"Mở đường" cho công nghệ cao vào nông nghiệp

06:15' - 06/06/2016
BNEWS Đầu tư phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp đóng vai trò "mở đường" cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Đầu tư công nghệ và nông nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao đang trở thành yêu cầu tất yếu.

Đầu tư phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp đóng vai trò "mở đường" cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là công cụ quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa nông sản.

Lâm Đồng là địa phương đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Giải pháp đang được tỉnh này thực hiện đó là khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, điều kiện sinh thái để nâng cao hiệu quả, năng suất chất lượng cây trồng. 

Theo đó, những loại nông đặc sản có ưu thế như rau, hoa cao cấp có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới, cà phê, chè, bò sữa, cá nước lạnh… đã được địa phương này đưa những công nghệ hàng đầu thế giới vào ứng dụng và phát triển sản xuất hàng hóa.

Đến nay, Lâm Đồng đã có 5 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trong tổng số 21 doanh nghiệp được công nhận trên cả nước. 

Tỉnh còn có 3 công ty đã được thẩm định hồ sơ. Các doanh nghiệp này đã đầu tư áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ hiện đại, tiên tiến cho doanh thu rất cao từ 1 - 3 tỷ đồng/ha/năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, tỉnh đã xây dựng vùng chuyên canh cây rau, hoa, chè lớn nhất Việt Nam và vùng chuyên canh cà phê lớn thứ nhì cả nước. Tỉnh hiện có trên 43.000 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chiếm 16,4% diện tích đất canh tác; trong đó, rau gần 11.900 ha, hoa trên 2.400 ha, cà phê trên 11.300 ha, chè gần 2.500 ha, cây đặc sản trên 300 ha.

Cùng với đó Lâm Đồng đã sớm xây dựng những thương hiệu nông sản mang bản sắc riêng của địa phương. Đồng thời, có 16 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu; 7 nhãn hiệu được cấp chứng nhận và 9 nhãn hiệu tập thể.

Nhiều sản phẩm mang thương hiệu mạnh đã được khẳng định như: rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, trà B’Lao, cà phê Di Linh, cà phê Arabica Langbiang, cá nước lạnh Đà Lạt... Các sản phẩm này đã được xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Singapore, Australia, Thái Lan, Bỉ, Hà Lan, EU, Mỹ, Trung Quốc…

Qua đó, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Năng suất giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi khi áp dụng công nghệ cao tăng từ 25 - 30%, giúp tăng lợi nhuận trên 30% so với doanh thu. Đặc biệt, tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Theo ông Phạm S, mục tiêu của địa phương là xây dựng Lâm Đồng trở thành tỉnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững ở Đông Nam Á. Địa phương tiếp tục đầu tư trọng tâm công nghệ cao để nhiều nông sản của Lâm Đồng có vị thế về năng suất, sản lượng có tầm ảnh hưởng quốc gia và Đông Nam Á….

"Để làm được điều đó, địa phương sẽ chủ động nắm bắt cơ hội và thách thức khi Việt Nam hội nhập quốc tế, cụ thể là các Hiệp định thương mại tự do; Liên minh kinh tế Á – Âu; Cộng đồng ASEAN và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP." - ông Phạm S cho hay.

Không chỉ Lâm Đồng, sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương cũng đang có những chuyển biến đáng kể về ứng dụng công nghệ cao.

Áp dụng công nghệ vào trồng rau an toàn. Ảnh minh họa: TTXVN

Đã có nhiều mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa ứng dụng công nghệ, mô hình sản xuất chè ứng dụng kỹ thuật tưới tự động, tưới tiết kiệm, ứng dụng quy trình canh tác sạch, mô hình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận (UTZ Certifide, 4C, RFA) hay mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong chăn nuôi bò sữa…

Trong một số lĩnh vực đã tạo ra những tiến bộ đáng khích lệ về năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Những mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang làm tiền đề cho việc phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đã công nhận 21 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao và sản xuất bền vững.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đánh giá, ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều lúng túng, bất cập, thiếu tính ứng dụng và thực tiễn dẫn đến tình trạng kém hiệu quả, lãng phí.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên một phần do hiểu biết chưa đầy đủ về nông nghiệp công nghệ cao, khả năng xác định những yếu tố công nghệ cao phù hợp với một nền nông nghiệp nhiệt đới, sản xuất còn mang nặng tính tự phát, nhỏ lẻ và hạn chế về năng lực đầu tư tài chính.

Ông Nguyễn Thế Nhuận cho rằng, việc nhập trực tiếp công nghệ từ nước ngoài vào sản xuất trong điều kiện Việt Nam chưa hẳn là phù hợp. Đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cần nghiên cứu kỹ đặc thù của sản xuất nông nghiệp là phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện ngoại cảnh. Công nghệ cao được ứng dụng phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng.

“Để ứng dụng công nghệ cao một cách có hiệu quả, cần đầu tư cải thiện đồng bộ các yếu tố công nghệ trong suốt chuỗi cung ứng hàng hóa và tổ chức sản xuất - tiếp thị có quy mô tương xứng” - ông Nguyễn Thế Nhuận cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, thời gian tới, tăng trưởng trong nông nghiệp sẽ phải chủ yếu dựa vào chính sách phát triển doanh nghiệp và khoa học công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện nay rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công đoạn sản xuất mà họ chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ.

Do vậy, cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực... để họ quan tâm hơn đến đầu tư vào nông nghiệp. Khi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, họ sẽ là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông sản Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục