Bảo vệ an toàn lưới điện cao áp – Bài 1: Chống cháy trong và ngoài gần hành lang

07:32' - 27/09/2016
BNEWS Trong những năm qua đã xảy ra một số sự cố lưới điện cao áp mà nguyên nhân chủ yếu là do cháy rừng, cháy cây trồng trong và ngoài gần hành lang lưới điện.

Các tỉnh Tây Nguyên đang chuẩn bị bước vào mùa khô nên nguy cơ cháy rất cao. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo vệ an toàn lưới điện cao áp của đơn vị truyền tải trong khu vực cũng như đe dọa đến việc đảm bảo cung cấp điện của hệ thống điện Quốc gia.

Nguy cơ cao

Công ty Truyền tải điện 3 (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia) cho biết, quản lý lưới điện 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nên đặc thù thời tiết có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.

Trong đó, mùa khô của tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rất cao như: Cháy rừng phòng hộ; rừng trồng; cháy do tập quán canh tác của người dân tộc; cháy do đốt lá mía....

Chống cháy tại vị trí 12- 13 đường dây 220kV Hạ Sông Ba – Tuy Hòa. Ảnh: BNEWS/TTXVN
Trong khi đó, đây là vùng có số lượng lớn dân di cư đến cũng như là vùng người dân tộc thiểu số nên việc đốt rừng làm nương rẫy là tập quán canh tác từ lâu và nhu cầu mưu sinh.

Trên thực tế, trong những năm qua đã xảy ra một số sự cố lưới điện cao áp mà nguyên nhân chủ yếu là do cháy rừng, cháy cây trồng trong và ngoài gần hành lang lưới điện.

Có những tháng mùa khô cả khu rừng xảy ra rất nhiều đám cháy nhất là từ phía ngoài sau đó lan vào gần và trong hành lang an toàn lưới điện.

Chính quyền cũng như các cơ quan liên quan đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, ngăn chặn nhưng kết quả còn hạn chế nhất là khu vực tỉnh Đắk Lắk. Việc khai thác, đốt gỗ lấy than trong các khu rừng phòng hộ vẫn chưa thể kiểm soát hoặc do nhiều lý do dễ tạo ra những đám cháy lớn nhất là rừng bạch đàn, keo.

Một nguyên nhân nữa là trên địa bàn Công ty quản lý có những vùng nguyên liệu mía diện tích lớn kéo dài vài chục km trên một đường dây, thời gian dễ cháy tập trung từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm là những tháng thu hoạch mía.

Người dân sau khi thu hoạch lá mía chủ yếu đốt nên nếu gặp gió lớn dễ cháy sang cả ruộng mía khi đó tạo nên những đám cháy rất lớn nếu gần đường dây nguy cơ gây sự cố rất cao.

Theo ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3, nếu đền bù để chặt cây mía, cây trồng trong và ngoài gần hành lang thì khối lượng rất lớn.

Chỉ tính chi phí đền bù cho mỗi vùng nguyên liệu mía cho một đường dây cũng xấp xỉ chục tỷ đồng. Có những vùng dân họ không chấp nhận đền bù tạo "hành lang trắng" hoặc thay đổi cây trồng vì cây mía là thích hợp và hiệu quả nhất.

Trong khi đó, lực lượng quản lý vận hành chỉ đủ làm công tác sửa chữa, bảo dưỡng  chặt tỉa cây ngoài hành lang an toàn lưới điện nên tổ chức canh trực, giúp dân thu hoạch, xử lý nguy cơ cháy trong thời gian dài hết sức khó khăn.

Mặt khác, trang bị phương tiện cho công tác khống chế, dập đám cháy chưa có mà chủ yếu sử dụng phương pháp thô sơ như dùng cây đập vào đám cháy, dùng xẻng xúc đất….

Đặc biệt, vùng có nguy cơ cháy là vùng khô hạn nên để có nguồn nước chữa cháy là rất khó khăn.

Giải pháp thiết thực

Để chủ động trong công tác chống cháy mùa khô hành lang tuyến năm 2016, ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó phòng An toàn, Công ty Truyền tải điện 3 cho biết, ngay từ cuối năm 2015, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị Truyền tải điện thực hiện quyết liệt và đồng bộ 2 nhóm giải pháp đảm bảo an toàn hành lang lưới điện trên nguyên tắc chủ động giảm tối đa nguy cơ cháy có khả năng gây sự cố đường dây.

Theo đó, lãnh đạo Công ty và đơn vị làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp các tỉnh  Khánh Hoà, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai...; làm việc với các nhà máy đường, trạm thu mua nông vụ để ưu tiên thu hoạch trước các ruộng mía trong và gần hành lang an toàn đường dây, giảm nguy cơ cháy từ những ruộng mía này.

Bên cạnh đó, Công ty ký cam kết với các Lâm trường, Nông trường, Ban Quản lý rừng phòng hộ, UBND thị trấn, UBND xã và từng hộ dân sinh sống dọc theo đường dây, các hộ có đất, rẫy, ruộng mía dưới các tuyến đường dây tiến hành chặt phát, thu dọn, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện.

Các Truyền tải điện hỗ trợ công kể cả thuê nhân công giúp dân thu hoạch, vận chuyển mía, xử lý lá mía sau khi thu hoạch. Đồng thời huy động lực lượng tổng kiểm tra, phát quang, dọn thực bì, đốt có kiểm soát ... để giảm tối đa nguy cơ cháy.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyến, với tổng số khoảng cột phải xử lý chống cháy là 1.706 khoảng cột, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty đã xử lý dứt điểm tồn tại của các khoảng cột này.

Thu gom lá mía đốt có kiểm soát tại vị trí 62-63 đường dây 220kV Hạ Sông Ba – Tuy Hòa. Ảnh: BNEWS/TTXVN
Ở những cung đoạn có nguy cơ cháy cao tiếp tục cử cán bộ công nhân canh trực liên tục; kết hợp tuyên truyền, giám sát phát hiện kịp thời các đám cháy để có phương án xử lý kịp thời, kể cả phương án khẩn cấp là đề nghị Điều độ cô lập đường dây khi có cháy lớn vào gần đường dây không kiểm soát được.

Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ dân sinh sống gần các tuyến đường dây thực hiện công tác phòng, chống cháy rừng, thực hiện bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.     

Trên cơ sở phương án chống cháy hành lang tuyến mùa khô năm 2016 của các Truyền tải điện trực thuộc đã lập, Công ty đã yêu cầu các đơn vị lập lịch cụ thể trong các tháng mùa khô (các tỉnh Tây Nguyên từ tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau, các tỉnh Duyên hải miền Trung từ tháng 1 đến hết tháng 7) kiểm tra, tổ chức phát quang các cây trong hành lang, chủ động khoanh vùng, thu gom và đốt có kiểm soát cây khô, thực bì hoặc thu dọn, giảm tối đa nguy cơ cháy.

Đối với những khu vực xung yếu tại những thời điểm có nguy cơ cháy cao  (nhất là với cây mía), lập lịch cử cán bộ, công nhân trực canh nhằm phát hiện sớm đám cháy để triển khai phương án xử lý thích hợp như huy động lực lượng, phương tiện dập tắt hoặc khống chế đám cháy.

Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng khoảng cột, huy động nhân lực chặt cây nhất là các cây rừng không có giá trị như tre , lồ ô... mở rộng thêm hành lang chống cháy.

Đối vùng nguyên liệu mía, với khoảng cột nguy cơ cháy cao có thể hỗ tiền cho nông dân do phải thu hoạch mía sớm chưa đủ trữ đường.

Thu gom lá mía đốt có kiểm soát tại vị trí 29-30 đường dây 220kV Hạ Sông Ba – Tuy Hòa. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Trong trường hợp đặc biệt có thể mua cả ruộng mía dưới hành lang nếu xét thấy có nguy cơ cháy cao gây sự cố. Năm nay, Công ty đã bổ sung công tác sửa chữa lớn nâng cao khoảng cách pha – đất đường dây 220kV Krôngbuk – Nha Trang được 6 khoảng cột, đoạn đi qua vùng nguyên liệu mía các khoảng cột này có độ võng thấy nơi đã xảy ra sự cố do nguyên nhân cháy mía năm 2015.

Đối với các rừng trồng, rừng phòng hộ ngoài gần hành lang, các Truyền tải điện thuê nhân công, phương tiện thực hiện các biện pháp chống cháy phù hợp với điều kiện cụ thể từng khoảng cột đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ cháy lan từ ngoài hành lang rừng trồng, rừng phòng hộ vào hành lang tuyến. Đồng thời hỗ trợ lực lượng kiểm lâm, chủ rừng dọn thực bì, chặt đốt có kiểm soát.

Công ty Truyền tải điện 3 cho biết, từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2016 mặc dù thời tiết nắng nóng và khô hạn gay gắt nhưng trong phạm vi Công ty quản lý không có sự cố do nguyên nhân vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Hiện nay Công ty vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp chống cháy trong và ngoài gần hành lang lưới điện, phấn đấu trong năm 2016 không để xảy ra sự cố lưới điện do cháy hành lang tuyến gây ra./.

Bảo vệ an toàn lưới điện cao áp – Bài 2: Tăng cường kiểm tra và giám sát

Bảo vệ an toàn lưới điện cao áp – Bài 3: Giải bất cập trong chính sách bồi thường GPMB

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục