ASEAN liệu có "miễn nhiễm" với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

19:23' - 06/07/2018
BNEWS Ngày 6/7, các biện pháp áp thuế của Mỹ và Trung Quốc đối với các sản phẩm và hàng hóa nhập khẩu trị giá nhiều tỷ USD của nhau bắt đầu có hiệu lực.

Đối với các nước ASEAN, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ là thách thức mà còn mang tới cơ hội.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, năm 2017, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 514,8 tỷ USD. Đây là năm thứ chín liên tiếp, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Các nước mà Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa chủ yếu là Việt Nam, Singapore và Malaysia. Còn các nước mà Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa chủ yếu là Malaysia, Việt Nam và Thái Lan.

Với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể bùng nổ, không ít chuyên gia lạc quan cho rằng một số nước ASEAN có thể thu lợi nhất định. Theo ông Edward Lee, trưởng bộ phận nghiên cứu Đông Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered, trước việc Mỹ áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc, khách hàng Mỹ có thể tìm đến nước khác để nhập khẩu hàng hóa.

Như vậy các quốc gia như Malaysia có thể trở thành nước xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ thay thế Trung Quốc.

Mặt khác, việc Trung Quốc áp thuế trừng phạt lên mặt hàng nông sản Mỹ sẽ dẫn tới khả năng nước này tăng cường nhập khẩu nông sản từ ASEAN, qua đó đưa các nước Đông Nam Á trở thành khu vực xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc thay thế Mỹ.

Tuy nhiên, khi ngành chế tạo của một số nước ASEAN đã trở thành một phần trong chuỗi cung ứng cho ngành chế tạo Trung Quốc nên nếu xuất khẩu các sản phẩm đầu cuối do Trung Quốc lắp ráp gặp trở ngại, thì các nước cung cấp nguyên liệu và linh kiện đầu vào trong chuỗi cung cứng sẽ bị ảnh hưởng.

Nhà kinh tế học Thái Học Mẫn thuộc Công ty chứng khoán Kim Eng của Singapore cho rằng Mỹ áp thuế trừng phạt đối với các sản phẩm điện tử Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực tới Singapore và Malaysia.

Bởi vì hai nước ASEAN này đã gắn chặt với chuỗi ngành nghề sản xuất sản phẩm điện tử của Trung Quốc. Thái Lan, nước xuất khẩu linh kiện điện tử và nguyên liệu cao su cho Trung Quốc cũng được cho là sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Như vậy, theo tờ Nam Dương thương báo, có thể nói trong ngắn hạn, ASEAN có thể nhận được lợi ích nhất định từ việc trở thành nước xuất khẩu hàng hóa thay thế trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, về dài hạn, chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới tổng lượng trao đổi thương mại giữa ASEAN và hai nước kể trên, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế của các nước thuộc khối này.

Nhà kinh tế trưởng của DBS, ông Taimur Baig cho rằng một cuộc chiến thương mại diễn ra có thể làm Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả hai nền kinh tế mất đi 0,25% trong năm 2018, và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới, khi mà cả hai nước đều phải chứng kiến độ sụt giảm về tăng trưởng kinh tế.

Không chỉ vậy, các nước như Hàn Quốc, Singapore đều có thể bị ảnh hưởng do sự gián đoạn dây chuyền cung ứng bởi Trung Quốc cung cấp rất nhiều linh kiện, thiết bị để sản xuất sản phẩm ở các nước này.

Ông Nick Marro, thuộc cơ quan phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit, nhận định “bất kỳ vết lõm nào trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng tới các nước khác trên thế giới”.

Tuy nhiên, không phải mọi cánh cửa đã đóng chặt với Mỹ và Trung Quốc, bởi hơn ai hết, cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều hiểu những tổn thất nặng nề họ sẽ phải gánh chịu nếu tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang./.

Xem thêm:

>>>Áp thuế thương mại Mỹ-Trung: Doanh nghiệp Việt phải giữ thế chủ động

>>>Trung Quốc nhấn mạnh chiến tranh thương mại "tuyệt đối không phải là giải pháp"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục