“Lực bất tòng tâm” trước nắng hạn

09:27' - 30/03/2016
BNEWS Hạn hán khắc nghiệt, liên tục trong những năm gần đây khiến không ít những nông dân các vùng phải bỏ ruộng đi xa xứ.
“Lực bất tòng tâm” trước nắng hạn. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Từ cuối năm 2014 đến nay, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở Khánh Hòa đã không được canh tác.

Hạn hán khắc nghiệt, liên tục trong những năm gần đây khiến không ít những nông dân các vùng phải bỏ ruộng đi xa xứ.

Vụ Hè Thu 2016 đang tới gần, nhưng những tín hiệu về nguồn nước tưới càng mờ nhạt. Người dân nơi đây có lẽ phải đành bất lực đứng nhìn những cánh đồng ngày càng khô trắng.

Đi thăm cánh đồng sản xuất lúa của xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa thời điểm này vẫn đang trong vụ Đông Xuân nhưng lác đác chỉ thấy những thửa ruộng nhỏ ở sát hồ trũng được xanh tốt, thay vào đó phần lớn các cánh đồng là một màu bạc trắng.

Ông Nguyễn Văn Đến, Chủ tịch hội nông dân xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa, cho biết do ảnh hưởng của nắng hạn từ cuối năm 2014, nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm của xã vẫn không sản xuất được. Các kênh mương đều đã cạn khô.

Xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa có trên 570 ha canh tác nông nghiệp nhưng đã có trên 200 ha phải bỏ hoang. Tận dụng nguồn nước ít ỏi của đợt mưa cuối năm 2015, một số diện tích ven sông hồ, nông dân cố gắng bơm tát nhưng cũng chỉ gieo trồng được trên 100 ha.

Tuy nhiên, nước không ổn định cộng với dịch hại, nông dân chỉ thu hoạch được 25-30 tạ/ha. Vụ Đông Xuân 2015-2016, toàn tỉnh Khánh Hòa gieo cấy đạt 90% kế hoạch. Diện tích bỏ vụ 1.800 ha và tập trung chính ở thị xã Ninh Hòa.

Không gieo trồng được lúa có thể chuyển sang cây trồng khác. Nhưng đất đai đều bạc trắng, những người nông dân nơi đây cho rằng, muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng phải có nước thường xuyên.

Ngay cả những cây màu ngắn hạn cũng phải có nước. Nhưng đến giờ hầu hết kênh mương, ao trũng đều đã cạn khô.

Sản xuất nông nghiệp của thị xã Ninh Hòa phụ thuộc vào nguồn nước hồ Đá Bàn. Tuy nhiên, dung tích hồ Đá Bàn, hồ lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa hiện nay còn chưa đến 17% tổng dung tích.

Theo những người dân nơi đây, vụ Hè Thu 2016 họ chỉ còn cách trông chờ vào đượt mưa tiểu mãn sắp tới. Cùng với đó là xả nước Đá Bàn mới có thể sản xuất được. Tuy nhiên, nếu mưa tiểu mãn không lớn, hồ Đá Bàn cũng không có nước để xả.

“Hồ Đá Bàn phải xả ít nhất 5-7 ngày/tháng thì mới có thể chuyển đổi được cây trồng. Nhưng nay, hồ Đá Bàn chỉ còn có thể đáp ứng cho nhiệm vụ ưu tiên là nước sinh hoạt và chăn nuôi”, ông Nguyễn Văn Đến cho biết.

Hồ Đá Bàn, hồ lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa cạn gần đến mực nước chết. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Không chỉ hồ Đá Bàn, theo Chi cục Thủy lợi Khánh Hòa, nhiều hồ chứa lớn của tỉnh dung tích cũng không còn cao. Chẳng hạn, hồ lớn thứ hai là EakrongRou lượng nước cũng chỉ còn 25% dung tích thiết kế. Nhìn chung, hiện dung tích các hồ trên địa bàn tỉnh chỉ còn 128 triệu m3, đạt 51% dung tích thiết kế.

Vụ Hè Thu năm 2015, nắng hạn đã khiến Khánh Hòa chỉ gieo trồng được 48% kế hoạch. Năm nay, thời tiết sẽ khắc nghiệt hơn, dự báo sau khi kết thúc vụ Đông Xuân, lượng nước các hồ chứa lớn trên địa bàn Khánh Hòa sẽ chỉ còn khoảng trên 77 triệu m3 để sử dụng cho vụ Hè Thu.

Bởi vậy, vụ Hè Thu năm nay, Khánh Hòa dự kiến chỉ gieo trồng 8.600/18.380 ha, đạt gần 47% so với kế hoạch. Như vậy, sẽ có gần 10.000 ha phải bỏ vụ.

Trước tình hình trên, ông Tào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, cho biết Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các Công ty TNHH Một thành viên thủy lợi Bắc Khánh Hòa và Công ty TNHH Một thành viên thủy lợi Nam Khánh Hòa xây dựng phương án chống hạn.

Đồng thời tuyên truyền để nhân dân hiểu cần phải tưới nước tiết kiệm, đặc biệt ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, các dịch vụ du lịch và các loại cây công nghiệp chất lượng cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng phương án chống hạn như: rà soát lượng nước, diện tích cây trồng; nạo vét, làm thêm hệ thống các hồ, đập để trữ nước, phân bổ nguồn nước hợp lý, tiết kiệm nhất.

Một số hồ đập ở những vùng xa, không có nguồn nước tưới, phải tạo ao để chứa nước hoặc dùng hệ thống bơm lưu động, cố định để dẫn nước và phân bổ nguồn nước tưới một cách hợp lý nhất.

Đối với vùng lúa có nước tưới, Khánh Hòa sẽ phải duy trì ổn định, phát triển. Đặc biệt cần đưa năng suất lên cao để bù đắp nguồn lương thực thiếu hụt cho nhưng vùng phải dừng sản xuất.

Những vùng có thể sản xuất lúa, tuy nhiên có nguy cơ gặp đỉnh hạn, Khánh hòa đang khuyến cáo nông dân sử dụng cây trồng ngắn ngày. Cố gắng phấn đấu sản lượng lương thực giảm dưới 20%.

Với khoảng 10.000 ha gần như chắc chắn không đủ nước tưới trong vụ Hè Thu tới sẽ phải bỏ không, ông Tào Anh Tuấn cho biết, ngành khuyến cáo nông dân dừng mùa vụ chờ mưa. Kiên quyết không tiến hành sản xuất ở những vùng thiếu nước để tránh thiệt hại cho nông dân.

Về tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với thực trạng của tỉnh, ông Tào Anh Tuấn cho biết, ngoài trồng lúa, các địa phương cũng trồng thêm các loại cây họ đậu, những cây sử dụng ít nước để vừa có tính cải tạo đất, đồng thời có thể tạo thức ăn gia súc, tăng nguồn thu về rau màu.

Thực tế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã Khánh Hòa quy hoạch theo từng vùng. Chẳng hạn vùng miền núi như huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tập trung trồng cây sầu riêng, mía tím, mít nghệ…

Tỉnh cũng quy hoạch 70 ha trồng bưởi da xanh ở huyện Khánh Vĩnh, dọc bờ sông Cái ( huyện Duy Khánh); một số vùng trồng tỏi như huyện Ninh Hòa, Ninh Vân, Ninh Sơn; có vùng nuôi trồng thủy sản Ninh Thủy.

Ngoài ra, một số vùng khác tiếp tục chuyển đổi một số cây trồng như từ trồng lúa có thể chuyển đổi sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi…

Theo ông Tào Anh Tuấn, khi quy hoạch phát triển cây trồng, bên cạnh việc đảm bảo nguồn thực phẩm, tỉnh cũng chú ý đến việc bảo đảm cảnh quan, sinh thái môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục