Xung đột Israel-Hamas làm dấy lên nỗi lo ngại mới về lạm phát trên toàn cầu

05:30' - 14/10/2023
BNEWS Cuộc xung đột ở Trung Đông có thể làm trầm trọng thêm một loạt rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, đặc biệt nếu xung đột gây ra sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng, giá cả sẽ tăng.

Theo Báo liên hợp của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), cuộc xung đột Israel-Hamas, đang nhen nhóm tạo ra một cơn bão mới trên thị trường toàn cầu, “thắp” lại nỗi lo lạm phát dai dẳng, khi thị trường tài chính, vốn đã rơi vào hỗn loạn do lãi suất tăng mạnh, phải chịu thêm áp lực do giá dầu leo dốc và tình trạng bất ổn địa chính trị.

Những ảnh hưởng ban đầu

 

Trang hkcna.hk cho biết, xung đột Israel-Hamas tiếp tục leo thang, kéo đồng tiền Israel giảm hơn 3%, chạm mức đáy mới trong 7 năm. Để đối phó với tình hình Ngân hàng trung ương Israel ngay lập tức đã bán ra tổng cộng 45 tỷ USD dự trữ ngoại hối, để ổn định tỷ giá trong nước.

Trong giai đoạn này, dự kiến cuộc xung đột sẽ không trực tiếp tạo ảnh hưởng lớn đến thị trường kinh tế châu Âu hoặc Mỹ. Nhưng, không loại trừ khả năng sẽ có bất ổn đối với thị trường thế giới, đặc biệt là khi tính biến động tăng mạnh. Tài sản tài chính thu nhập cố định ngắn hạn sẽ môt lần nữa trở thành nơi trú ẩn an toàn cho dòng vốn quốc tế, những ngành nghề có tính chu kỳ sẽ trở thành tiêu điểm. Lạm phát và tăng trưởng kinh tế đều sẽ tiếp tục chậm lại, rủi ro địa chính trị sẽ trở thành tiêu điểm của thị trường toàn cầu.    

Điều mà cuộc xung đột ở Trung Đông có thể gây tổn hại lớn là tâm lý chung của thị trường quốc tế, làm trầm trọng thêm nỗi lo của nhà đầu tư về sự leo thang giá cả hàng hóa chiến lược, nhất là dầu mỏ. Những tuần gần đây, giá dầu toàn cầu biến động rất lớn, nhiều triển vọng gia tăng, ảnh hưởng đến giá cả sinh hoạt và sức mua của người tiêu dùng.

Nếu xung đột lan rộng…

Mặc dù cục diện địa chính trị hiện nay của khu vực Trung Đông khác xa đầu thập niên 1970, nhưng Israel được cho là sẽ phản ứng mạnh mẽ trong cuộc xung đột lần này. 

Nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng cuộc xung đột có thể làm trầm trọng thêm một loạt rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, bao gồm cả sự phân mảnh thương mại, đặc biệt nếu xung đột gây ra sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng, từ đó cũng có thể đẩy giá cả lên cao.

Nếu cuộc xung đột tiếp tục mở rộng hơn nữa, các nước Trung Đông khác có thể bán một lượng lớn nợ của Mỹ để duy trì ổn định tỷ giá hối đoái trong khu vực, điều này không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ tăng lãi suất của Mỹ mà thậm chí có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế mới trên toàn cầu.

Phó Giáo sư Mak Sui Choi, thuộc Khoa Kế toán, kinh tế và tài chính của Trường quản trị kinh doanh Đại học Baptist Hong Kong (Trung Quốc), cho biết trong trường hợp hàng trăm tỷ trái phiếu của Mỹ bị bán ra thì lạm phát sẽ tăng trở lại, rất có khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất để đối phó với tình hình đó. Kịch bản này sẽ khiến tài sản toàn cầu tiếp tục giảm, không loại trừ khả năng gây ra một đợt khủng hoảng kinh tế mới trên toàn cầu.

Nhìn lại lịch sử có thể thấy rằng hầu hết các cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông trước đây thường khiến giá dầu tăng và giá cổ phiếu giảm. Điều thu hút sự chú ý trong cuộc xung đột lần này là dầu mỏ - loại tài sản có thể xuất hiện phản ứng mạnh với cuộc xung đột - sẽ không gây ảnh hưởng lan rộng sang các loại tài sản khác.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư Mak Sui Choi cho rằng tác động kinh tế của cuộc xung đột ở Trung Đông trước hết là đối với các nước có liên quan, tiếp theo là cả khu vực nơi cuộc xung đột xảy ra, nếu không có bên thứ ba tham gia thì tác động sẽ không quá lớn, nhưng nếu có bên thứ ba tham gia và vùng xung đột mở rộng thì không thể loại trừ khả năng gây ra một đợt khủng hoảng kinh tế mới trên toàn cầu.

Phó Giáo sư Mak Sui Choi lấy ví dụ từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo ông, cả hai nước đều nằm ở châu Âu nên ảnh hưởng gây ra chủ yếu là ở lục địa này. Do cân nhắc về địa chính trị, các nước phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, hạn chế các giao dịch kinh doanh của Nga và chuyển hướng sang các nơi khác trên thế giới, từ đó đẩy giá năng lượng tăng cao. Mặt khác, Ukraine là nước cung cấp lương thực lớn của thế giới, xung đột đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá hàng lương thực ở châu Âu. Chính yếu tố tăng giá của hai mặt hàng thiết yếu, năng lượng và lương thực đã trở thành nguyên nhân chính đẩy lạm phát toàn cầu tăng cao.

Phó Giáo sư Mak Sui Choi giải thích rằng vòng xung đột mới giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đang diễn ra ở Trung Đông, nên khu vực này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định. Nếu xung đột tiếp tục leo thang, nền kinh tế của toàn khu vực sẽ không thể phát triển bình thường.

Nguy cơ xuất hiện làn sóng lạm phát thứ ba

Rủi ro nghiêm trọng nhất mà kinh tế toàn cầu đối diện là làn sóng lạm phát lần thứ ba (làn sóng lạm phát hiện nay đã dần suy yếu). Rủi ro này rất có thể trở nên hiện hữu hơn do căng thẳng gia tăng ở Trung Đông sẽ đẩy giá năng lượng lên cao, đồng thời làm suy yếu nỗ lực kiềm chế lạm phát của Ngân hàng trung ương các nước.  

Chuyên gia Dư Lăng Khúc, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu phát triển tài chính và tài sản nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thuộc Viện nghiên cứu phát triển tổng hợp ở Thâm Quyến (Trung Quốc), giải thích rủi ro địa chính trị gia tăng có thể thúc đẩy nhà đầu tư chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, USD, trái phiếu Mỹ… Tuy nhiên, vấn đề thị trường quốc tế cần xác định là liệu cuộc xung đột Trung Đông lần này có thúc đẩy nhà đầu tư vội vàng tìm kiếm các tài sản an toàn, tránh nắm giữ các khoản nợ lợi suất cao hay không, hoặc đây sẽ là ngòi nổ cho một đợt hoảng loạn lạm phát mới?   

Kinh nghiệm trước đây cho thấy chỉ cần xuất hiện biến động quốc tế thì đồng USD sẽ mạnh lên. Trước đây, mỗi khi xung đột xảy ra, bề ngoài dường như không quan hệ trực tiếp với Mỹ, do đó đồng USD luôn là tài sản "trú ẩn" an toàn tốt nhất trong quá khứ. Liệu đồng USD vẫn có thể được nhà đầu tư toàn cầu xem là “tài sản trú ẩn an toàn quan trọng” trong lần này hay không có lẽ là một dấu hỏi lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục