Ý nghĩa mới của Ngày Valentine đối với phái yếu

19:54' - 13/02/2019
BNEWS Ở Nhật Bản, Ngày Lễ tình nhân Valentine (14/2) hằng năm có thông lệ nữ giới phải tặng những món quà chocolate cho đồng nghiệp nam.

Nhưng ngày càng nhiều phụ nữ tự giải phóng mình khỏi thông lệ này và thay vào đó, họ biến ngày lễ cho các cặp tình nhân thành ngày nâng niu chính mình.

Hoa cho ngày Lễ Tình yêu 14/2 được bày bán. Ảnh: THX/ TTXVN

Xu hướng mới đồng nghĩa với việc sẽ có sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng cho Ngày Valentine, tạo ra cả cơ hội và thách thức cho ngành sản xuất chocolate tại xứ Phù Tang.

Một tuần trước ngày 14/2, tầng 7 trung tâm thương mại Ginza Mitsukoshi đông nghẹt phụ nữ kéo tới các quầy bán chocolate với đủ loại nhập ngoại.

Nhưng nhiều người trong số này không mua để làm quà tặng mà họ muốn tự thưởng cho chính mình những loại chocolate ngoại thường chỉ xuất hiện vào dịp Valentine.

Dịp lễ tình nhân Valentine hằng năm là cơ hội kinh doanh lớn tại Nhật Bản bởi đây là lúc các phụ nữ "xứ sở Mặt trời mọc" sẵn sàng mở hầu bao để mua cho người đàn ông của đời mình- có thể là chồng, bạn trai, bố, bạn bè hoặc đồng nghiệp nam- một hộp chocolate. Ước tính, thị trường có thể thu về 126 tỷ yen (1,1 tỷ USD) trong dịp Valentine năm nay.

Con số này được cho là giảm 3% so với năm trước, một phần là vì tâm lý khách hàng thay đổi, các sếp nam có thể bị hiểu là lạm dụng quyền lực nếu nhận quà từ nhân viên nữ.

Tâm lý này được thổi bùng kể từ sau khi hãng sản xuất bánh kẹo Godiva Japan Inc. gây chú ý khi đăng tải một trang quảng cáo do chính Chủ tịch công ty Jerome Chouchan ký tên với nội dụng kêu gọi chấm dứt tình trạng tặng chocolate bắt buộc.

Dựa trên tinh thần người tặng quà nên cảm thấy vui vẻ và muốn tiếp tục thực hiện trong những năm tới, Chủ tịch Chouchan khẳng định quảng cáo này nhằm khuyến khích người dùng lựa chọn và tặng chocolate một cách tự nguyện và hạnh phúc.

Khi tinh thần được giải phóng, phụ nữ Nhật bắt đầu chi tiêu nhiều hơn cho việc mua quà cho bản thân và những người bạn nữ.

Điều này được phản ánh tại các quầy bán chocolate khi người mua thường là những khách nữ tìm cơ hội gắn kết với nhau.

Những hộp chocolate lớn, đắt đỏ, giá có thể lên tới hơn 10.000 yen xuất hiện ngày càng nhiều hơn vì đây là sản phẩm mà các phụ nữ có thể ăn chung khi tổ chức các buổi tiệc tại gia.

Hình ảnh những hộp chocolate bắt mắt cũng được đăng tải nhiều hơn trên các nền tảng xã hội như Instagram.

Ngành sản xuất chocolate Nhật Bản cũng hy vọng xu thế mới sẽ sớm bù lại phần giảm trong nhu cầu mua chocolate làm quà tặng bắt buộc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục