Xuân yên ấm nơi ngã ba Đông Dương

12:16' - 30/01/2020
BNEWS Hòa cùng không khí đón chào xuân mới, chính quyền và nhân dân huyện biên giới Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) cũng đang nô nức mừng xuân với những thành tựu đạt được trong năm 2019.

Sau gần 30 năm thành lập lại, huyện biên giới Ngọc Hồi đã và đang có những bước khởi sắc đáng tự hào. Kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

Thay đổi lớn nhất qua mỗi mùa xuân được thấy rõ chính là sự đi lên, thay da đổi thịt của các bản làng. Đến thăm xã Bờ Y những ngày đầu xuân để thấy rõ sự đổi thay, yên ấm qua từng nếp nhà sàn, cuộc sống của người dân nơi đây.

Nằm cách trung tâm thị trấn Plei Kần gần 20 km là xã Bờ Y- vùng đất ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào Kdong và Brâu. Từ năm 1992, theo chủ trương xây dựng kinh tế mới, nhiều dân tộc thiểu số phía Bắc đã đến sinh sống trên vùng đất này. Từ khi hình thành, cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nghề làm nương rẫy.

Lúc bấy giờ, cuộc sống người dân bữa đói, bữa no bởi đất đai nơi vùng biên giới khô cằn, nguồn lực phát triển không có. Song bằng ý chí, nghị lực, các dân tộc anh em sinh sống nơi đây đã khai hoang vỡ hóa, phủ xanh đất trống đồi trọc bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ sự đầu tư xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, đã tạo tiền đề để vùng đất biên giới Bờ Y vươn mình trỗi dậy, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Tôn, Bí thư Đảng ủy xã Bờ Y cho biết, Bờ Y là một xã có vị trí hết sức đặc biệt, có đường biên giới trải dài, vừa tiếp giáp với Lào lại vừa tiếp giáp với Campuchia. Cùng với hoạt động nhộn nhịp của cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã đem đến những tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế xã hội, giao lưu hợp tác với các nước. Phát huy những thế mạnh đó, trong những năm chính quyền và nhân dân xã đã luôn nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư...

Nhờ đó, đời sống đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,1 triệu đồng vào năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,26% (87 hộ) vào cuối năm 2019. Xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Các tiềm lực về quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường, củng cố; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được triển khai sâu rộng, có hiệu quả.

Việc thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về xã đã góp phần giải quyết tốt các vấn đề an ninh, trật tự. Những năm gần đây không còn phát sinh những vụ việc nào gây phức tạp ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa bàn. Mối quan hệ hữu nghị với các địa phương, đơn vị tiếp giáp Lào và Campuchia tiếp tục duy trì, phát triển tốt đẹp.

Hoạt động kết nghĩa giữa thôn Iệc- xã Pờ Y với bản Phu Cưa, cụm bản Xổm Bun (Lào), giữa Trường THCS xã Pờ Y với Trường THCS-THPT Nang Hèo (huyện Phu Vông-Lào) được duy trì thường xuyên và ngày càng phát triển tốt đẹp.

Có thể khẳng định, cứ qua mỗi mùa xuân, huyện Ngọc Hồi lại thêm phần khởi sắc. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người đạt khá. Sản xuất nông - lâm nghiệp - dịch vụ phát triển khá toàn diện. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư đúng mức.

Sự nghiệp giáo dục đào tạo có nhiều tiến bộ, quy mô, mạng lưới trường lớp các cấp học, bậc học được mở rộng. Hiện, toàn huyện có 36 cơ sở giáo dục với 16.470 học sinh. Có 20/36 trường đạt chuẩn quốc gia.

Hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền tiếp tục được đổi mới đã kịp thời phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện chính trị - xã hội của địa phương. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học được triển khai rộng khắp.

Hưởng ứng cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", đến nay tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu tổ, thôn văn hóa là 95%, tỷ lệ cơ quan văn hóa đạt trên 75%, tỷ lệ hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt 82%.

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện ngày càng tốt hơn, 100% xã, thị trấn của huyện có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được chú trọng; 100% gia đình chính sách trên địa bàn có mức sống trung bình trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 6%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm đạt 83%.

Đặc biệt, công tác xây dựng nông thôn mới, huyện Ngọc Hồi cũng đã gặt hái được rất nhiều thành tựu. Đến hết năm 2019, toàn huyện đã có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt từ 9 đến 15 tiêu chí.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội,  các lĩnh vực an ninh, quốc phòng cũng đạt được kết quả quan trọng. Ngọc Hồi là một trong những huyện đã hoàn thành công tác cắm mốc trên đất liền khu vực biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.

Sau gần 30 năm thành lập, để có được những kết quả như ngày hôm nay, đó là nhờ sự đoàn kết, nhất trí cao của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thống nhất cả về tư tưởng lẫn hành động, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ngọc Hồi sẽ khắc phục những hạn chế, vượt qua khó khăn thách thức, nắm bắt thời cơ, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng huyện Ngọc Hồi văn minh, hiện đại, đặc biệt quyết tâm xây dựng huyện Ngọc Hồi trở thành thị xã trong thời gian tới./.

Xem thêm:

>> Làng hoa giấy Thanh Tiên: Tô điểm mùa Xuân xứ Huế

>>Du khách du xuân cùng Vietravel

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục