Xử lý nước thải trên vịnh Hạ Long: Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân

07:11' - 18/04/2018
BNEWS Lâu nay việc xử lý nước thải của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long luôn là vấn đề nan giải, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường đã được triển khai với sự góp sức của ngành chức năng và tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân vẫn là nhân tố quan trọng giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường một cách hiệu quả.

Tàu hoạt động tại cảng Tuần Châu. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Chỉ trong 3 giờ tham gia chương trình “Hành động vì Hạ Long xanh” (tháng 8/2017), hơn 100 tình nguyện viên của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã thu gom được gần 2,5 tấn rác trong phạm vi chưa tới 2km tại bãi Áng Dù (thuộc vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

“Mỗi ngày, tổng lượng nước thải từ các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long lên tới 502m3; trong đó nước thải từ mỗi hành khách trên tàu là 20 lít/ngày, nước thải từ hành khách trên tàu qua đêm là 250 lít/ngày”, bà Nguyễn Thị Bích Hiền, đại diện IUCN cho biết.

Vịnh Hạ Long hiện có 505 tàu du lịch hoạt động thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố Hạ Long. Theo quy định, các chủ tàu buộc phải trang bị hệ thống phân ly dầu nước. Toàn bộ chất thải sẽ được đưa vào bờ để Công ty Môi trường đô thị tỉnh Quảng Ninh xử lý, nếu tàu nào bị phát hiện xả thải ra biển hay để du khách ném rác xuống biển sẽ bị phạt theo quy định. Mặc dù, các cơ quan quản lý khẳng định 100% các tàu cam kết không xả thải trực tiếp ra biển nhưng việc kiểm soát lại không đơn giản…

Theo ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý vịnh Hạ Long, trong hơn 500 tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, chỉ có 10% số tàu đóng mới (đóng từ năm 2015) có hệ thống xử lý nước thải đen (nước thải sinh hoạt…). Số còn lại là những tàu cũ đóng từ xưa không thể lắp đặt được hệ thống này.

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, ông Lê Minh Tân thừa nhận nếu không quản lý chặt, các tàu sẵn sàng xả thải thẳng ra Vịnh để tiết kiệm chi phí bởi việc thu gom chất thải gây tốn kém cho các chủ tàu.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hiền, để đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải từ các tàu du lịch tại vịnh Hạ Long sẽ cần chi phí đầu tư ban đầu khoảng 3,1 triệu USD. Còn chi phí vận hành hệ thống này vào khoảng 251 USD/ngày (theo ước tính chi phí các khu xử lý nước thải vận hành tương tự tại Phillippines). Theo tính toán phương án thu phí và hoàn vốn trong 5 năm.

Phát triển du lịch Hạ Long không thể thiếu đầu tư tư nhân. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty Du thuyền Pelican, cho biết một tàu chuyên dụng có thể hút được 10 lần nước thải/ngày từ các tàu du lịch. Để đáp ứng nhu cầu của hơn 500 tàu du lịch cần phải có 50 tàu hút hoạt động liên tục mỗi ngày.

Bên cạnh đó cần có Trung tâm xử lý rác thải cứng và chất thải độc hại mới có thể tập kết vào bờ nên chi phí ước tính phải lên đến hàng chục triệu USD. Việc này rất khó khăn kể cả bằng chính sách của nhà nước hỗ trợ hay sự tài trợ của các tổ chức quốc tế.

Ông Nguyễn Duy Phú cho rằng, con số để đầu tư xử lý nước thải tàu du lịch trên vịnh Hạ Long lớn hơn nhiều so với con số 3,1 triệu USD nói trên.

Quyết định 4088/2015/QĐ-UBND quản lý hoạt động tàu du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long Quảng Ninh của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 21/12/2015 đã yêu cầu tất cả tàu phải được trang bị thiết bị phân ly dầu nước hoặc tương đương sử dụng cho buồng máy (được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền); tàu lưu trú lắp động cơ diesel không phân biệt là động cơ chính hay phụ có tổng công suất lớn hơn 220 kW phải được trang bị thiết bị phân ly dầu nước; các tàu lưu trú còn lại phải được trang bị thiết bị phân ly dầu nước hoặc tương đương sử dụng cho buồng máy (được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền).

Đến cuối năm 2017, theo báo cáo của UBND thành phố Hạ Long, tất cả các tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long đã đáp ứng các yêu cầu trên.

Tuy nhiên, theo PGS.TS.Phạm Trương Hoàng, Đại học Kinh tế Quốc dân, vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định việc xử lý nước thải từ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đã được giải quyết một cách triệt để và lâu dài.

Bày tỏ quan ngại về môi trường vịnh Hạ Long hiện nay, PGS. TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho hay, nhiều người nói du lịch là ngành kinh tế không khói, nhưng thực tế du lịch là ngành kinh tế nhiều khói. Việc phát triển các khu du lịch ở Hạ Long đã dẫn đến sự suy giảm giá trị cảnh quan, sinh thái, ô nhiễm nguồn nước cũng như thu hẹp không gian di sản.

Ông Frank Hawkins, Giám đốc IUCN khu vực Bắc Mỹ cho rằng, những thách thức trong quá trình phát triển du lịch sẽ tác động tới việc bảo tồn giá trị di sản. Giữa Chính phủ và khu vực tư nhân cần có sự hợp tác bởi ở nhiều quốc gia có di sản thế giới phải đảm bảo sự phát triển kinh tế của địa phương, áp dụng và tuân thủ theo tiêu chuẩn môi trường phù hợp. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn đó, chúng ta nên có cách quản lý tác động của môi trường một cách hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Jake Brunner, Quyền Trưởng Đại diện IUCN Việt Nam cũng cho rằng cần phải thúc đẩy đầu tư tư nhân tham gia vào việc xử lý các vấn đề môi trường tại các khu du lịch, di sản. Cụ thể như hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho tàu du lịch đang hoạt động tại vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà.

Hiện nay, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long đã có sự tham gia đóng góp của các cơ quan quản lý và các tổ chức quốc tế. Điển hình, tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện dự án thu gom nước thải trên vịnh Hạ Long do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Toàn bộ nước thải từ các tàu được đưa về các trạm xử lý trước khi đưa ra môi trường.

Còn hệ thống quan trắc tự động do Sở Tài nguyên & Môi trường và Ban Quản lý vịnh Hạ Long quản lý. Phía JICA cũng đang thực hiện chương trình gắn nhãn “Bông sen xanh” cho các tàu du lịch đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

PGS. TS Phạm Trung Lương nói: “ Việc áp dụng thực hiện gắn nhãn sinh thái sẽ giúp giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường. Thế nhưng, các doanh nghiệp ngại áp dụng các tiêu chuẩn của nhãn sinh thái vì như vậy họ phải đầu tư, làm đội giá thành nên sẽ khó cạnh tranh. Do vậy, chúng ta cần có chính sách để những doanh nghiệp đăng ký nhãn sinh thái sẽ được hưởng lợi. Chẳng hạn, nếu họ tham gia nhãn sinh thái, các doanh nghiệp có thể được giảm thuế hoặc được quảng bá miễn phí.”

Theo ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long - đơn vị quản lý trực tiếp các tàu du lịch, để được gắn nhãn “Bông sen xanh”, doanh nghiệp cần đạt được 37 tiêu chí. Hiện nay đang trong quá trình xây dựng quy trình thẩm định, đánh giá. Trước mắt, thành phố sẽ khuyến khích các tàu tham gia, nhưng tương lai sẽ tiến tới việc bắt buộc gắn nhãn này.

Cùng quan điểm, ông Kai Marcus Schroter cho hay việc gắn nhãn cho các tàu mới chỉ mang tính tự nguyện và chúng ta cần có quy định xử lý nước thải ngay tại tàu chặt chẽ hơn.

Theo ông Hồ Quang Huy, dự án xử lý nước thải trên vịnh Hạ Long có kinh phí lên tới 154 triệu USD; trong đó thành phố đóng góp 29 triệu USD, số còn lại là vốn vay ODA./.

Box: PGS. TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho hay, nhiều người nói du lịch là ngành kinh tế không khói, nhưng thực tế du lịch là ngành kinh tế nhiều khói. Việc phát triển các khu du lịch ở Hạ Long đã dẫn đến sự suy giảm giá trị cảnh quan, sinh thái, ô nhiễm nguồn nước cũng như thu hẹp không gian di sản.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục