Xử nghiêm những trường hợp đưa tin thất thiệt về dịch COVID-19

12:49' - 15/08/2020
BNEWS UBND tỉnh Gia Lai đã có ý kiến bằng văn bản sẽ xử lý nghiêm, nhằm chấn chỉnh các trường hợp đưa tin sai lệch về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Gia Lai gần đây xuất hiện tình trạng người dùng mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube đăng tải, chia sẻ, bình luận các thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội, đặc biệt là những thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 gây hoang mang dư luận.

Cá biệt, có một số cán bộ, công chức, viên chức cũng chia sẻ, bình luận những tin đồn thất thiệt này.

Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh với các hoạt động lợi dụng không gian mạng để đưa tin xấu độc, giả mạo, các thông tin chống phá nhà nước.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải nhận thức đầy đủ về những mặt tích cực và tiêu cực khi sử dụng mạng xã hội; thận trọng khi chia sẻ, bình luận các thông tin trên mạng xã hội; không đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin chưa được xác minh tính chân thật, nhất là nội dung thông tin có nội dung làm ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân gây mất trật tự, hoang mang dư luận về tình hình dịch COVID-19.

Tại văn bản chỉ đạo này, ông Đỗ Tiến Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Sở Y tế phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh Gia Lai tổ chức kiểm tra thông tin "Hiện nay, các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn không bán các mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 (khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn...); trong khi đó, các mặt hàng này được rao bán online với nhiều nhãn hiệu, mức giá khác nhau, không kiểm soát được"; tập trung các lực lượng chức năng chấn chỉnh các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá nhằm thu lợi bất chính; có giải pháp cung ứng đủ các trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu phòng bệnh của nhân dân theo chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai lệch, không đúng sự thật về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Trước đó, ngày 30/7, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt chị P.T.M.V (37 tuổi, trú đường Trường Chinh, thành phố Pleiku) 5 triệu đồng về hành vi đăng tải thông tin không đúng sự thật về dịch COVID-19 trên Facebook cá nhân.

Làm việc với cơ quan chức năng, chị V cho biết do nghe người dân đồn đại ở Gia Lai có một trường hợp bệnh nhân trốn bệnh viện Đà Nẵng về, đã bị Công an bắt và một trường hợp khác có kết quả dương tính với COVID-19.

Chỉ nghe vậy, chị V đăng lên Facebook cá nhân với nội dung: "Theo nguồn tin đáng tin cậy, Gia Lai mình một trường hợp dương tính COVID-19 tại Gia Trung, Mang Yang. Chắc chết”. 10 phút sau, do nhiều bạn bè vào bình luận, nhắc nhở, chị V gỡ bỏ dòng trạng thái.

Ngày 3/8, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai tiếp tục xử phạt bà V.T.B.V (54 tuổi, trú Thị xã Ayun Pa, Gia Lai) 5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Trước đó, tài khoản Facebook B.V đăng tải dòng trạng thái nội dung: "VTV 1 lúc 17 giờ ngày 30/7 vừa đưa tin, Kon Tum đã có 39 ca dương tính với COVID-19". Tại cơ quan công an, bà V thừa nhận: Chiều 30/7, trong lúc xem bản tin 17 giờ của VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, có đoạn tin vắn “Kon Tum đã có 39 ca dương tính với bạch hầu”.

Bà V nghe nhầm thành “Kon Tum đã có 39 ca dương tính với COVID-19” nên đăng tải thông tin trên lên tài khoản facebook cá nhân để cảnh báo với mọi người. Được nhiều bạn bè vào bình luận, nhắc nhở, bà V biết mình nhầm lẫn nên gỡ bỏ thông tin trên./.

>>UBND Thành phố Hồ Chí Minh bác tin đồn phong tỏa toàn bộ thành phố

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục