Xuân mới trên quê hương Đồng khởi

10:46' - 09/02/2024
BNEWS Khép lại năm Quý Mão với không ít khó khăn, người dân Bến Tre cùng nhân dân cả nước đã chuẩn bị tươm tất, chờ đón thời khắc chuyển giao sang năm mới với bao kỳ vọng.

Tết năm nay, Bến Tre có 55 điểm hội Xuân (đồng loạt diễn ra từ 29 tháng Chạp năm Quý Mão), 6 điểm bắn pháo hoa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.

 

Tại Bảo tàng tỉnh trên đường Hùng Vương (phường An Hội, thành phố Bến Tre) đã được trang trí cổng lá dừa, các tiểu cảnh hoa xuân, trải nghiệm "Món nướng dân gian", hoạt động giao lưu đờn ca tài tử, hát sắc bùa, nói thơ Vân Tiên, trưng bày hoa lan, cây kiểng, triển lãm họa tiết rồng trên đồ gốm, triển lãm ảnh ngoài trời, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật..., thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh.

Cùng nhóm bạn ghi lại những hình ảnh đặc sắc nhất trong trang phục áo dài truyền thống, em Võ Ngọc Diễm (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm) chia sẻ: "Chúng em đã lên kế hoạch từ nhiều ngày nay, cùng lựa chọn trang phục để đến các điểm ở trung tâm thành phố "check in" đón giao thừa. Tất cả đều có chung một niềm tin vào năm mới có nhiều khởi sắc, bản thân cũng sẽ tham gia tốt các phong trào thanh niên; nỗ lực học tập để đạt thành tích tốt, góp phần phát triển quê hương".

Còn đối với những người nông dân "chân lấm, tay bùn", quanh năm vất vả bên ruộng, vườn thì mơ ước lớn nhất là mưa thuận, gió hòa, vụ mùa bội thu, bán được giá để cuộc sống thêm phần sung túc mỗi độ Xuân về, Tết đến.

Với hơn 10.000 m2 đất trồng dừa khô nguyên liệu, canh tác theo hướng hữu cơ, nông dân Huỳnh Phúc Hưng (38 tuổi, thị trấn Giồng Trôm), bắt tay bón phân hữu cơ "cho cây ăn Tết". Năm qua giá dừa khô biến động liên tục, nhiều lúc giảm sâu và kéo dài, gây khó khăn cho người trồng, nhưng cận Tết Giáp Thìn, giá tăng nhẹ ở mức 70.000-75.000 đồng/chục (12 trái), giúp nông dân có điều kiện mua sắm, đón Tết đủ đầy hơn.

Đặc biệt, mới đây, cây dừa vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt trở thành cây công nghiệp chủ lực quốc gia. Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước với hơn 78.000ha, nên việc đưa cây dừa thành cây công nghiệp chủ lực có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Vị thế, tầm vóc của ngành dừa Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng sẽ được nâng lên ở trong nước và quốc tế. Ngoài ra, thương hiệu, uy tín các sản phẩm từ dừa được nâng cao, có cơ hội thâm nhập vào nhiều thị trường. Anh Huỳnh Phúc Hưng cũng kỳ vọng, địa phương sẽ có nhiều chính sách tâp trung đầu tư phát triển ngành dừa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu; quy hoạch vùng nguyên liệu, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, từ đó tăng giá trị của trái dừa, giá cả ổn định, giúp nông dân có thu nhập cao hơn.

Bến Tre xác định nông nghiệp là trụ cột, dừa là cây trồng chủ lực của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có gần 80.000 ha trồng dừa (chiếm hơn 40% diện tích cả nước), trong đó dừa công nghiệp là khoảng 75%, còn lại là dừa uống nước. Giá trị sản xuất ngành chế biến dừa năm 2023 ước đạt 3.750 tỷ đồng, tăng 2,74% so với cùng kỳ, chiếm 9,57% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 420 triệu USD, tăng 1,63% so với cùng kỳ, chiếm 27,45% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Theo Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến, năm 2023, toàn hệ thống chính trị tập trung phấn đấu thực hiện đạt và vượt 15/24 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Các chỉ tiêu cơ bản như thu ngân sách, GRDP bình quân đầu người, lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm, tỷ lệ đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới... đều đạt và vượt. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) tuy chưa đạt, nhưng trong bối chung của cả nước và nguồn lực hạn hẹp của tỉnh, mức tăng trưởng 5,16% là kết quả rất đáng khích lệ cho những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre trong suốt một năm vừa qua. Các công trình, dự án lớn như cầu Rạch Miễu 2, Khu công nghiệp Phú Thuận, dự án điện gió, tuyến đường bộ ven biển, cầu Đình Khao, cầu Tân Phú phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã và đang được triển khai. Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2050 Bến Tre "là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống".

Năm 2024, bên cạnh những cơ hội, thuận lợi, tỉnh vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến kinh tế, nhất là thị trường tiêu thụ và giá cả nông sản. Biến đổi khí hậu, hạn mặn, dịch bệnh... ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống nhân dân, trong khi nguồn lực đầu tư còn nhiều khó khăn.

Trước thềm năm mới, Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre kêu gọi các cấp, các ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy tinh thần "Đồng khởi mới" đoàn kết, thống nhất, tận dụng tối đa thời cơ, cơ hội phát triển, vượt qua khó khăn, thách thức. Bên Tre đồng thuận, đồng lòng, đồng loạt, quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Sắc Xuân đã ngập tràn, khoác chiếc áo rực rỡ trên mỗi con đường, ngõ phố; gõ cửa, đánh thức mỗi người, mỗi nhà, từng người dân quê hương Đồng khởi hôm nay với tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên sẽ góp phần nhân lên sức mạnh nội sinh, vượt qua thách thức, vững bước phát triển.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục