Singapore triệt phá đường dây lừa đảo mạo danh quan chức chính phủ

07:30' - 04/04/2025
BNEWS Theo thông báo từ cảnh sát Singapore, 27 nam giới và 7 nữ giới đã bị bắt trong các cuộc đột kích nhằm vào những người cho phép kẻ lừa đảo sử dụng tài khoản ngân hàng của họ để rửa tiền.

Cảnh sát Singapore vừa tiến hành chiến dịch truy quét quy mô lớn trên toàn quốc, bắt giữ hơn 30 nghi phạm và đóng băng hơn 240 tài khoản ngân hàng có liên quan đến các vụ lừa đảo mạo danh quan chức chính phủ.

 

Theo thông báo từ cảnh sát Singapore, 27 nam giới và 7 nữ giới, trong độ tuổi từ 17 đến 46, đã bị bắt trong các cuộc đột kích nhằm vào những người cho phép kẻ lừa đảo sử dụng tài khoản ngân hàng của họ để rửa tiền.

Chiến dịch do cảnh sát phối hợp với các ngân hàng địa phương tiến hành, nhằm truy tìm dòng tiền lừa đảo. Kết quả, lực lượng chức năng đã thu giữ ít nhất 955.000 đôla Singapore  (SGD), tương đương 711.000 USD, và phong tỏa các tài khoản ngân hàng có liên quan. Hiện 5 người khác vẫn đang trong diện điều tra.

Ngoài ra, cảnh sát cũng phối hợp với các công ty viễn thông để chặn hơn 700 số điện thoại được sử dụng trong các vụ lừa đảo này.

Những kẻ lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân qua các số điện thoại giả mạo hoặc ứng dụng nhắn tin. Chúng giả danh nhân viên ngân hàng như DBS, Maybank, OCBC hoặc các tổ chức như NTUC Union, Income Insurance, UnionPay. Một số khác mạo danh cảnh sát, Trung tâm Chống Lừa đảo (ASC) hoặc Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS).

Hình thức lừa đảo rất tinh vi, nạn nhân nhận được cuộc gọi yêu cầu xác minh một giao dịch đáng ngờ. Sau đó, cuộc gọi được chuyển sang một kẻ giả danh quan chức chính phủ để tăng độ tin cậy. Hoặc kẻ lừa đảo giả danh nhân viên NTUC Union, Income Insurance hoặc UnionPay, thông báo rằng nạn nhân có phí bảo hiểm chưa thanh toán. Chúng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, và thậm chí yêu cầu chuyển tiền để "hủy hợp đồng bảo hiểm". Hoặc nạn nhân bị dẫn dắt đến một kẻ giả danh nhân viên cảnh sát hoặc ASC, cáo buộc tài khoản ngân hàng của họ liên quan đến hoạt động rửa tiền. Sau đó, họ bị yêu cầu chuyển tiền để "hỗ trợ điều tra". Chỉ khi không nhận lại được tiền hoặc kẻ lừa đảo biến mất, nạn nhân mới phát hiện mình bị lừa.

Theo thống kê, chỉ riêng năm 2024, Singapore đã ghi nhận hơn 1.500 vụ lừa đảo mạo danh quan chức chính phủ, với tổng thiệt hại lên đến 151,3 triệu SGD.

Cảnh sát cảnh báo người dân không chia sẻ thông tin đăng nhập Singpass, tài khoản ngân hàng hoặc số điện thoại với người khác, vì có thể bị truy cứu trách nhiệm nếu các thông tin này bị sử dụng vào mục đích phạm tội. Người dân được khuyến cáo nâng cao cảnh giác, từ chối các yêu cầu đáng ngờ và báo ngay cho cảnh sát nếu nghi ngờ bị lừa đảo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục