An toàn lưới điện cao áp tại miền Trung, Tây Nguyên – Bài 1: Địa hình phức tạp

14:07' - 05/11/2016
BNEWS Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có đặc thù địa hình khó khăn và thời tiết khắc nghiệt nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo vệ an toàn lưới điện cao áp của đơn vị truyền tải trong khu vực.
Các vị trí cột đứng trên sườn đồi núi vào mùa mưa có nguy cơ xói lở, sạt đất rất cao. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có đặc thù địa hình khó khăn và thời tiết khắc nghiệt nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo vệ an toàn lưới điện cao áp của đơn vị truyền tải trong khu vực cũng như đe dọa đến cung cấp điện của hệ thống điện Quốc gia.

Lưới điện Công ty Truyền tải điện 3 quản lý có địa hình khá phức tạp, khắc nghiệt về thời tiết.

Nhiều cung đoạn đi qua rừng núi, đèo dốc hiểm trở dễ xảy ra sạt lở khi có mưa lũ.

Vùng đồng bằng ven biển thì thường xảy ra mưa bão, lũ lụt, gió lốc làm bay các vật thể lên đường dây gây sự cố.

Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên đường đi vào tuyến đường dây rất khó khăn, độ dốc lớn.

Trong khi đó, do đặc điểm của đất đỏ bazan là nhiều bụi vào mùa khô và lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa khiến việc kiểm tra tuyến đường dây cũng như khi xử lý sự cố rất khó khăn.

Trên thực tế, do địa hình lưới điện Công ty Truyền tải điện 3 quản lý có một số tuyến đường dây đi qua vùng địa hình phức tạp, núi cao, vực sâu, độ đốc lớn thường xảy ra lũ quét. Những vị trí này ở địa bàn hiểm trở dễ bị cô lập khi có lũ lụt.

Phó Phòng An toàn, Công ty Truyền tải điện 3, Trần Xuân Hùng cho biết: “Khi phát hiện các vị trí cột có nguy cơ ảnh hưởng đến sự vận hành an toàn của tuyến đường dây thì vận chuyển vật tư, phương tiện, nhân lực... để gia cố, xử lý rất khó khăn vì vật tư chủ yếu vận chuyển bằng sức người là chính, xe cơ giới không thể vào được”.
Cũng theo ông Hùng, tại khu vực này, đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần đường dây, tình trạng phá rừng làm rẫy làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của các con sông, suối làm dòng chảy tự nhiên bị thay đổi, gây nguy cơ mất an toàn một số vị trí cột.

Vào mùa mưa bão cây rừng, nhà mái tôn, nhà bạt kín trồng hoa (dạng nhà rẫy tạm bợ) của người dân làm rẫy gần đường dây nên khi có lốc xoáy có nguy cơ cuốn cành cây, bạt che, mái tôn bay vướng lên đường dây.

Truyền tải điện Gia Lai (Công ty Truyền tải điện 3), quản lý 2 trạm biến áp 500kV Pleiku, Pleiku 2 là điểm nút hết sức quan trọng trong hệ thống điện Việt Nam nói chung và lưới truyền tải điện nói riêng, đồng thời kết nối hệ thống điện hai miền Nam Bắc qua trục các đường dây 500kV.

Đơn vị còn quản lý 7 tuyến đường dây 500kV có tổng chiều dài gần 351,9 km; 6 tuyến đường dây 220kV có tổng chiều dài hơn 349,8 km, đi qua hơn 60 xã, 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Sử dụng cần cẩu dưới đường điện cao áp nguy cơ tai nạn do phóng điện vi phạm khoảng cách. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Đơn vị cũng tiếp nhận một lượng lớn công suất từ các nhà máy thủy điện trong khu vực truyền tải vào hệ thống điện Quốc gia.

Truyền tải điện Gia Lai cho biết, đường dây truyền tải trong phạm vi đơn vị quản lý chủ yếu đi qua vùng đồi núi cao, rừng tự nhiên, vườn trồng cây công nghiệp như cao su, bời lời, điều, thông, tràm…nên mặc dù cây trồng nằm ngoài phạm vi hành lang an toàn lưới điện nhưng vào mùa mưa cành nhánh phát triển nhanh, vươn vào hành lang có nguy cơ ngã đổ vào đường dây.

Nhiều cung đoạn đường dây đi qua núi rừng hiểm trở như khu vực Nhà máy thủy điện Sê san, Sê san 3A, đèo Mang Yang…, xe cơ giới không thể đi vào gần đường dây mà công nhân quản lý vận hành phải đi bộ mất nhiều thời gian mới tiếp cận được.

Các vị trí cột đứng trên sườn đồi núi vào mùa mưa có nguy cơ xói lở, sạt đất rất cao.

Theo ông Đinh Văn Cường, Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai, mùa khô khu vực Tây Nguyên kéo dài hơn sáu tháng, mật độ bụi cao do đất đỏ Bazan kết hợp lốc xoáy đã làm cho tốc độ thiết bị cách điện nhiễm bẩn nhanh, khi gặp điều kiện thời tiết thay đổi bất thường, sương mù, sương muối xuất hiện dẫn đến nguy cơ phóng điện cao.

Chưa kể, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số thường đốt rừng làm rẫy, dẫn đến xảy ra cháy lan dưới hành lang lưới điện.

Thậm chí, một số ít người dân am hiểu về an toàn lưới điện còn thấp, nên thu gom thực bì như cành nhánh cây trồng sau chặt tỉa, cùi bắp, vỏ trấu … đưa vào hành lang lưới điện để đốt….

Lưới điện trong khu vực Truyền tải điện Phú Yên quản lý cũng đi qua nhiều địa hình phức tạp như núi cao, rừng rậm, đầm lầy.

Địa hình nơi đây luôn hứng chịu tần suất bão lũ khá thường xuyên với cường độ lớn như các năm 1993, 2002, 2009.

Khi có mưa bão, nhiều khu vực bị cô lập công nhân không thể vào kiểm tra hoặc phải đi bằng phương tiện đường thủy.

Một số cung đoạn nằm trong vùng ven biển nên dễ nhiễm hơi muối gây rỉ sét, ăn mòn thiết bị.

Mặt khác, tuyến đường dây giao chéo với nhiều đường đất, gần công trường khai thác đá, mức độ ô nhiễm cao nên mất nhiều nhân lực cho công tác vệ sinh, bảo dưỡng cách điện. Một số cung đoạn đường dây đi qua địa bàn bị nhiễm mặn, phèn chua nên tiếp địa bị ăn mòn mạnh;

Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên, Nguyễn Duy Ngọ cho biết, trên địa bàn tỉnh còn đang triển khai một số công trình trọng điểm lớn như hầm Đèo Cả, nâng cấp Quốc lộ 25… nên nhiều tuyến đường mới mở phục vụ thi công, giao chéo và đi gần với đường dây nên có nguy cơ vi phạm hành lang an toàn lưới điện, đơn vị phải thường xuyên theo dõi kịp thời phát hiện ngăn chặn khi có vi phạm.

Về mùa mưa địa bàn tỉnh có mật độ giông sét rất cao rất dễ gây sự cố lưới điện. Trong khi đó, nhiều tuyến đường dây đi qua rừng tự nhiên, rừng trồng của dân và rẫy mía nên khó khăn trong công tác phát quang hành lang an toàn lưới điện và dễ xảy ra sự cố do dân đốt rẫy, cháy mía.

Ông Trần Xuân Hùng cũng cho biết, hiện nay một số tuyến đường dây có cây nằm ngoài hành lang, tuy nhiên khi cây phát triển lớn sẽ gây ảnh hưởng đến sự vận hành an toàn của tuyến đường dây vào mùa lụt bão trong trường hợp ngã đổ.

Mặc dù Công ty Truyền tải điện 3 đã phối hợp với chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp, chủ rừng đền bù chặt tỉa, nhưng một số nơi vẫn còn gặp khó khăn vướng mắc trong đền bù chắt tỉa.

Vì vậy, chính quyền các địa phương cần phối hợp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để thuận lợi trong công tác này./.

An toàn lưới điện cao áp tại miền Trung, Tây Nguyên – Bài 2: Lấy địa phương làm gốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục