Phân tích và dự báo về tình hình kinh tế Trung Quốc

05:30' - 08/12/2017
BNEWS Theo báo Văn Hối (Hong Kong), Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc gia thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc mới đây công bố báo cáo Phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô của Trung Quốc (2017-2018).
Phân tích và dự báo về tình hình kinh tế Trung Quốc. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo bản báo cáo trên, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của nước này trong năm nay ước đạt 6,8%, tăng 0,1% so với năm 2016. Sang năm 2018, kinh tế vĩ mô Trung Quốc sẽ duy trì xu hướng phát triển tương đối ổn định, tăng trưởng GDP thực tế dự kiến ở mức 6,7%.

Đáng chú ý là chỉ số giá CPI dự kiến sẽ tăng đáng kể,  trong năm 2018 ước tăng 2,3%. Điều này có liên quan chặt chẽ với việc chuyển dịch giá thành. Báo cáo cũng chỉ ra 6 rủi ro lớn mà nền kinh tế vĩ mô Trung Quốc năm 2018 sẽ phải đối mặt.

Trong báo cáo trung tâm tại Diễn đàn kinh tế vĩ mô Trung Quốc (2017 – 2018), Phó Hiệu trưởng Đại học Nhân dân Trung Quốc kiêm Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc gia, ông Lưu Nguyên Xuân, cho biết tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa đạt 11%, tăng mạnh 3,1% so với năm 2016, việc cải thiện kinh tế đã vượt quá kỳ vọng của thị trường.

Báo cáo dự đoán nền kinh tế vĩ mô Trung Quốc năm 2018 sẽ duy trì đà phát triển tương đối ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế năm 2018 là 6,7%, nhưng do chỉ số giảm phát GDP giảm xuống còn 3,7%, năm 2018 tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa là 10,4%, giảm 0,6% so với năm 2017.

Với việc số lượng lớn hàng hóa tăng giá trở lại, kéo theo chi phí sản xuất công nghiệp và hiệu ứng cơ sở cao, biên độ tăng PPI có phần thu nhỏ, trong khi biên độ tăng CPI mở rộng, khoảng cách giữa CPI và PPI được thu hẹp, dự tính CPI cả năm tăng 2,3%, PPI tăng 4,6%, chỉ số giảm phát GDP là 3,7%.

Theo chuyên gia Lưu Nguyên Xuân, trạng thái "bình thường mới" của nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn sắp tới sẽ phải đối mặt với những vấn đề và mâu thuẫn mới.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ từ giai đoạn suy thoái "giảm tốc nhanh chóng” chuyển sang giai đoạn điều chỉnh "ổn định vừa phải”, lực lượng điều chỉnh tốc độ tăng trưởng cũng sẽ được chuyển đổi. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch từ mô hình "chính phủ chủ đạo” và "tấn công từ bên ngoài” chuyển đổi sang cơ cấu mô hình thị trường dẫn dắt và mô hình nội sinh chủ đạo.

Trong khi đó, quá trình chuyển đổi động lực từ cục diện “Chính phủ hỗ trợ và phát triển thị trường” trước đây quá độ sang giai đoạn “thị trường là chính, Chính phủ là phụ” sẽ bước vào giai đoạn then chốt. Chính sách kinh tế sẽ đưa “giai đoạn tiếp tục mở rộng” chuyển sang “giai đoạn rút lui từng bước”.

Bên cạnh đó, xuất phát từ việc tăng trưởng ổn định của Trung Quốc đạt được những thành công mang tính giai đoạn, khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể, hạt nhân trong mục tiêu kiểm soát kinh tế vĩ mô của Trung Quốc năm 2018 từ “tăng trưởng ổn định” cần chuyển hướng thích hợp sang “thúc đẩy cải cách” trên cơ sở “kiểm soát rủi ro”.

Ngoài ra, báo cáo Phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô của Trung Quốc (2017-2018) cũng đã chỉ ra 6 rủi ro lớn đối với kinh tế vĩ mô Trung Quốc trong năm 2018, lần lượt là: đầu tư tư nhân phục hồi không ổn định, nợ địa phương bị giấu giếm, vấn đề chậm tiến độ các dự án sáng tạo, lo ngại về bong bóng bất động sản, áp lực tăng lãi suất trong bối cảnh thắt chặt chính sách, vấn đề cân bằng giám sát quản lý trong giai đoạn suy thoái tài chính. Trong số đó, phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề chậm tiến độ trong các dự án sáng tạo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục