ADB hỗ trợ các SME ở châu Á - Thái Bình Dương giải quyết nhu cầu về vốn

20:04' - 26/03/2018
BNEWS Theo Giám đốc phụ trách tài trợ cho chuỗi cung ứng và thương mại của ADB, giờ là lúc cần có những nỗ lực lớn hơn và sáng tạo hơn nhằm giải quyết nhu cầu vốn cho các SME

Ban Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phê duyệt việc tài trợ bổ sung 100 triệu USD để kéo dài và mở rộng Chương trình tài trợ cho chuỗi cung ứng (SCFP), hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở châu Á - Thái Bình Dương hơn nữa trong việc giải quyết sự thiếu hụt về nguồn vốn, và tăng cường sự đóng góp vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của khu vực.

ADB cùng với các ngân hàng trên toàn cầu thực hiện SCFP nhằm chia sẻ rủi ro của khoảng 550 giao dịch của các SME có giá trị trên 500 triệu USD.

Theo ADB, việc mở rộng chương trình sẽ cho phép ngân hàng tiến hành các sáng kiến mạnh mẽ hơn như phối hợp với các ngân hàng địa phương và tăng cường sử dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu về vốn của các SME, đồng thời cũng hỗ trợ các kế hoạch của ADB trong việc đa dạng hóa ảnh hưởng và tác động của hoạt động tài trợ cho chuỗi cung ứng tới các thị trường thử thách hơn với nhu cầu về tài chính lớn nhất.

Theo Giám đốc phụ trách tài trợ cho chuỗi cung ứng và thương mại của ADB, khi SCFP bắt đầu được triển khai vào năm 2012, chuỗi cung ứng là điều hoàn toàn mới bởi với ADB thường tập trung vào cơ sở hạ tầng và các thiết chế tài chính, nhưng nay ngân hàng đã có kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Và giờ là lúc cần có những nỗ lực lớn hơn và sáng tạo hơn nhằm giải quyết nhu cầu vốn cho các SME, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt tình trang thiếu hụt về tài trợ thương mại trên toàn cầu.

Sự thiếu hụt càng lớn khi các ngân hàng coi các SME là phân khúc có rủi ro lớn phải chịu phí giao dịch cao và đây là lý do cần có chương trình như SCFP. Chương trình này không tập trung vào bản cân đối kế toán là điểm yếu của các SME, mà chú trọng đến quá trình hoạt động, thời gian hoạt động và bản chất mối quan hệ với chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, ADB cũng tăng cường nỗ lực hỗ trợ các quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố. Số tiền của ADB hỗ trợ cho công tác chống nạn rửa tiền và tài trợ cho khủng bố bao gồm khoản trợ giúp kỹ thuật trị giá 2 triệu USD đã được thông qua năm 2016.

Thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, như các ngân hàng và các thể chế tài chính, và các chính phủ, ADB cũng đã triển khai các bước đi nhằm cải thiện việc tuân thủ toàn diện của các quốc gia đối với các chính sách chống rửa tiền.

>>>Để thắng thầu các dự án do WB và ADB tài trợ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục