Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành tài chính phải biết ưu tiên những khoản nào cần chi

19:39' - 06/01/2017
BNEWS Thủ tướng chỉ đạo, trong điều kiện khó khăn như hiện nay phải biết ưu tiên những khoản nào cần chi; những khoản nào nên cắt giảm.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh:Thống Nhất-TTXVN

Hội nghị về đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính – Ngân sách Nhà nước năm 2016, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2017 được Bộ Tài chính tổ chức ngày 6/1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực ngành Tài chính thực hiện được trong năm 2016. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng, cơ chế chính sách về thuế và hải quan thời gian qua đã có cải cách nhưng còn thiếu sự đồng bộ.

Một số cơ chế chính sách còn chưa phù hợp cần sửa đổi. Vi phạm liên quan tới vấn đề: mua bán hóa đơn; nợ đọng thuế vẫn còn xảy ra. 

Đặc biệt, chi đầu tư công chưa được kiểm soát tốt. Hàng vạn hộ kinh doanh còn chưa thực hiện đăng ký theo quy định. Tình trạng lãng phí, thất thoát vẫn còn xảy ra.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng, trước thực tế này cần phải nhìn thẳng sự thật để thay đổi tư duy, để từ đó, ngành Tài chính thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao trong năm 2017. Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Tài chính phải đi đầu trong vấn đề tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm và thi đua sáng tạo.

Thủ tướng cho rằng, năm 2017 là một năm gặp nhiều khó khăn. Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, tính tự chủ của nền kinh tế. Để thực hiện mục tiêu này, ngành Tài chính phải đóng vai trò trung tâm.

Thủ tướng đề nghị ngành triển khai nghị quyết Bộ Chính trị về chủ trương cân đối ngân sách, quản lý nợ công; đề xuất ra  giải pháp cụ thể để thực hiện.

Ngành Tài chính phối hợp bộ liên quan: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm soát chi ngân sách; kịp thời đề xuất với Chính phủ khó khăn gặp phải trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Quan trọng ngành phải tăng cường năng lực phân tích dự báo tránh tình trạng bị động, bất ngờ trước diễn biến của tình hình kinh tế vĩ mô và chủ động hơn về công tác thông tin.

Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp với Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia nhất là đối với tài sản công. Thủ tướng cho rằng, để nhiệm vụ này thành công cần có tư duy mới và phải thay đổi căn bản cách tiếp cận quản lý ngân sách nhà nước; chỉ ra được nguyên nhân, tồn tại trong quản lý tài khóa; có phương thức quản lý phù hợp, công khai.

Chính phủ đang thực hiện theo hướng kiến tạo thì ngành Tài chính cũng cần chủ động đổi mới; quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu. Hình thức xã hội hóa nào để thu hút đầu tư trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp cũng phải đặc biệt quan tâm. Ngành Tài chính nhanh chóng siết kỷ luật ngân sách và cải thiện hiệu quả, chi đầu tư công, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán 2017.

Trước nhiệm vụ thu đặt ra của ngành Tài chính trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác thu được thực hiện ngay từ đầu năm; nắm chắc nguồn thu trên địa bàn; thu đúng, thu đủ , thu kịp thời giám sát vấn đề gian lận và chuyển giá. Ngành Tài chính rà soát ưu đãi thuế hiện hành để có hướng sửa đổi phù hợp. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay phải biết ưu tiên những khoản nào cần chi; những khoản nào nên cắt giảm.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, không thực hiện những khoản chi đón tiếp linh đình gây lãng phí ngân sách. Bên cạnh đó, đột phá cải cách trong quản lý tài sản công, thực hiện đấu giá công khai xe ô tô công đã thu lại vào NSNN. Đồng thời, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giảm vốn tại các doanh nghiệp nhà nước không cần chi phối theo nguyên tắc thị trường.

Vấn đề này cần phải thường xuyên kiểm tra, phê duyệt phương án cổ phần hóa, bảo đảm công khai minh bạch, chặt chẽ tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Tại hội nghị, một số đại biểu của địa phương đã chia sẻ cách làm và kinh nghiệm trong vấn đề quản lý thu chi ngân sách. Trong đó phải kể đến là tỉnh Lâm Đồng.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2016 và Triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2017 .  Ảnh:Thống Nhất-TTXVN

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, tình trạng hạn hạn, thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng tới địa phương nhưng năm qua, tỉnh tập trung nhiều về cải cách bộ máy chính quyền và có những cách làm đột phá nên thu ngân sách vượt dự toán được giao.

Cách làm hay của Lâm Đồng là đã xây dựng 3 đề án thu theo chuyên đề đối vối những lĩnh vực có khả năng thu được cao: Thu thuế xăng dầu; thu thuế kinh doanh bất động sản; thu thuế lĩnh vực vận tải.

Ông Yên cho rằng, hiện qua kiểm tra phát hiện có cơ sở kinh doanh vận tải trá hình; 1 công ty có 150 xe nhưng chạy tuyến cố định chỉ có 50 xe; 100 xe còn lại là không đăng ký chạy theo tuyến cố định. Chính cách kinh doanh này gây thất thoát ngân sách.

Ông Yên cũng đánh giá, năm 2016 chương trình cải cách thủ tục hành chính được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Ngành Hải quan thực hiện tốt hải quan điện tử và ngành Thuế địa phương có đột phá trong kê khai thuế điện tử. Theo ông Yên, hiện khối tài sản lớn đang nằm nhiều trong đơn vị sự nghiệp công lập và nếu xã hội hóa tốt thì sẽ bớt gánh nặng đối với ngân sách.  

Theo Thứ trưởng Bộ Tài Chính Huỳnh Quang Hải,  mặc dù đã tích cực triển khai ngay từ đầu năm, song tiến độ thu Ngân sách Nhà nước (NSNN), đặc biệt là Ngân sách Trung ương (NSTW) năm nay luôn đạt thấp so với dự toán và chậm hơn so với năm 2015.

Tháng 10/2016, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đánh giá thu NSNN năm 2016 ước vượt khoảng 24,5 nghìn tỷ đồng; trong đó, thu ngân sách địa phương vượt khoảng 36 nghìn tỷ đồng; thu  NSTW hụt khoảng 8 - 12 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do giá dầu thô giảm (giá dự toán 60 USD/thùng; thực hiện khoảng 44 USD/thùng).

Để phấn đấu giảm tối đa số hụt thu NSTW, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu; triển khai các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; đôn đốc thu các khoản theo kết quả kiểm toán, thanh tra; xử lý thu nợ đọng thuế; tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực có đóng góp số thu NSTW.

Nhờ vậy, kết quả thu ngân sách đã đạt khá hơn dự báo; đến ngày 31/12/2016, thu cân đối NSNN ước đạt khoảng 1.094 nghìn tỷ đồng, vượt 79,6 nghìn tỷ đồng (+7,8%) so dự toán, tăng thêm 55 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội.

Trong đó, thu NSĐP đạt 118,6% dự toán (tương ứng vượt 77,8 nghìn tỷ đồng), hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao (58/63 địa phương); thu NSTW không kể ghi thu, ghi chi viện trợ cho các dự án, cơ bản đạt dự toán.

Trên cơ sở kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 và dự báo bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2017 là 1,21 triệu tỷ đồng. Trong đó: Dự toán thu nội địa 990 nghìn tỷ đồng; dự toán thu dầu thô 38 nghìn tỷ đồng (giá dầu khoảng 50 USD/thùng); dự toán thu cân đối từ hoạt động XNK 180 nghìn tỷ đồng./.

>>> Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nghiên cứu nhiều nhưng ứng dụng ít

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục