Yếu tố nào giúp các doanh nghiệp bán lẻ bứt tốc trong năm 2023?

11:02' - 20/01/2023
BNEWS Là một trong những ngành bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19, ngành bán lẻ đang từng bước phục hồi và tăng trưởng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay do nhu cầu mua sắm trở lại của người dân.

Nhằm tận dụng tối đa đà tăng trưởng, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà bán lẻ thực hiện nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng, đồng thời ngành bán lẻ cũng đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trong năm 2023.

Kích cầu tiêu dùng

Theo kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), hiện có trên 53,8% đơn vị đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch COVID-19. Dựa trên đà phục hồi này, cùng với những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, 91,7% số doanh nghiệp tin tưởng triển vọng kinh doanh năm 2023 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, ngành bán lẻ có được kết quả này là nhờ đòn bẩy từ sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, sự hồi phục ở mọi lĩnh vực đã trở lại. Nhu cầu của người tiêu dùng cũng đang phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% và Chương trình phục hồi kinh tế được Quốc hội thông qua cũng tác động tích cực đến ngành bán lẻ Việt Nam.

Trong dịp đầu năm mới 2023 và Tết Quý Mão, nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng hay tháng khuyến mại cũng đang được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và mua sắm gia tăng.

Chị Trần Thị Sáu (ngụ phường 9, quận Gò Vấp Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, dịp Tết năm nay hoạt động mua sắm trở lại bình thường như trước đại dịch COVID-19, các siêu thị, trung tâm thương mại có nhiều chương trình khuyến mại với nhiều loại hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân. Các mặt hàng phổ biến như giày dép, quần áo đều có chương trình giảm giá, có nơi giảm tới 50%, hoặc ưu đãi mua 1 tặng 1,…

Các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh luôn thu hút rất đông người dân đến tham quan, mua sắm, ăn uống trong dịp Tết như: Giga Mall Phạm Văn Đồng, Vincom Đồng Khởi, Aeon Mall, E-mart... Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đều xem cuối năm là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, bởi đây là giai đoạn có thể đóng góp 30 - 40% doanh số cả năm.

Thực tế, sau ba năm đại dịch COVID-19, xu hướng tiêu dùng của người dân thay đổi khá rõ nét. Các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi là nơi có sản phẩm đảm bảo chất lượng và giá cả hàng hóa phù hợp, cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn ngày càng được ưa chuộng và trở thành điểm đến mua sắm yêu thích của người tiêu dùng.

Theo bà Vũ Thị Hậu, hiện các nhà bán lẻ đầu tư nhiều cho công nghệ, nhân lực để đáp ứng yêu cầu; các nhà sản xuất cũng tận dụng các website của chính doanh nghiệp mình, các trang thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh tiêu thụ. Đây cũng là xu hướng của ngành bán lẻ trong thời gian tới, đặc biệt với các mặt hàng nông sản.

Các giải pháp thúc đẩy phát triển

Trong năm 2022 vừa qua, mặc dù ngành bán lẻ Việt Nam chịu nhiều tác động từ tình hình kinh tế thế giới, nhưng các giải pháp bình ổn giá đã phát huy tác dụng, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ kích cầu tiêu dùng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng vừa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng cuối năm và được vay vốn lãi suất ưu đãi. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp bán lẻ có nhiều điều kiện bứt tốc ngay những ngày đầu năm và triển vọng bứt phá trong năm 2023.

Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2023; trong đó đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 8 - 9% so với năm 2022.

Theo đó, năm 2023, Bộ Công Thương tăng cường kết nối cung cầu, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường. Bộ Công Thương phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết, hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch. Đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết, hiệp hội cũng đang xây dựng Đề án chuyển đổi số của ngành bán lẻ. Chuyển đổi số trong bán lẻ giúp doanh nghiệp thanh toán nhanh hơn, nhờ hình thức tự động thanh toán tại các cửa hàng, siêu thị. Cụ thể, doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ AI và công nghệ nhiệt hạch cảm biến để tự động hóa quy trình thanh toán. Nhờ đó, sẽ giúp khách hàng có những trải nghiệm mua sắm tuyệt vời hơn,…

Bên cạnh đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trung tâm thương mại hoạt động lâu năm như Diamond Plaza, Hùng Vương Plaza đang được cải tạo với thiết kế hiện đại để phục vụ khách thuê và người tiêu dùng. Đồng thời, một số trung tâm mua sắm lớn khác cũng có kế hoạch cải tạo lại. Dự kiến đến năm 2025, thị trường bán lẻ Thành phố Hồ Chí Minh có thêm 398.000 m2 nguồn cung từ 27 dự án, nằm tập trung tại các quận có mật độ dân số cao như Quận 8 và Gò Vấp.

Bộ Công Thương còn khuyến nghị, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng trong phương thức mua sắm đặt ra cho các nhà bán lẻ trong nước phải thay đổi phương thức tổ chức để giữ được thị phần, giữ được lợi thế “sân nhà”, trước mắt là tái cơ cấu và gia tăng sự hiện diện ở phân khúc cửa hàng.

Ngoài ra, muốn cạnh tranh hiệu quả trong tình hình mới, cùng với những kênh bán hàng truyền thống, nhà bán lẻ cần khẩn trương chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật nhanh nhạy ứng dụng thương mại điện tử, khai thác sâu các kênh bán hàng trực tuyến, tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục