Xuất hiện tình trạng doanh nghiệp "bắt tay" người lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội

15:36' - 27/10/2017
BNEWS Theo ông Trần Dũng Hà (Bảo hiểm xã hội T.p Hồ Chí Minh), bắt đầu xuất hiện tình trạng doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động, chuyển sang hình thức hợp tác kinh doanh để trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Ngày 27/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tọa đàm “Đánh giá thực trạng và định hướng cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam”.
Trưởng phòng Chế độ chính sách Trần Dũng Hà cho biết, mới đây Công ty Taxi Vinasun đã cho 2.000 lao động nghỉ việc và chuyển toàn bộ lao động này sang hình thức hợp tác kinh doanh nhưng thực chất vẫn là làm việc cho Vinasun. Với việc không ký hợp đồng lao động, doanh nghiệp sẽ không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, vụ việc Taxi Vinasun chỉ là một hiện tượng nhưng hiện tượng này sẽ phát triển mạnh trong tương lai, tạo nên một quan hệ lao động mới.

Đó là giữa người lao động và doanh nghiệp dù thực chất vẫn có quan hệ lao động nhưng lại không ký hợp đồng lao động, mà điển hình là hình thức kinh doanh của Grab và Uber lâu nay. Như vậy, khi không có hợp đồng lao động thì chủ doanh nghiệp không thực hiện đóng bảo hiểm xã hội và đương nhiên người lao động sẽ không được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội của Nhà nước.

Điều này không chỉ tác động đến nguồn thu của quỹ Bảo hiểm xã hội mà còn ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động sau này. Do đó, trong thời gian tới, chính sách Bảo hiểm xã hội cần có phương thức quản lý đối với loại hình quan hệ lao động mới này.
Ông Dương Văn Hào, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay vẫn chưa hấp dẫn khiến tỷ lệ người dân tham gia thấp. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi các chế độ được hưởng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó ít nhất ngoài 2 chế độ tử tuất và hưu trí, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng cần được hưởng thêm một số chế độ khác như ốm đau, thai sản…
“Không những bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hấp dẫn mà bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng chưa nhận được sự tin tưởng của người dân”, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ.
Ông Quảng cho hay, Việt Nam hiện có 13 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chỉ chiếm 24,9% tổng lực lượng lao động, tỷ lệ này là quá ít.

Trong khi đó, số lượng người lao động nhận chế độ trợ cấp một lần ngày càng tăng cao. Cụ thể, năm 2016 có 665.307 lượt người nhận hưởng chế độ trợ cấp một lần nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017 con số này đã là 536.864 lượt. Bên cạnh đó, ông Quảng cũng cho biết, đã xuất hiện tình trạng người lao động và chủ doanh nghiệp ngầm thỏa thuận với nhau để cùng trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Tại tọa đàm, đại diện Bảo hiểm Xã hội các địa phương khu vực phía Nam đề xuất chỉnh sửa một số quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội như cho phép những người đã hưởng trợ cấp một lần được trả lại tiền và tiếp tục đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu phí đóng bảo hiểm xã hội theo tổng thu nhập nhưng giảm tỷ lệ đóng, chế tài xử lý mạnh tay đối với các trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội…
Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận, các quy định về chính sách Bảo hiểm xã hội hiện vẫn còn nhiều điều không hợp lý, còn bất cập và sẽ kiến nghị sửa đổi trong thời gian tới.
“Nếu chúng ta không xử lý sớm các vấn đề này, thì nguy cơ về lâu dài quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối. Do đó, chính sách Bảo hiểm xã hội cần được đổi mới trong giai đoạn tới nhằm đáp ứng xu hướng gia tăng dân số, tăng tuổi thọ, già hóa dân số và đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Lê Quân nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục