Xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia không thể có tiêu cực

14:04' - 01/07/2020
BNEWS Lực lượng Cảnh sát giao thông đã cung cấp 13.000 dữ liệu về các trường hợp vi phạm hành chính để phục vụ tra cứu, nộp phạt trực tuyến trên Cổng Dịch vụ này, trong đó xử phạt 11.000 trường hợp.

Chia sẻ với báo chí bên lề buổi họp báo công bố dịch vụ công thứ 725 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, tính đến 6 giờ ngày 1/7, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã cung cấp 13.000 dữ liệu về các trường hợp vi phạm hành chính để phục vụ tra cứu, nộp phạt trực tuyến trên Cổng Dịch vụ này, trong đó 11.000 trường hợp có quyết định xử phạt. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng nộp tiền tại Cổng Dịch vụ công quốc gia còn hạn chế, mới chỉ có 97 trường hợp.

*Vướng mắc từ thể chế

- Phóng viên: Qua thực tế triển khai thí điểm hơn 3 tháng qua tại 5 địa phương, ông thấy còn điều gì vướng mắc?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông là cung cấp nhanh nhất cho người dân các thông tin có liên quan: biên bản vi phạm, quyết định vi phạm để người dân có thể lựa chọn các hình thức thực hiện quyết định xử phạt. Chúng tôi cho rằng việc cung cấp thông tin vi phạm tới người dân là nhanh chóng, kịp thời, nhưng hiện có vướng mắc. Qua kiểm tra lại từ Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định hướng dẫn và các quy định hiện hành, hiện nay, số điện thoại là rất quan trọng để cung cấp nhanh nhất thông tin cho người dân lại không có trong quy định. Do vậy, chỉ có thể vận động người dân tự nguyện. Trường hợp nào có số điện thoại cung cấp cho chúng tôi thì thông tin về việc ra quyết định xử phạt gửi trực tiếp đến người vi phạm. Chúng tôi cũng muốn có địa chỉ thư điện tử để gửi thông tin dưới dạng bản pdf.

Cục Cảnh sát giao thông đang phối hợp cùng Kho bạc Nhà nước để định danh, số hóa số sẽ nộp phạt. Ví dụ 981 là xử phạt trong lĩnh vực đường bộ,  982 là đường thủy, 983 là đường sắt. Mã số của các đơn vị được mã hóa để tạo thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là phải đổi mới quy trình xử phạt vi phạm hành chính hiện nay. Ví dụ, với trường hợp bị tước giấy phép lái xe phải có 5 ngày để giải trình thì sẽ chậm. Chúng tôi cũng đã tham mưu để Quốc hội và Chính phủ xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là tăng phạt tiền và trừ điểm. Với dữ liệu hiện nay sẽ bảo đảm phục vụ người dân tốt nhất.

Một khó khăn khác nữa là người dân phải có tài khoản, phải có trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin thì mới chủ động được. Với trách nhiệm của Cảnh sát giao thông là cung cấp các thông tin nhanh nhất về quyết định xử phạt, chúng tôi đã bước đầu thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng, VCCP và Bộ trưởng Công an. Còn làm sao để người dân thực hiện dịch vụ đó, cần sự phối hợp và nghiên cứu rất kỹ của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đặc biệt là Kho bạc Nhà nước và các đơn vị được ủy quyền của Kho bạc Nhà nước trong việc thanh toán.

- Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về khối lượng công việc của lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc khi người dân ứng dụng dịch vụ này trực tuyến?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Ứng dụng công nghệ là một xu thế tất yếu. Theo chúng tôi, cải cách để phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, minh bạch quá trình thực hiện đã được chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Nếu số hóa được việc này sẽ giúp giảm tải rất nhiều khối lượng công việc của cán bộ, chiến sỹ. Theo cách truyền thống, phải lập biên bản giấy rồi gõ quyết định xử phạt. Bây giờ, khi đã có dữ liệu, chỉ cần nhập vào nội dung biên bản, các dữ liệu liên quan để kết nối với quyết định rất nhanh chóng.

Chúng tôi cũng đề nghị trong thời đại số, những đơn vị như Kho bạc không cần thiết phải nhận quyết định bản giấy nữa mà chỉ cần bản điện tử. Người dân có nhu cầu nhận bản điện tử, hoặc thậm chí là chỉ cần tin nhắn về số quyết định xử phạt đã có, thì sẽ cải cách rất nhiều. Chúng tôi cho rằng đây là hướng rất đúng so với xu thế phát triển của công nghệ và thời đại. Mỗi năm chúng tôi xử phạt gần 5 triệu trường hợp vi phạm, nếu chỉ cần cải cách không phải in 1 quyết định xử phạt, đã tiết kiệm cho nhà nước 5 triệu tờ giấy.

Bộ Công an hiện đang xây dựng nhiều hệ thống dữ liệu. Riêng Cảnh sát giao thông chúng tôi đã có dữ liệu dùng chung như đăng ký xe từ năm 2009. Tất cả các trường hợp phải nhập dữ liệu vào mới in được giấy đăng ký xe. Cải cách của lực lượng Cảnh sát giao thông là một trong những lĩnh vực đi đầu.

*Phòng, chống tiêu cực

- Phóng viên: Việc nộp phạt qua Cổng Dịch vụ công quốc gia góp phần phòng, chống tiêu cực, ngăn ngừa tham nhũng vặt như thế nào?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Chúng tôi thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an là tăng cường hệ thống giám sát. Ngay tối hôm qua, Bộ trưởng Tô Lâm đã sang thăm Trung tâm chỉ huy của lực lượng Cảnh sát giao thông với hệ thống giám sát trên một số tuyến quốc lộ và tuyến cao tốc. Tất cả hành vi vi phạm sẽ được ghi nhận bằng thiết bị công nghệ. Việc ra quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia chỉ là một bước, nhưng khi đã lưu lại trên hệ thống giám sát thì yên tâm là không có chuyện tiêu cực.

- Phóng viên: Vậy toàn bộ hệ thống cao tốc, quốc lộ sẽ được trang bị hệ thống giám sát, thưa Đại tá?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Hiện cao tốc Hà Nội – Lào Cai đang bắt đầu đưa vào vận hành hệ thống giám sát. Tất cả thông tin liên quan, đặc biệt là vi phạm về dừng đỗ, tốc độ đều được ghi nhận bằng thiết bị công nghệ thay cho con người. Chúng tôi chỉ kiểm soát ở các trạm thu phí. Hiện nay, qua một số trạm thí điểm, đối với xe vi phạm, đến trạm thu phí sẽ có đèn cảnh báo và có biển số hiện lên cùng với báo hiệu về lỗi vi phạm.

Chúng tôi cho rằng dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử và xử phạt điện tử sẽ minh bạch hóa, khách quan toàn bộ quá trình hoạt động. Đây là yêu cầu bắt buộc và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an là lực lượng Cảnh sát giao thông phải thực hiện đi đầu trong thực hiện công nghệ số.

Cái khó hiện nay là phải thực hiện kết nối đồng bộ giữa các ngành, trong nội bộ ngành, đặc biệt sau này có dữ liệu quản lý dân cư sẽ cải cách rất nhiều. Vi phạm giao thông 1 năm gần 5 triệu trường hợp, nếu áp dụng công nghệ thông tin trong phát hiện các lỗi vi phạm, việc xử lý vi phạm sẽ tăng lên rất nhiều và chấp hành của người dân phải tốt hơn.

- Phóng viên: Ứng dụng công nghệ số vào giám sát điện tử là mục tiêu phải hướng đến, nhưng ông nghĩ sao về tính khả thi, khi mà thực tế cho thấy hiện  tỷ lệ phạt nguội là rất thấp?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Chúng tôi đã đề nghị Bộ Tư pháp xem lại các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vi phạm ghi bằng hệ thống công nghệ là chứng cứ trực tiếp để xác minh vi phạm, nhưng quy trình của chúng ta còn nhiều bước, chúng tôi phải mời được người vi phạm đó đến và thiết lập một biên bản vi phạm thì mới ra quyết định xử phạt được.

Chúng tôi đề nghị đầu tiên là ứng dụng công nghệ, hai là cải cách thể chế để hành vi được phát hiện và xử lý nghiêm minh, và người vi phạm phải có trách nhiệm đến cùng đối với hành vi vi phạm của mình thì sẽ giải quyết được vấn đề.

- Trân trọng cảm ơn Đại tá!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục