Để thắng thầu các dự án do WB và ADB tài trợ

19:44' - 16/03/2018
BNEWS Vấn đề được nhiều người quan tâm là, làm thế nào để thắng thầu trong các dự án của WB và ADB. Theo đại diện WB và ADB, các doanh nghiệp Việt cần hiểu rõ các yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Để thắng thầu các dự án do WB và ADB tài trợ. Ảnh minh họa: TTXVN

Hệ thống đấu thầu điện tử cho các dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã được thiết lập từ năm 2015 và trải qua 2 lần đánh giá. Qua đó, có thể hỗ trợ các bên tham gia trong công tác đăng tải thông báo mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, chào hàng cạnh tranh On-line, phát hành hồ sơ mời thầu qua mạng cho các gói thầu đấu thầu cạnh tranh trong nước...

Kể từ tháng 5/2018 tới đây, hệ thống sẽ được đưa vào thử nghiệm dành cho các gói thầu đấu thầu cạnh tranh rộng rãi trong nước ở những dự án của ADB có giá trị dưới 10 triệu đô la Mỹ (USD) với gói thầu xây lắp và dưới 2 triệu USD với gói thầu hàng hóa; ở những dự án của WB có giá trị dưới 20 triệu USD với gói thầu xây lắp và dưới 3 triệu USD với gói thầu hàng hóa. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ nhiều kỳ vọng với kế hoạch này. Từ đây, có thể cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Vấn đề được nhiều người quan tâm là, làm thế nào để thắng thầu trong các dự án của WB và ADB, ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và hoạt động dự án của WB, cho biết những ưu tiên của WB trong một số lĩnh vực tập trung như đẩy mạnh tăng trưởng toàn diện và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân; đầu tư vào nguồn nhân lực và tri thức; hay phát triển bền vững về môi trường và nâng cao khả năng ứng phó... Do đó, để cách tiếp cận dễ nhất là cần những cam kết, những dự án mang tính khả thi cao và nhằm tới phục vụ lợi ích cho cộng đồng. 

Hiện nay, WB cũng cung cấp các dịch vụ tư vấn và phân tích về nông nghiệp, giáo dục, năng lượng và khai khoáng, tài nguyên và môi trường, tài chính - cạnh tranh và đổi mới, quản trị, y tế - dinh dưỡng và dân số, kinh tế vĩ mô - thương mại và đầu tư, giảm nghèo và bình đẳng, bảo trợ xã hội và lao động, xã hội - đô thị - nông nghiệp và khả năng ứng phó, phát triển giao thông và kỹ thuật số... Các doanh nghiệp cần tham khảo các thông tin này để tìm đúng nguồn mà mình cần; cách làm làm sao cho đúng hướng và tiến hành đúng quy trình, thủ tục theo yêu cầu của WB, ông Achim Fock nhấn mạnh.

Cùng với WB, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng dành nhiều cơ hội kinh doanh đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Ông Steven Schipani, Trưởng Ban điều hành dự án, Văn phòng đại diện thường trú ADB tại Việt Nam cho biết, muốn tiếp cận những dự án của ADB, các doanh nghiệp Việt cần hiểu rõ các yêu cầu của hồ sơ mời thầu và đảm bảo hồ sơ dự thầu của doanh nghiệp đáp ứng những yêu cầu đó. 

Doanh nghiệp có thể thành lập liên doanh hoặc sử dụng thầu phụ (các đối thủ cạnh tranh là đối tác tiềm năng); đồng thời, cân nhắc thực hiện các dịch vụ tư vấn cá nhân để tích lũy kinh nghiệm và xây dựng hồ sơ năng lực tốt. Một yếu tố hết sức quan trọng mà doanh nghiệp cần nhớ là phải yêu cầu chủ đầu tư dự án giải thích lý do không thắng thầu sau khi có kết quả trao thầu, ông Steven khuyến nghị.

Để có thể theo dõi thông tin về các cơ hội kinh doanh từ những dự án do ADB tài trợ, ông Steven, gợi ý, doanh nghiệp có thể tham khảo các kênh thông tin như Chiến lược đối tác quốc gia; Kế hoạch hoạt động quốc gia; Phê duyệt dự án và kế hoạch đấu thầu; Thông báo tuyển tư vấn; Thông báo đấu thầu; Mời thầu (xây lắp và hàng hóa)..

Tính đến tháng 3/2018, ADB đang dành nguồn vốn khoảng 7.539,9 triệu USD cho nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam; trong đó, 803 triệu USD cho ngành nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên; 734,6 triệu USD cho giáo dục và y tế; 655,6 triệu USD cho ngành năng lượng; gần 57 triệu USD cho ngành công nghiệp và thương mại; 207,7 triệu USD cho quản lý khu vực công; hơn 3.990 triệu USD cho giao thông và công nghệ thông tin, truyền thông; 1.090,6 triệu USD cho ngành cấp nước và các dịch vụ hạ tầng đô thị khác

Cũng tính đến thời điểm này, ADB đã tài trợ cho 59 dự án tại Việt Nam với tổng vốn vay là 7,5 tỷ USD; trong đó, 3,5 tỷ USD chưa trao thầu. Riêng trong năm 2017, ADB đã dành khoảng 500 triệu USD vốn vay cho Việt Nam. Hiện tại, mỗi năm, ADB đang trao thầu và giải ngân khoảng 500 triệu đến 800 triệu USD và quỹ dành cho dự án hỗ trợ kỹ thuật của ADB đối với Việt Nam cũng khoảng từ 5 triệu đến 7 triệu USD/năm.

Năm 2018, ADB cũng ban hành chính sách đầu thầu mới. Theo đó, các quy định ít cứng nhắc hơn; các thủ tục đấu thầu đơn giản hơn và mở ra nhiều cơ hội áp dụng linh hoạt hơn. Ông Alexander Fox, Chuyên gia đấu thầu cao cấp ADB nhận định, chính sách đấu thầu mới của ADB đáp ứng các yêu cầu mới phát sinh, đưa ra nhiều phương pháp và mô hình đấu thầu mới. Qua đó, tập trung nhiều hơn và chất lượng. 

Theo khung đấu thầu mới của ADB, vấn đề chất lượng và nguyên tắc "Đáng đồng tiền" được nêu ra bên cạnh tính kinh tế và hiệu quả, công bằng và minh bạch. Quan trọng nhất là đấu thầu cạnh tranh quốc tế và trong nước được thay thế bằng đấu thầu cạnh tranh rộng rãi. Đây là điểm rất mới, ông Fox nhấn mạnh.

Từ thực tiễn của Việt Nam, ông Lưu Hồng Giang, Phó Tổng giám đốc, Tổng Công ty xây dựng Bạch Đằng - CTCP (Bộ Xây dựng) cho biết, với hệ thống đầu thầu điện tử được thử nghiệp và triển khai rộng rãi, chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước được tham gia vào các dự án lớn của các tổ chức quốc tế.

Cùng với sự tạo thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh và việc minh bạch hóa các hoạt động đấu thầu dự án, chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thêm tự tin và mạnh dạn hơn trong cạnh tranh ở những dự án cả trong lẫn ngoài nước. Cơ hội rất lớn, tận dụng được cơ hội lại là chuyện khác. Nhưng ít nhất, làm gì cũng cần phải có niềm tin./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục