APEC 2017: Định hướng phát triển du lịch trong thời kỳ chịu tác động của biến đổi khí hậu

17:16' - 23/02/2017
BNEWS Phát triển du lịch bền vững được xác định là mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất (SOM 1) và các cuộc họp liên quan, ngày 23/2, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Nhóm công tác về du lịch (TWG) đã tổ chức Hội thảo về du lịch bền vững.

Bên lề Hội thảo, Phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam về những vấn đề được đưa ra bàn thảo lần này.

Phóng viên: Với tư cách là chủ nhà APEC 2017, chủ trì Hội thảo về du lịch bền vững, ông có thể cho biết những đóng góp của Việt Nam tại Hội thảo này?

Ông Hà Văn Siêu: Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trở thành điểm đến hấp dẫn và thân thiện đối với du khách trong và ngoài khu vực. Năm 2015, các nền kinh tế thành viên APEC đón được trên 396 triệu lượt khách (chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới); tạo thu nhập trên 598 tỷ USD (chiếm 44,5% thu nhập du lịch toàn cầu), tạo ra 47,9 triệu việc làm trực tiếp.

Các Bộ trưởng du lịch Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 800 triệu lượt khách quốc tế đến du lịch trong khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành du lịch của 21 nền kinh tế thành viên cũng gặp phải không ít thách thức, đặc biệt là thách thức do thiên nhiên mang lại.

Vì vậy, phát triển du lịch bền vững được xác định là mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2017 được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) chọn là “Năm du lịch bền vững”.

Với vai trò chủ nhà Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị bàn tròn chính sách cao cấp về phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu (dự kiến sẽ tổ chức tại Hạ Long vào tháng 6/2017) và được các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ủng hộ cao.

Hội nghị lần này sẽ đề xuất mục tiêu, nội dung cơ bản của Tuyên bố Hạ Long và Khung hướng dẫn về phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Đây là một sáng kiến, nỗ lực của chủ nhà Việt Nam nhằm đưa ra những gợi mở về chính sách, cam kết của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về mục tiêu phát triển bền vững được Tổ chức Du lịch thế giới đưa ra trong năm 2017.

Chuỗi hoạt động từ đề xuất, sáng kiến, hội thảo, họp Nhóm công tác du lịch, hội nghị bàn tròn cấp cao về du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đến Hội nghị thượng đỉnh sản phẩm đầu ra của sáng kiến này… chính là những đề xuất mục tiêu định hướng phát triển du lịch trong thời kỳ mới, chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Phóng viên: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Tổng cục Du lịch có giải pháp nào để ứng phó với ảnh hưởng này? 

Ông Hà Văn Siêu: Tổ chức Du lịch thế giới nhận định, du lịch vừa là tác nhân, vừa là nạn nhân của biến đổi khí hậu. Sự phát triển du lịch gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường, biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, du lịch là ngành dễ bị tổn thương, nhạy cảm với sự thay đổi của thiên nhiên, khí hậu. Lượng khí thải nhà kính từ hoạt động của các phương tiện vận chuyển du lịch, lưu trú, các chất thải rắn, lỏng từ hoạt động du lịch gây ra ô nhiễm môi trường đất và nước.

Một số hoạt động du lịch không được quy hoạch tốt ảnh hưởng xấu đến sự đa dạng sinh học, môi trường thiên nhiên hoang dã.

Ở chiều hướng ngược lại, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới điểm đến, mùa du lịch, chi phí vận hành. Một số hiện tượng thời tiết cực đoan, khó dự báo khiến các chương trình du lịch bị hủy bỏ, tạo tâm lý e ngại cho khách du lịch.

Với Việt Nam, biến đổi khí hậu đang tác động sâu và rộng đến mọi mặt của đời sống, trong đó có du lịch. Chúng ta cũng sẽ không thể lường trước được số lượng những biến đổi dị thường của thời tiết, cũng như những ảnh hưởng tới các chuyến đi, kỳ nghỉ của khách du lịch.

Vì vậy, các chính sách, những chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu được ngành Du lịch đặt ra từ lâu. Trong đó, đặc biệt là việc quy hoạch đầu tư phát triển, dự báo để có những giải pháp thích ứng với các dị thường về thời tiết khí hậu, cũng như những tác động xấu của thời tiết khí hậu tới hoạt động du lịch.

Tất cả những giải pháp đó đã được chuyển tải trong chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Hàng năm, Tổng cục Du lịch tổ chức những chương trình, hội thảo chuyên đề về biến đổi khí hậu. Tại các hội chợ du lịch quốc tế, các diễn đàn chuyên nghiệp về du lịch, chúng tôi cũng đều đưa vấn đề biến đổi khí hậu để tìm kiếm giải pháp chung.

Phóng viên: Việc kết nối hợp tác giữa 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đối với lĩnh vực du lịch sẽ được giải quyết như thế nào tại Hội thảo lần này, thưa ông? 

Ông Hà Văn Siêu: Tại Hội thảo này, các chuyên gia, diễn giả sẽ trình bày những báo cáo, phát hiện, tranh luận về xu hướng, diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu tới mọi mặt đời sống trong đó có du lịch.

Các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: Tính dễ tổn thương của du lịch và biến đổi khí hậu; Ảnh hưởng của du lịch đến biến đổi khí hậu và ngược lại; Định hướng chính sách về phát triển du lịch APEC bền vững gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu; Hướng dẫn sự tham gia và đối thoại giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch biển APEC.

Trên cơ sở đó, Nhóm công tác về du lịch của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sẽ xem xét đề xuất mục tiêu và nội dung cơ bản của Tuyên bố Hạ Long và Khung hướng dẫn về phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia cũng đưa ra những tác động có thể đo đếm được đối với du lịch. Từ đó đề xuất ra một số giải pháp về chính sách tới các chương trình hành động của các cơ sở dịch vụ cung cấp du lịch, các bên liên quan, nhà đầu tư cơ sở hạ tầng cho đến cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như các biện pháp thích ứng từ phía du lịch.

Trong khuôn khổ Hội thảo lần này, các chuyên gia sẽ đề cập tới việc định hướng cho ngành Du lịch một số hoạt động ưu tiên, hoặc dự báo những vấn đề ngành Du lịch có thể sẽ gặp phải trong tương lai gần, đưa ra khung chính sách, khuôn khổ hướng dẫn để các nền kinh tế có thể chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phóng viên: Năm 2017 là được dự báo sẽ là một năm “vàng” của du lịch Việt Nam. Để nắm bắt cơ hội đó, công tác quảng bá ngành du lịch được triển khai như thế nào, thưa ông? 

Ông Hà Văn Siêu: Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. So với Năm APEC 2006, chúng ta đã trưởng thành hơn rất nhiều. Chúng ta chủ động chuẩn bị mọi mặt, đặc biệt về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, các sự kiện chào đón đại biểu, hoạt động cho đại biểu.

Trong mấy ngày đầu diễn ra Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (SOM 1) đã thấy sự sẵn sàng, chuyên nghiệp của Việt Nam được nâng lên rất nhiều. Năm APEC 2017 là cơ hội tốt để chúng ta chủ động tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ở hai mặt.

Mặt thứ nhất, quảng bá tại chỗ cho các đại biểu thông qua hoạt động tại Việt Nam. Mặt kia, những hoạt động tương tác giữa các đại biểu với cuộc sống người dân Việt Nam. Những hoạt động của Tổng cục Du lịch, cùng sự vào cuộc của các địa phương, đã tạo ra một môi trường du lịch bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.

Đặc biệt, tại những nơi tổ chức các sự kiện APEC đều có các điểm cung cấp thông tin, tổ chức các chương trình tham quan miễn phí chiêu đãi các đại biểu. Đây là cơ hội để ngành Du lịch Việt Nam quảng bá tại chỗ tốt nhất tới các đại biểu của 21 nền kinh tế trên thế giới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục