ADB: Nhu cầu hạ tầng 1.700 USD/năm tại châu Á-Thái Bình Dương

20:16' - 27/09/2017
BNEWS Nhu cầu hạ tầng tại châu Á và Thái Bình Dương khá lớn mà theo ước tính vào khoảng 1.700 tỷ USD mỗi năm.
Hạ tầng giao thông tại châu Á-Thái Bình Dương cần 1.700 USD/năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Yasuyuki Sawada ngày 26/9 cho biết ADB và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) có thể hợp tác để đáp ứng các nhu cầu tài trợ hạ tầng của châu Á.

Theo chuyên gia Sawada, nhu cầu hạ tầng tại châu Á và Thái Bình Dương khá lớn mà theo ước tính vào khoảng 1.700 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, mỗi năm khu vực này thiếu khoảng 500 tỷ USD vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Ông Sawada cho rằng ngay cả khi ADB và AIIB cùng hợp lức tài trợ thì vẫn không đủ, do vậy cần huy động thêm đầu tư công và tư nhân.

Quan hệ Đối tác Công - Tư (PPP) là một trong những công cụ quan trọng để thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Theo chuyên gia này, PPP, một khi được thực hiện đúng, có khả năng đáp ứng nhu cầu hạ tầng khổng lồ của khu vực, tác động tới năng lực và tài nguyên của khu vực tư nhân đi theo mục tiêu chung là phát triển bền vững cho tất cả mọi người.

Ông Sawada cho biết AIIB tập trung vào “đầu tư hạ tầng vật chất”, ADB dành khoản cho vay khá lớn cho khu vực xã hội, như giáo dục và y tế, nên hai ngân hàng này có thể bổ trợ lẫn nhau.

Báo cáo cập nhật về kinh tế thường niên của ADB dự đoán kinh tế châu Á trong năm 2017 tăng trưởng 5,9%, cao hơn so với mức dự đoán 5,7% đưa ra trong tháng 4/2017.

Được thành lập vào năm 1966, đặt trụ sở tại Manila, Philippines (Phi-líp-pin) ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. AIIB ra đời vào tháng 12/2015 và đi vào hoạt động từ tháng 1/2016. Hiện tại ngân hàng này có 80 thành viên.

>>>BOT giao thông - Bài 1: Đừng để chủ trương đúng, thực hiện sai

>>>BOT giao thông - Bài 2: Lấp đầy lỗ hổng chính sách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục