Xuất hiện 2 vết nứt trên đê tả sông Hồng tại Hưng Yên

12:47' - 27/10/2018
BNEWS Do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài trong mùa mưa bão vừa qua, trên tuyến đê sông Hồng qua huyện Khoái Châu đã xuất hiện 2 vết nứt sạt mái đê phía sông.

Ngày 27/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang cho biết, tỉnh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, chấp thuận cho xử lý cấp bách sự cố nứt đê tả sông Hồng thuộc địa bàn 2 xã Dạ Trạch và Liên Khê, huyện Khoái Châu.

Do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài trong mùa mưa bão vừa qua, trên tuyến đê sông Hồng qua huyện Khoái Châu đã xuất hiện 2 vết nứt sạt mái đê phía sông.

Cụ thể: tại K91+250 đến K91+700 thuộc xã Dạ Trạch và K99+915 đến K100+410 thuộc xã Liên Khê đã bị 2 cung nứt, mỗi cung nứt có chiều dài gần 500m, cách mép mặt đê 0,5m về phía sông, chiều rộng các khe nứt rộng nhất khoảng 5cm.

Theo ông Hồ Trọng Khải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên, nguyên nhân sự cố trên được xác định là do mái đê thượng lưu dốc, đoạn đê vốn có nền địa chất xấu do chân đê là đầm ao, nên khi mưa lớn kéo dài dễ dẫn đến sạt lở và nứt. Nhiều năm trước, tại các địa điểm này cũng đã từng xảy ra sự cố tương tự.

Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu cho biết, trước sự cố trên, các đơn vị chức năng của huyện đã bước đầu xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật như phát quang mái chân đê và chân đê; đắp con trạch mặt rộng 1,4 m, chân rộng 9,7 m, cao 0,3 m chạy dài dọc trên mặt đê theo vết nứt, ngăn không cho nước mưa chạy vào khe nứt.

Dùng vải nilon che toàn bộ khu vực khe nứt và một phần mái đê phía sông theo chiều dài khe nứt. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến vết nứt, cắm biển báo, cấm xe trọng tải lớn đi vào khu vực có sự cố.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, để đảm bảo an toàn cho tuyên đê tả sông Hồng về lâu dài, tỉnh đã có phương án trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý khẩn cấp sự cố nứt sạt đê nói trên.

Đây là công trình đê điều cấp 1, có quy mô tổng chiều dài 945 m; được áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật chính để xử lý gồm đắp áp trúc mái đê, đắp cơ phản áp phía sông, dịch chuyển và trồng lại các bụi tre chắn sóng.

Việc gia cố này nhằm ngăn chặn tình trạng nứt, sạt lở phát sinh mở rộng; tăng cường ổn định an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa lũ hàng năm và an toàn giao thông toàn tuyến đê tả sông Hồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục