Xử lý vướng mắc, đẩy nhanh cấp mã số cơ sở nuôi tôm

14:07' - 30/01/2022
BNEWS Đến nay, cả nước mới cấp mã số là 6.600/479.824 cơ sở, đạt 1,38%.
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi tôm nước lợ còn chậm. Đến nay, cả nước mới cấp mã số là 6.600/479.824 cơ sở, đạt 1,38%.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, việc đăng ký cấp Giấy xác nhận mã số đối với cơ sở nuôi tôm là nội dung quan trọng để quản lý hoạt động nuôi an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, là điều kiện quan trọng đáp ứng yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu.

Để xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ, Tổng cục Thủy sản đang rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản cho phù hợp. Nghị định sẽ được sửa đổi trên tinh thần giảm tối đa các điều kiện để các hộ nuôi có thể đăng ký và được cấp mã số cơ sở nuôi.

Một mặt địa phương cũng cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định về đăng ký, cấp Giấy xác nhận mã số để người nuôi nắm được các quy định và tự giác thực hiện. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong đăng ký nuôi trồng thủy sản.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định đối với các vùng đã quy hoạch, lập kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, xử lý các vướng mắc để tạo thuận lợi cho người nuôi trồng thủy sản thực hiện đăng ký. Đối với các trường hợp đáp ứng đầy đủ điều kiện thì địa phương phải nhanh chóng cấp mã số cơ sở nuôi.

Về kết quả mã số đối với cơ sở nuôi tôm thời gian vừa qua, ông Trần Đình Luân cho rằng, việc tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký của chính quyền địa phương đến người dân còn chậm và chưa được quan tâm thực hiện. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, người dân chưa nhận thức và chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký, cấp mã số. Một số địa phương có cơ sở nuôi ở địa bàn xa cơ quan tiếp nhận hồ sơ và cấp mã số (cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh) nên khó khăn khi thực hiện nộp hồ sơ.

Nhiều cơ sở nuôi tôm không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Hợp đồng giao, cho thuê đất/mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định hoặc do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chính chủ hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân nuôi trồng thủy sản là đất trồng lúa, đất rừng, trồng cây hàng năm, đất ven sông... nhưng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Vì vậy người dân gặp khó khăn khi lập hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản.

Cũng có nhiều cơ sở nuôi đã dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp cho ngân hàng vay vốn sản xuất nên gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thủy sản (không lấy được sổ ra để thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục