Xuất khẩu có thể giảm sâu trong thời gian tới

18:53' - 12/10/2015
BNEWS Cuối năm và đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu có khả năng giảm sâu do doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh và giữ vững thị phần tại các thị trường xuất khẩu.
Xuất khẩu đối mặt với khó khăn trong những tháng cuối năm và đầu năm tới. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Tại Hội nghị "Tình hình xuất khẩu 9 tháng năm 2015 và triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu" tổ chức ngày 12/10 do Bộ Công Thương tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh,  nhiều hiệp hội và doanh nghiệp cho rằng, những tháng cuối năm và thậm chí đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu có khả năng giảm sâu do doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh và giữ vững thị phần tại các thị trường xuất khẩu.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, mặc dù 9 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014, nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có nhiều nhóm ngành bị sụt giảm thị trường do sức ép về giá.

Đơn cử, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, ước đạt 3,93 tỷ USD, giảm 45,5%; nhóm ngành nông sản, thủy sản, ước đạt 15,14 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2014...

Phân tích nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của một số nhóm ngành hàng, các hiệp hội cho rằng do tác động suy yếu của một số nền kinh tế; thị trường tài chính biến động, đặc biệt đồng USD lên giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có những đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu với Việt Nam.

Bên cạnh đó, giá hàng hóa trên thị trường thế giới ở mức thấp, nguồn cung các nước xuất khẩu dồi dào, tạo sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường đã ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết xuất khẩu ngành tôm 9 tháng năm 2015 giảm 28,4% so với cùng kỳ là do tác động của đồng VND có giá cao hơn một số đồng tiền khác trên thị trường, đặc biệt là đối với các đối thủ cạnh tranh về xuất khẩu.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Thái Lan phá giá đồng tiền 18%, Malaysia giảm 32%, Ấn Độ giảm 20%… nên có thời điểm mặt hàng tôm xuất khẩu Việt Nam có giá đắt nhất trên thế giới. Ngoài ra, hiện tại giá thành tôm xuất khẩu Việt Nam đắt hơn giá các đối thủ cạnh tranh tại những thị trường xuất khẩu khoảng 20%.

Lý giải nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cao su giảm, bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, nhấn mạnh từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đa dạng thị trường, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc từ 70% xuống còn 50%, đồng thời chuyển sang các thị trường Ấn Độ, Indonesia... nhưng tình hình xuất khẩu của ngành này đang gặp khó khăn do giá giảm sâu vì cung vượt cầu, dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng cao.

Các hiệp hội và doanh nghiệp thống nhất kiến nghị các Bộ, ngành và doanh nghiệp cần phối hợp để phát huy hơn nữa các giải pháp đối với hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo các doanh nghiệp, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do. Mặt khác, Bộ, ngành cần đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo thuận lợi hóa thương mại.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Tôn Hoa sen, cho biết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi hàng rào thuế quan được cắt giảm thì các nước có xu hướng áp dụng nhiều hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại.

Vì vậy, hiện nay hàng hóa Việt Nam không chỉ bị cạnh tranh gay gắt về giá, mà còn đối mặt với nguy cơ mất thị phần do các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu.

Các Bộ, ngành cần có những chương trình hành động thiết thực, giúp doanh nghiệp Việt Nam hạn chế rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu, tìm được giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhằm tránh phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường truyền thống.

Đồng quan điểm, bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, nhấn mạnh Bộ Công Thương phải thể hiện vai trò của mình một cách mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, theo dõi thường xuyên và có cơ chế phù hợp đối với doanh nghiệp nhóm ngành hàng nông - lâm - thủy sản.

Doanh nghiệp hoạt động trong nhóm ngành hàng này, đang rất khó khăn và đối diện với nguy cơ khó tồn tại. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ nhất là về vốn, hành lang pháp lý, tổ công tác kết ngành để hỗ trợ xuất khẩu, bám sát từng ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các vùng, miền khác nói chung./.

Mỹ Phương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục