"Sức khỏe" kinh tế Trung Quốc qua những thống kê mới nhất

13:21' - 31/12/2017
BNEWS Đà tăng trưởng trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã giảm tốc trong tháng 12/2017, trong bối cảnh chính sách kiểm soát ô nhiễm không khí và thị trường bất động sản chững lại.
Lĩnh vực dịch vụ chiếm hơn 50% nền kinh tế Trung Quốc, trong khi mức lương ngày một tăng. Ảnh minh họa: TTXVN

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho hay đà tăng trưởng trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã giảm tốc trong tháng 12/2017, trong bối cảnh chính sách kiểm soát ô nhiễm không khí và thị trường bất động sản chững lại đã gây sức ép lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức vừa được công bố ngày 31/12 đã giảm xuống 51,6 trong tháng 12, so với mức 51,8 của tháng 11, song vẫn trên mốc 50, mốc phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Các chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Anh Reuters cũng đã dự báo chỉ số này sẽ giảm xuống 51,6 sau khi bất ngờ tăng trong tháng trước.
Nhờ hoạt động chi tiêu của chính phủ cho cơ sở hạ tầng, thị trường nhà đất có sức "đàn hồi" tốt và xuất khẩu bất ngờ tăng, khu vực chế tạo đã giúp nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng 6,9% trong thời gian từ tháng 1-9/2017.
Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ trong tháng 12/2017 có xu hướng đi lên. PMI trong lĩnh vực phi chế tạo đã tăng từ 54,8 trong tháng 11/2017 lên 55 trong tháng 12/2017.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng sức tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng sẽ giúp cân bằng lại mô hình tăng trưởng kinh tế vốn phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu.
Lĩnh vực dịch vụ chiếm hơn 50% nền kinh tế Trung Quốc, trong khi mức lương ngày một tăng cho phép người tiêu dùng nước này có động lực chi tiêu nhiều hơn.
Bộ Tài chính Trung Quốc mới đây thông báo sẽ miễn thuế thu nhập tạm thu của các doanh nghiệp nước ngoài đánh vào lợi nhuận tái đầu tư ở nước này, nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài sau khi nhiều nước công bố biện pháp tương tự.
Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc, Gao Feng, khẳng định Trung Quốc sẽ vẫn là một điểm đến ưa thích của đầu tư nước ngoài, nhờ sự ổn định về kinh tế, tiềm năng thị trường và nền kinh tế tiếp tục mở cửa hơn nữa.

Ông cho rằng chính sách thuế là một yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư, nhưng không hẳn là một yếu tố mang tính quyết định mà sự ổn định về kinh tế, tiềm năng thị trường và môi trường kinh doanh của quốc gia là điểm đến cũng là những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc.
Xem thêm:

>>>Những dấu ấn của kinh tế Trung Quốc năm 2017

>>>Kinh tế Trung Quốc chú trọng "chất lượng" hơn "tốc độ"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục