Yếu tố tạo áp lực cho tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt

17:25' - 11/05/2024
BNEWS Theo các chuyên gia, tỷ giá vẫn đang là ẩn số cần được theo dõi và có giải pháp chủ động, linh hoạt, nhưng những yếu tố tạo áp lực cho tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt trong thời gian tới.

Tỷ giá giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ (USD/VND) trong nước vẫn nóng trong tuần qua. Theo các chuyên gia, tỷ giá vẫn đang là ẩn số cần được theo dõi và có giải pháp chủ động, linh hoạt, nhưng những yếu tố tạo áp lực cho tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt trong thời gian tới.

 

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa USD/VND là 24.271 VND, tăng 26 đồng so với ngày đầu tuần (ngày 6/5).

Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng là 25.484 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.057 VND/USD.

Giá USD tại BIDV được niêm yết ở mức 25.184 - 25.484 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 27 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với ngày đầu tuần (ngày 6/5).

Tại Vietcombank, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức  25.154 - 25.484 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 37 đồng ở chiều mua vào và tăng 27 đồng ở chiều bán ra so với đầu tuần (6/5).

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, lạm phát tháng 3 tại Mỹ tăng vượt dự báo đã làm thị trường lo ngại về kịch bản Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất điều hành lâu hơn. Hơn nữa, xác suất một số ngân hàng trung ương lớn (tiêu biểu là ECB) cắt giảm lãi suất sớm hơn Fed đang tăng lên.

Điều này sẽ khiến chỉ số DXY tiếp tục duy trì sức mạnh trong những tháng tới, qua đó tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá trong nước. Ngoài ra, giá vàng quốc tế lẫn trong nước vẫn duy trì đà tăng cũng làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá. Rõ ràng ở thời điểm hiện tại, vấn đề tỷ giá là một rủi ro cần lưu ý của thị trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã có những chỉ đạo kiểm soát bình ổn thị trường vàng; đồng thời, những yếu tố vĩ mô tích cực sẽ hỗ trợ như thặng dư thương mại tích cực, khi lũy kế 4 tháng năm 2024 đạt 8,4 tỷ USD (gấp 2 lần so với cùng kỳ), dự trữ ngoại hối vẫn đang ở mức tốt và dự kiến đạt 110 tỷ USD trong năm 2024.

Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh đánh giá: Tỷ giá của Việt Nam đang chịu một số áp lực lớn như: Fed do dự hạ lãi suất hay không trong bối cảnh lạm phát vẫn đang ở mức cao có thể khiến đồng USD lên giá so với rất nhiều các đồng tiền khác, bao gồm đồng Việt Nam. Vì vậy, áp lực đối với tỷ giá hối đoái của Việt Nam theo đó sẽ tiếp tục dâng cao. Trong khi Mỹ, các nước châu Âu và nhiều nền kinh tế phát triển khác liên tục tăng lãi suất trong mấy năm qua, thắt chặt chính sách tiền tệ thì ở Việt Nam chỉ tăng 2 lần vào năm 2022, sau đó giảm đến 4 lần vào năm 2023. Điều này cũng khiến đồng Việt Nam mất giá so với các đồng tiền chủ chốt, bao gồm đồng USD.

TS Vũ Đình Ánh  cho rằng, đối với tỷ giá hối đoái, cần có dự báo sớm để ứng phó kịp thời trước những quyết định về chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

"Chúng ta cũng hoàn toàn có thể can thiệp trực tiếp tới tỷ giá thông qua bán ngoại tệ. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam là đạt trên dưới 100 tỷ USD và như vậy chúng ta đang có công cụ rất tốt để can thiệp vào thị trường. Chưa kể các yếu tố về cán cân thương mại, cán cân vốn hay cán cân thanh toán vẫn trong chừng mực nhất định, có những yếu tố tích cực", TS Vũ Đình Ánh bày tỏ.

Ngoài ra, chính sách tỷ giá hối đoái cần phải được xem xét, đánh giá lại về tác động của tỉ giá hối đoái đối với tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, đầu tư, đối với các kênh thu hút nhà đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp ở nước ngoài vào Việt Nam. Căn cứ vào đó để có biện pháp can thiệp một cách đúng lúc, mức độ hợp lý.

Theo các chuyên gia Ngân hàng BIDV, tính chung 4 tháng, tỷ giá liên ngân hàng tăng 4,39%, tỷ giá trung tâm tăng 1,59%, chủ yếu là do sự tăng giá của đồng USD, chênh lệch lãi suất VND/USD vẫn duy trì ở mức âm; nhu cầu thanh toán ngoại tệ tăng lên cùng với đà tăng trưởng nhập khẩu và chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, tỷ giá được kỳ vọng sẽ ổn định hơn vào nửa cuối năm 2024 khi Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất (dự kiến cuối quý 3); đồng thời Ngân hàng Nhà nước có thểt iếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, đồng bộ nhiều công cụ can thiệp bình ổn khi cần thiết

Trong khi đó, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,09%, đạt mốc 105,31.

Các nhà đầu tư đang đánh giá báo cáo việc làm yếu hơn dự kiến của Mỹ, một dấu hiệu nữa cho thấy nền kinh tế nước này đang từng bước chậm lại, làm giảm lo ngại rằng các thị trường sẽ chịu tác động lớn do lạm phát cao và tăng trưởng thấp.

Chủ tịch Fed tại Chicago, Austan Goolsbee, cuối tuần trước nói rằng các số liệu bổ sung như báo cáo việc làm tháng 4/2024 cho thấy nền kinh tế Mỹ không quá nóng, từ đó tăng khả năng hạ lãi suất trong năm nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục