Yếu tố quyết định sự phục hồi kinh tế Thái Lan

06:30' - 23/11/2024
BNEWS Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có thể đối mặt với rủi ro suy giảm nếu Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump theo đuổi các chính sách thương mại quyết liệt mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
                                 

Ông Trump đã tiến hành chiến dịch tranh cử của mình theo chủ đề "Nước Mỹ trên hết", cam kết đánh thuế từ 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và 60% trở lên đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Ông lập luận rằng mức thuế nhập khẩu cao sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ và thúc đẩy đầu tư vào nước này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan lạc quan cho rằng nước này sẽ không bị ảnh hưởng. Ông Pichai đánh giá: “Thái Lan phải định vị tốt để giữ thái độ trung lập, hành động như 'Thụy Sỹ của ASEAN', thu hút mọi người đầu tư và giao thương”.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế và phân tích lo ngại rằng thuế quan cao sẽ gây tổn hại cho cả kinh tế Mỹ và các nền kinh tế khác. Chủ tịch Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan, ông Supavud Saicheua, nhấn mạnh:“Nếu ông Trump giữ lời hứa áp thuế, Thái Lan sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3% vào năm tới”. Chuyên gia này đồng thời cảnh báo thêm rằng “do thặng dư thương mại lớn với Mỹ vào năm ngoái, Thái Lan có thể là một trong 20 quốc gia vào tầm ngắm của Chính phủ Mỹ dưới thời ông Trump”.

* Lịch sử lâu đời về quan hệ thương mại và đầu tư

 

Hiệp ước Hữu nghị và Quan hệ Kinh tế Mỹ-Thái Lan năm 1833, được gọi tắt là Hiệp ước Hữu nghị, là nền tảng của quan hệ kinh tế và mang lại cho những nhà đầu tư Mỹ nhiều lợi thế so với các nhà đầu tư khác đến từ những quốc gia không có hiệp định thương mại tương tự với Thái Lan.

Ví dụ, các công ty Mỹ có thể sở hữu 100% vốn và được hưởng "quy chế đãi ngộ quốc gia". Nhưng tất cả các doanh nghiệp đều phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp nước ngoài năm 1972, luật này vẫn bảo vệ các doanh nghiệp địa phương trong lĩnh vực dịch vụ.

Các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả người Mỹ, từ lâu đã kêu gọi Thái Lan tự do hóa các dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm và dịch vụ chuyên nghiệp.

Nhà khoa học chính trị tại Đại học Thammasat bà Pongkwan Sawasdipakdi dự báo: “Dưới thời ông Trump, quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Thái Lan sẽ không dựa trên tình bạn, mà sẽ mang tính giao dịch — đáp ứng lợi ích của Mỹ”. Tuy nhiên, bà Pongkwan lưu ý thêm rằng Thái Lan có thể đủ khả năng để thực hiện thỏa thuận kinh doanh với các quốc gia khác.

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
* Cuộc chiến thương mại leo thang

           

Nếu cuộc chiến thương mại leo thang vào năm tới, Thái Lan sẽ khó thúc đẩy nền kinh tế và đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 3-4%, tăng so với mức ước đạt 2-2,8% trong năm nay. Xuất khẩu của Thái Lan sang Mỹ có giá trị khoảng 48 tỷ USD mỗi năm, chiếm gần 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Do đó, theo ông Supavud, bất kỳ rào cản thương mại nào do Mỹ dựng lên đều sẽ tác động đáng kể đến xuất khẩu của nước này. Giải pháp cho vấn đề này là tìm kiếm các thị trường khác, nhưng đó không phải là điều dễ làm.

Ông Supavud cảnh báo: “Nếu các quốc gia khác phải đối mặt với mức thuế quan cao của Mỹ, nền kinh tế của họ cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, kéo theo sức mua thấp hơn kể cả đối với hàng hóa của Thái Lan”.

Một số mặt hàng, chẳng hạn như thực phẩm, có thể được miễn thuế quan cao, vì Chính phủ Mỹ có thể không muốn giá hàng tiêu dùng tăng cao. Ông Supavud gợi ý rằng khi ông Trump tập trung vào việc tạo ra các rào cản thuế quan đối với hàng hóa, Thái Lan có thể cần xuất khẩu nhiều dịch vụ hơn, chẳng hạn như du lịch và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

* Thay đổi trong mô hình thương mại

Một kịch bản khác là Trung Quốc sẽ bán phá giá hàng hóa ở các thị trường khác, bao gồm cả Thái Lan, như họ đã làm gần đây, nếu Mỹ áp dụng mức thuế trừng phạt cao đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Việc các thị trường tràn ngập sản phẩm Trung Quốc với giá rẻ sẽ gây tổn hại cho cả ngành công nghiệp của Thái Lan và thị trường việc làm.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai cho biết chính phủ nước này đã thành lập một bộ phận chuyên trách để giám sát vấn đề này. Ông Pichai nhấn mạnh: "Trong ba tháng qua, chính phủ đã thực hiện thành công các biện pháp giúp giảm 35% các sản phẩm nhập khẩu chất lượng thấp và giá rẻ".

Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã tự do hóa đáng kể danh mục đầu tư ở nước ngoài, giúp các nhà đầu tư có tổ chức hoặc nhà đầu tư đơn lẻ phòng ngừa rủi ro và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Nhiều người Thái Lan đầu tư vào thị trường chứng khoán và trái phiếu tại Trung Quốc, Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, châu Âu và Mỹ thông qua các quỹ tương hỗ hoặc giao dịch trực tiếp.

Theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, tính đến ngày 10/11, danh mục đầu tư của Thái Lan ở nước ngoài là rất lớn, ước đạt 96,7 tỷ USD. Các điểm đến hàng đầu bao gồm Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh (30 tỷ USD), Mỹ (16,4 tỷ USD), ASEAN (11,5 tỷ USD), Nhật Bản (6,9 tỷ USD), Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong (3,5 tỷ USD), Trung Quốc (2 tỷ USD) và Hàn Quốc (1,6 tỷ USD).

Với một cuộc chiến thương mại đang đến gần, thị trường tài chính có thể thay đổi hoàn toàn khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025. Ông Paiboon Nalinthrangkurn, Tổng Giám đốc điều hành tại TISCO Securities cho biết: "Các nhà đầu tư có thể cần điều chỉnh danh mục đầu tư của mình, nhưng sẽ mất thời gian để các chính sách của ông Trump có hiệu lực".

Ông Paiboon chỉ ra rằng, trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình, phải mất khoảng một năm trước khi ông Trump áp dụng đợt thuế quan đầu tiên đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Thị trường dự đoán rằng nếu lạm phát đảo ngược xu hướng giảm hiện tại, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất thêm nữa hoặc thậm chí tăng lãi suất để chống lại áp lực lạm phát. Theo một số nhà phân tích, khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt lên mức cao kỷ lục, bong bóng tài sản có thể xuất hiện vào năm tới.

Ông Trump đã hứa sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống còn 15%, điều này sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán. Trong khi đó, ông Kongkiat Opaswongkarn, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Asia Plus Group, đã hạ thấp rủi ro bong bóng tài sản, khi cho rằng cổ phiếu của Mỹ mang lại lợi nhuận cao và khi giá tăng, các nhà đầu tư có thể bán một số cổ phiếu và đợi mua lại khi giá giảm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục