trống, lợi dụng sự vắng mặt của cơ quan chức năng, một số đối tượng đã đem đổ trộm phế thải, vật liệu xây dựng, thậm chí xây công trình tại khu vực bãi sông Hồng.

Việc làm trên gây vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, ảnh hưởng tới dòng chảy, mất an ninh trật tự, đồng thời gây ô nhiễm môi trường.

 

Từ xa xưa một số hộ dân cũng đã tiến hành sản xuất nông nghiệp, trồng cây hoa màu, trồng quất, đào…, tại khu vực bãi bồi. Những năm gần đây, lợi dụng sự lơi lỏng của chính quyền, một số đối tượng đã tiến hành đổ trạc thải (vật liệu xây dựng), đất đá, rác ra khu vực bãi bồi ven sông.

Dần dà, biến đất công thành đất tư nhân quản lý, lập lều lán, xây dựng công trình, gây phức tạp trong quản lý ở địa phương. Chính quyền các quận, huyện đã nhiều lần ra quân tháo dỡ, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng, đất đai ở khu vực bãi bồi ven sông Hồng.

Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người dân muốn có thêm đất nông nghiệp để canh tác; để dựng lều lán, công trình còn các “đầu nậu” muốn có bãi đổ trạc thải nên đã “bắt tay” nhau chiếm bãi bồi ven sông.

Quận Tây Hồ vốn có diện tích đất bãi bồi ven sông Hồng lớn, lại gần nội đô nên các đầu nậu đã chọn địa phương này là một trong những “bãi đáp” để đổ trạc thải.

Tại khu vực bãi bồi ven sông Hồng thuộc khu vực phường Tứ Liên, mới đây đã ghi nhận có sự đổ trộm trạc thải. Đơn cử, ở khu vực cuối con ngõ 76/39 An Dương (Tứ Liên) một số đối tượng đã đưa trạc thải ra đổ, lấn chiếm bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm Luật Đất đai và Luật Đê điều. Sự việc chỉ được phát hiện và ngăn chặn khi có sự vào cuộc của cơ quan báo chí.

Làm việc với phóng viên về nội dung trên, ông Đoàn Văn Dương, Chủ tịch UBND phường Tứ Liên (Tây Hồ) cho biết, Tứ Liên là 1 trong những phường có diện tích đất ở ngoài đê lớn nhất khoảng hơn 100 ha, nên rất khó khăn trong quản lý đất đai đê điều và trật tự xây dựng.

Thực tế, phường cũng đã lập chốt canh gác tại các khu vực cửa ngõ để dẫn vào khu bãi bồi hay còn gọi là khu đê quai. Ngoài ra, phường chỉ đạo tổ thanh tra xây dựng, địa chính phối hợp chặt chẽ thanh tra xây dựng của quận thường xuyên kiểm tra để phát hiện và kịp thời xử lý ngăn chặn để không phát sinh trên địa bàn. Song, vẫn còn hiện tượng lén lút đổ trộm trạc thải tại bãi bồi.

Để kịp thời khắc phục các tồn tại, ông Đoàn Văn Dương cho biết, trong tháng 3, thực hiện sự chỉ đạo của UBND quận, phường Tứ Liên sẽ tập trung nhân lực, vật lực để xử lý thanh thải toàn bộ lượng phế thải đất thải đã vi phạm mới phát sinh cũng như đã tồn tại từ trước đó.

Hàng ngày, phường duy trì 2 máy xúc, thực hiện múc những đống trạch thải, cho lên xe tải chuyên chở đến khu vực xử lý theo quy định. Dù công việc múc trạc thải là rất phức tạp, do địa hình bãi bồi, ven đê xe tải trọng lớn không được di chuyển nhưng địa phương đang quyết tâm thực hiện.

Còn trước đó, ngày 21/2, phường Tứ Liên tiến hành xử lý, phá dỡ công trình 50 mét vuông khung sắt lợp tôn, do vi phạm Luật Đất đai và Luật Đê điều.

Ngoài biện pháp trước mắt như kể trên, phường Tứ Liên còn thực hiện chốt chặn tại một số khu vực để phát hiện và ngăn chặn xe chở trạc vào đổ trộm trên địa bàn. “Trong thời gian tới, phường sẽ quyết liệt hơn nữa để giữ vững địa bàn để không xảy ra những việc đổ trạc như vậy”, ông Dương chia sẻ.

Trực tiếp kiểm tra tại một số khu vực nhạy cảm có thể diễn ra đổ trộm trạc thải trên địa bàn, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ chia sẻ, rất bức xúc trước tình trạng còn tồn tại việc bãi bồi ven sông bị lấn chiếm từ việc đổ trạc. Điều này, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của quận, nếu không ngăn chặn kịp thời.

Từ nhận thức này, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ chỉ đạo, không cứ Tứ Liên mà phường Nhật Tân, Phú Thượng và Yên Phụ (có bãi bồi ven sông) đều phải vào cuộc rà soát, xử lý, ngăn chặn việc đổ trạc thải gây ra các hệ lụy trước mắt và lâu dài cho xã hội.

“Trước hết hệ thống chính trị của cả quận đến phường sẽ phải có biện pháp mạnh. Trước mắt, phường có vi phạm đổ thải phải xử lý và tự chịu trách nhiệm múc trả hiện trạng”, ông Khuyến yêu cầu.

Về giải pháp lâu dài, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, để tránh từ vi phạm đất đai sang vi phạm trật tự xây dựng, quận sẽ cho dỡ bỏ những rào tôn của một số các khu vực, để thay thế bằng dây lưới B40 để tiện phát hiện sai phạm, cũng như không ảnh hưởng đến vấn đề thoát nước, thoát lũ. Quận cũng yêu cầu các phường làm việc với các hộ dân, yêu cầu ký cam kết sử dụng đúng mục đích nông nghiệp, không đổ trạc thải lấn sông Hồng. Mặt khác, quận chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng cột bê tông tại cuối ngõ 310 Nghi Tàm và các vị trí khác tại ngõ đi ra sông Hồng để ngăn chặn các phương tiện vận chuyển đổ thải trạc trái phép.

Cũng theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, quận sẽ lập đoàn kiểm tra, tái kiểm tra đối với các phường trong việc múc, di dời trạc thải để đảm bảo tính nghiêm minh, nghiêm túc trong chỉ đạo.

“Cuối cùng nếu công việc khắc phục không hiệu quả, chúng tôi yêu cầu thay thế, xử lý cán bộ hoặc tạm thời đình chỉ công tác để cán bộ đó thực hiện mỗi nhiệm vụ này, không làm nhiệm vụ khác”, ông Nguyễn Đình Khuyến nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục